Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga thông báo thông tin này. Thượng tướng Andrei Kartapolov, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga, cho biết chỉ trong vài ngày đầu của chiến dịch này không quân Nga đã phá hủy khoảng 500 xe chở dầu, góp phần ngăn chặn khả năng phiến quân IS xuất khẩu trái phép các nguồn năng lượng và chặn nguồn thu nhập của chúng từ buôn lậu dầu mỏ.
Ông còn cho biết các máy bay chiến đấu của Nga cũng thực hiện chiến dịch săn lùng các xe vận chuyển những sản phẩm từ dầu của các phần tử khủng bố tại các khu vực do IS kiểm soát. Ngoài ra, Nga cũng đã mở rộng phạm vi thu thập tin tức tình báo ở Trung Đông bằng tất cả các phương tiện sẵn có, bao gồm cả việc giám sát bằng vệ tinh.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cũng thông báo tàu chiến HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hỗ trợ tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp trong cuộc chiến chống IS. Theo MoD, tàu HMS Defender sẽ hỗ trợ phòng không cho tàu sân bay của Pháp khi chiến đấu chống IS. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định Anh sẽ sát cánh cùng Pháp để tiêu diệt "tổ chức khủng bố man rợ" này.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kế hoạch tác chiến chung với Mỹ nhằm tiêu diệt các tay súng IS tại các khu vực dọc biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Thông tin trên đã được Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận trên truyền thông ở hai quốc gia.
Thông báo của ngoại trưởng 2 nước được đưa ra trong bối cảnh quốc tế tăng cường các hành động phối hợp chống IS sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) cuối tuần trước khiến 129 người thiệt mạng và 350 người khác bị thương.
EU thắt chặt kiểm soát súng
Trong một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/11 đã thông qua gói các biện pháp tăng cường kiểm soát súng trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Theo tuyên bố của EC, ngoài việc ngăn chặn các đối tượng khủng bố có thể tiếp cận với các loại vũ khí, các biện pháp trên tạo thuận lợi cho giới chức EU trong việc kiểm soát những đối tượng được phép sở hữu súng cũng như tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Các biện pháp vừa được thông qua cũng bao gồm một số sửa đổi theo đó thắt chặt kiểm soát việc mua bán và sở hữu súng.
Các biện pháp trên sẽ chính thức có hiệu lực 3 tháng sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu thông qua.
Phát biểu sau khi thông qua các biện pháp trên, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho rằng các vụ tấn công khủng bố xảy ra trong thời gian qua nhằm vào người dân và những giá trị ở châu Âu không giới hạn ở nước nào, vì vậy, "Lục địa Già" phải thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác để đối phó với những nguy cơ này.
Theo ông Juncker, các biện pháp trên sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp EU ngăn chặn được nguy cơ vũ khí rơi vào tay những kẻ khủng bố. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng EU sẽ nỗ lực hướng tới việc thực hiện kế hoạch hành động chung trong tương lai gần để triệt phá và ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí.
Trong khi đó, nhằm tránh xảy ra những sự cố có thể xảy ra trong bối cảnh an ninh bất ổn, ngày 18/11, Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh cấm người dân tham gia 2 cuộc tuần hành dự kiến sẽ phát động tại Paris và một số thành phố khác vào ngày 29/11 và 12/12, trước và sau thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) ở nước này.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển cũng nâng một bậc lên mức cao thứ hai trong thang cảnh báo an ninh quốc gia do lo ngại nguy cơ xảy ra khủng bố sau loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris vừa qua.
Theo đó, cảnh sát Đan Mạch cho biết đã nâng mức báo động từ "Sẵn sàng chiến đấu" lên tình trạng "Sẵn sàng chiến đấu cao đặc biệt" và Thụy Điển đã nâng từ mức "Đe dọa" lên mức "Báo động cao". Ít giờ sau khi Đan Mạch nâng mức báo động, cảnh sát nước này đã phải sơ tán hành khách tại một trong hai cổng hàng không tại sân bay quốc tế Kastrup ở thủ đô Copenhagen sau khi có thông tin về một quả bom trong hành lý.
Theo TTXVN