Stella Li, 53 tuổi, được Forbes miêu tả, là người đứng đằng sau thành tựu phi thường của BYD tại Mỹ.
Tốt nghiệp chuyên ngành thống kê, Đại học Phúc Đán (Fudan) danh tiếng của Trung Quốc, Stella Li bắt đầu sự nghiệp tại BYD với vai trò Giám đốc Tiếp thị - đảm trách nhiệm vụ chính là thúc đẩy doanh số bán pin cho các khách hàng quốc tế vào giữa những năm 1990. Trước đó, bà làm việc tại Global Sources, một công ty chuyên về dữ liệu thông tin kinh doanh.
Trong một sự kiện của Forbes tổ chức tại Thượng Hải nhiều năm về trước, Li đã kể lại những ngày đầu của BYD và duyên cớ đưa bà vào làm việc tại một công ty khi đó còn rất non trẻ. Cuối cùng, BYD đã trở thành “sự nghiệp cả đời” của một trong những nữ doanh nhân thành công nhất Đại lục này.
Cuộc gặp với người sáng lập BYD, Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) - một nhà điện hóa, đã mở ra một cơ hội lớn cho Li. Năm 1996, BYD chỉ là một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực pin điện với một vài nhân viên, đặt tại một căn phòng nhỏ hẹp ở Thâm Quyến.
Nhưng chỉ mất 4 tháng, BYD đã có một trụ sở đúng nghĩa: một tòa nhà văn phòng và một nhà máy riêng. Thành công ban đầu này đã thuyết phục bà trở thành Giám đốc Tiếp thị xuất khẩu toàn cầu của BYD. “Chứng kiến tốc độ phát triển vũ bão của họ, tôi nhận ra tương lai phía trước là không giới hạn”, Li nhớ lại.
Một năm sau, Li mở văn phòng nước ngoài đầu tiên cho BYD tại Hồng Kông và sớm thiết lập sự hiện diện ở châu Âu tại Rotterdam, Hà Lan. Đến năm 2011, trụ sở Bắc Mỹ của BYD chính thức được thiết lập, đặt tại Los Angeles, Hoa Kỳ.
"Nữ tướng" sinh năm 1970 đã tìm về hàng loạt khách hàng sừng sỏ, kể đến như Samsung, Motorola và Nokia, qua đó xác lập vị thế chính thức cho công ty khởi nghiệp non trẻ của Trung Quốc trên bản đồ kinh doanh quốc tế.
Năm 2007, Li được bổ nhiệm làm CEO của BYD Electronics. Công ty con của BYD tiến hành IPO tại Hồng Kông vào tháng 12 năm 2007 với mức giá tham chiếu 10,75 HKD/cp.
Đến năm 2015, Li rời ghế CEO BYD Electronics để chuyển sang vị trí mới. Khi ấy, giá cổ phiếu của BYD Electronics đã tăng khoảng 30% so với mức giá tham chiếu lúc IPO, lên mức 13,52 HKD/cp.
'Bóng' hồng phía sau thành công của BYD
Thử thách tiếp theo cho Li là quản lý các hoạt động mở rộng của BYD tại Mỹ. BYD đã chọn California làm điểm khởi đầu sản xuất của mình vào năm 2013.
Và chính Li, một người có thâm niên 22 năm làm việc tại nhà sản xuất ô tô điện, xe buýt, xe tải hạng trung và hạng nặng lớn nhất thế giới, là kiến trúc sư trưởng cho sự phát triển mạnh mẽ của BYD ở châu Mỹ - bao gồm trụ sở chính ở Bắc Mỹ tại Los Angeles, California vào năm 2011 và các nhà máy sản xuất xe buýt điện, xe tải và mô-đun năng lượng ở Lancaster, California vào năm 2013.
Li hiểu rõ cần phải làm gì để thành công. Bà nói: “Chỉ cần bạn hiểu biết về ngành mình đang kinh doanh, bạn sẽ được khách hàng và các bên khác chấp nhận và tôn trọng như một đối tác đáng tin cậy”. “Điều cần thiết là phải hiểu thị trường đang quan tâm đến những gì và đưa ra kiến thức chuyên môn của bạn để tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề đó.”
