Những năm gần đây, Nga và Ấn Độ gặp không ít trở ngại trong vấn đề hợp tác về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Cách đây không lâu còn có tin cho hay hai bên sắp ký kết thỏa thuận chính thức. Nhưng bỗng nhiên, sự việc lại “trái ngược”.
Theo tờ Defence News Mỹ ngày 21/10, quan chức Không quân Ấn Độ đã trình báo cáo lên Bộ Quốc phòng nước này, cho rằng do máy bay Su-57 của Nga không thể đáp ứng yêu cầu của Không quân Ấn Độ, không thể thực hiện được các chức năng như máy bay chiến đấu F-35 Mỹ, vì vậy yêu cầu chấm dứt hợp tác với Nga.
Có quan chức lâu năm trong Không quân Ấn Độ tiết lộ, tầng lớp lãnh đạo Không quân Ấn Độ gần đây cho rằng chương trình FGFA (Nga và Ấn Độ hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm) tồn tại vấn đề. Bởi vì phương án của phía Nga không thể đáp ứng yêu cầu của Không quân Ấn Độ, tính năng tàng hình (diện tích tiết diện phản xạ radar) của Su-57 không đạt tiêu chuẩn như F-35 Mỹ.
Ngoài ra, việc cải tạo kết cấu chính theo yêu cầu của Không quân Ấn Độ cũng không thể được đáp ứng trên cơ sở máy bay nguyên mẫu hiện có của Nga. Việc tiếp tục chương trình này hoàn toàn không có lợi gì.
FGFA cũng không sử dụng công nghệ động cơ mô-đun hóa, làm cho việc bảo trì khó khăn và đắt đỏ hơn. Đây sẽ là một phiền phức đối với phi đội không quân.
Một quan chức Ấn Độ khác cho biết trong danh sách yêu cầu ngắn của Không quân Ấn Độ đối với chương trình FGFA đã đề xuất động cơ mô-đun. Bởi vì, nếu không như vậy thì khách hàng sẽ không thể tự hoàn thành bảo trì toàn diện máy bay.
Tuy nhiên, phía Nga còn chưa áp dụng thiết kế động cơ mô-đun hóa trên FGFA, tức là công tác bảo trì còn phải quay về nhà máy chế tạo để tiến hành.
Đối với những thông tin trên, Đại sứ quán Nga tại Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì.
Tuy nhiên, nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Vaijinder K. Thakur, sĩ quan nghỉ hưu của Không quân Ấn Độ lại không đồng ý với đánh giá nêu trên của Không quân Ấn Độ, cho rằng máy bay nguyên mẫu FGFA hiện cũng sử dụng động cơ AL-41F1 như Su-57.
Nhưng FGFA phiên bản sản xuất sẽ sử dụng động cơ Izdeliye-30. Trọng lượng động cơ này giảm 30%, lực đẩy lớn hơn, sử dụng nhiên liệu kinh tế hơn, các linh kiện sử dụng ít hơn. Điều này có nghĩa là độ tin cậy của loại động cơ này có thể tăng 30%, chi phí cho toàn bộ tuổi thọ của nó thấp hơn.
Theo Vaijinder K. Thakur, Không quân Ấn Độ thực ra chưa từng điều khiển máy bay chiến đấu F-35 Mỹ, không có cơ sở để đánh giá được chi phí toàn bộ trong quá trình sử dụng máy bay Mỹ và Nga.
Ấn Độ đã chỉ định Công ty chế tạo hàng không Hindunstan – một công ty nhà nước là nhà sản xuất của chương trình FGFA. Trước đó, Ấn Độ có kế hoạch đặt mua 108 máy bay chiến đấu, chi 5 tỷ USD trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo và sản xuất.
Theo phân tích của Sina Trung Quốc, phía Ấn Độ tung tin như vậy chính là để “kiếm tiền”… Khi Trung Quốc tiến hành triển khai máy bay chiến đấu tàng hình J-20 ở phía tây thì Ấn Độ chắc chắn sẽ lại tìm đến Nga.