“Nhơ nhớp”
Cuộc điều tra tội ác chiến tranh được chính phủ Iraq thực hiện dựa trên cơ sở hàng chục đoạn băng video ghê rợn và nhiều bức ảnh kinh khủng cho thấy binh sĩ mặc quân phục thuộc các đơn vị tinh nhuệ nhất Iraq và các dân quân thảm sát thường dân; tra tấn, hành quyết tù nhân rồi khoe ra những cái đầu đẫm máu.
Tướng Saad Maan, người phát ngôn chính phủ Iraq, xác nhận một cuộc điều tra đầy đủ đã được lệnh tiến hành dù hàng chục bức ảnh có thể là công cụ tuyên truyền của IS.
Những đoạn video và bức ảnh này đã được lan truyền trên mạng xã hội Iraq kể từ mùa hè 2014. Các đơn vị quân đội và dân quân Iraq bị điều tra được mệnh danh là “những lữ đoàn nhơ nhớp” vì phạm phải tội ác.
Chính phủ Mỹ ra tuyên bố khẳng định: “Hành động của các lực lượng an ninh Iraq và dân quân có nguy cơ bị mô tả bằng những nét vẽ giống như phiến quân IS”. Cùng với các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế và chuyên gia quân sự, Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy gọi những hình ảnh kể trên là chứng cứ tội ác chiến tranh ở Iraq. “Sự việc liên quan đến Bộ Luật Leahy. Tôi cho rằng chúng ta sẽ rút lại tiền viện trợ” - ông Leahy nhận xét.
Chiếu theo điều gọi là Bộ Luật Leahy, chính phủ Mỹ phải cắt mọi nguồn kinh phí cấp cho bất cứ đơn vị quân sự nước ngoài nào khi có chứng cứ đáng tin cậy về hành động vi phạm nhân quyền. Theo một viên chức quân sự cao cấp ở Lầu Năm Góc, một số đơn vị Iraq đã bị Mỹ cắt đứt sự trợ giúp vì những vi phạm về nhân quyền hiển nhiên không thể chấp nhận này.
Điều trần trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry xác định đã có lệnh điều tra về tội ác của quân nhân Iraq, đồng thời thừa nhận Bộ Luật Leahy áp dụng cho các đơn vị đang hoạt động cùng với số đông dân quân chiến đấu chống IS ở Iraq.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ đã bàn bạc với các nhà lãnh đạo Iraq về tầm quan trọng của việc duy trì cách ứng xử tiêu chuẩn cao và bảo vệ thường dân thuộc mọi bộ tộc. Theo đó, hành động của thiểu số nhỏ bé - nếu không được kiểm soát - có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực của chính phủ Iraq.
Tội ác chiến tranh
Trung tá Lực lượng Đặc biệt Mỹ James Gavrilis, đã nghỉ hưu, nhận định: “Chặt đầu người ta rồi đặt nó trước mui xe - thật không thể chấp nhận được. Đó là tội ác chiến tranh và là hành động tàn bạo. Tôi nghĩ rằng điều đó chứng tỏ chính sách của chúng ta ở Iraq đã thất bại”.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từng ra tuyên bố về Iraq, trong đó vừa lên án IS về chiến dịch diệt chủng vừa chỉ trích các lực lượng an ninh Iraq về các hoạt động quân sự chẳng khác gì tội ác chiến tranh. “Tôi đã chứng kiến những thứ kinh khủng trong nhiều năm trời nhưng chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy chuyện tệ hại như vậy trong đời” - ông Ali Khedery - từng là nhà ngoại giao Mỹ ở Baghdad, cố vấn cho 5 đại sứ Mỹ và 3 vị tướng giám sát các hoạt động ở Trung Đông tại Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ - nhấn mạnh.
Cho đến nay, quân đội Iraq vẫn là lực lượng then chốt trong chiến lược chống IS của Mỹ và chặn đứng các hành vi tàn bạo của bọn khủng bố. Do đó, Mỹ đưa đến nước này số lượng vũ khí khổng lồ trị giá gần 1 tỉ USD cũng như cử người đến huấn luyện tân binh Iraq.
Một quan chức ở Baghdad khẳng định chính phủ Iraq, chứ không phải Lầu Năm Góc, quyết định đơn vị nào được nhận vũ khí do Mỹ tài trợ, chẳng hạn 43.000 khẩu M4 và hàng ngàn vũ khí bộ binh hạng nhẹ mà quốc hội Mỹ đã chấp thuận cho chở đến Iraq vào tháng 12 tới.
Nhiều viên chức thuộc các tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đã phải thốt lên rằng họ chưa bao giờ thấy những chứng cứ sinh động về sự vi phạm nhân quyền như vậy. “Thông thường, khi phạm các tội ác như thế, người ta sẽ cố che giấu đi. Còn ở đây, những gì chúng ta nhìn thấy là sự khoe khoang trơ tráo các tội ác kinh khủng” - bà Sarah Leah Whitson, Giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Trung Đông, trả lời phỏng vấn khi đến Iraq.
Đáng chú ý, các quan sát viên nhân quyền và tình báo quân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ từng thấy nhiều hình ảnh tội ác của những lực lượng an ninh Iraq trên các trang xã hội cá nhân trong suốt 1 năm trời. Thế nhưng, khi báo chí đặt vấn đề về những hình ảnh phản cảm đó, các cáo buộc đầy lo ngại chống lại những hành động hung bạo như vậy mới dấy lên dữ dội hơn.
Vi phạm Công ước Geneva
Sự xúc phạm người chết trong chiến tranh và giết người ngoài tố tụng là những vi phạm Công ước Geneva nhưng quân nhân Iraq vẫn thản nhiên công bố “thành tích” của mình. Chẳng hạn, bức ảnh chụp cảnh đầu của 1 phiến quân IS râu tóc rậm rạp treo trước đầu xe Humvee do Mỹ tài trợ; bức ảnh chụp 1 quân nhân Iraq giơ đầu phiến quân IS này kế bên xe quân sự.
Trong khi đó, hơn 600 người “like” đoạn video quay cảnh 1 tù nhân bị 1 người đàn ông ngụy trang bắn vào đầu, được đăng tải trên tài khoản Instagram cá nhân của quân nhân Iraq, với dòng chú thích: “Chúng tôi đã bắt được tên khủng bố này và hạ sát y sau khi hoàn tất việc thẩm vấn”. Ở một đoạn video khác, 2 thường dân không vũ trang bị bắn đến chết dù phủ nhận cáo buộc là phiến quân IS. Trong video này, người đàn ông cầm súng mặc quân phục, trên vai áo mang huy hiệu Lực lượng Đặc biệt Iraq, còn các sĩ quan quân đội Iraq đứng gần đó quan sát hành động tàn bạo.
Theo NLĐ