Li cho biết, quá trình học tập ban đầu của bà về xe điện liên quan đến việc tăng cường sự hiểu biết sâu sắc về các chi tiết kỹ thuật. Vai trò đầu tiên của bà với tư cách là giám đốc tiếp thị xuất khẩu toàn cầu tại BYD ở Trung Quốc vào năm 1996 chính là đào tạo đội ngũ bán hàng và tạo ra các chiến lược tiếp thị, đồng nghĩa với việc bà chịu trách nhiệm thuyết phục khách hàng về năng lượng tái tạo, sản phẩm năng lượng xanh và phương tiện không phát thải trong thực tế.
Bà từng chia sẻ: “Một đặc điểm tốt cần có trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào và điều mà tôi nghĩ phụ nữ nổi trội một cách tự nhiên, đó là khả năng giao tiếp”. “Nếu bạn chuẩn bị kiến thức, thoải mái nói về công nghệ của công ty mình và luôn sẵn sàng lắng nghe, bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh về một ngành và hiểu rõ hơn về những gì cần thiết.”
Có lẽ chính nhờ tư duy về ngành cùng năng lực vượt trội về khả năng giao tiếp đó, mặc dù tiếng Anh của bà vào những năm 1990 chưa tốt, ông Phúc vẫn cử bà đến châu Âu và Mỹ để tìm kiếm các công ty điện thoại di động quan tâm đến pin giá rẻ của Trung Quốc, thay vì các loại pin của các hãng hàng đầu Nhật Bản.
Trong các cuộc gặp, bà Li nói rõ, BYD sẽ nỗ lực đáp ứng mọi nhu cầu về giá cả và thời gian của khách hàng. Một khách hàng đã nói đùa với mọi người ở BYD rằng cụm từ tiếng Anh đầu tiên mà Li học được chắc hẳn là “Chúng tôi có thể làm được điều đó”.
Bà thậm chí đã bất ngờ xuất hiện tại văn phòng của Micheal Austin, cựu giám đốc điều hành tại Motorola, và yêu cầu được gặp bộ phận mua sắm của công ty. Bằng cách nói chuyện cương quyết và thuyết phục khi bảo vệ chất lượng sản phẩm của BYD, bà Li đã gây ngạc nhiên và chinh phục được Micheal. Ông sau đó trở thành Giám đốc mảng kinh doanh tại Mỹ của BYD suốt hơn một thập kỷ.
Theo Wall Street Journal, Stella Li là một trong những trợ thủ đắc lực giúp Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc thuyết phục Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Bufett rằng, một công ty Trung Quốc nhỏ bé có thể phát triển thành gã khổng lồ ô tô toàn cầu. Tờ này cho biết, Li là người chịu trách nhiệm kinh doanh và bán hàng ở nước ngoài, đồng thời đã đàm phán một số thương vụ lớn nhất giúp BYD thành danh trên thị trường.
Bà Stella Li đã thuyết phục Motorola trở thành khách hàng của BYD vào năm 2000 và Nokia vào năm 2002, đảm bảo cho BYD một vị trí trong top 5 nhà sản xuất pin sạc hàng đầu thế giới. Doanh số bán điện thoại di động bắt đầu bùng nổ vào thời điểm đó và BYD là một trong những nhà cung cấp có giá bán thấp nhất.
Giờ đây, sau gần 20 năm thành lập, BYD tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng thị trường theo cấp số nhân trên nhiều ngành công nghiệp, điều mà Li cho là nhờ các giá trị cốt lõi của công ty và việc tập trung vào bảo vệ môi trường và bình đẳng giới, cũng như mong muốn không ngừng thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.
Với bản thân Li, bà cho rằng: “Đó là điều đáng hài lòng nhất và tôi cũng tin rằng câu chuyện thăng tiến trong lĩnh vực kinh doanh của tôi có thể mang lại một bài học quý giá cho những phụ nữ khác noi theo”./.
Nguồn tham khảo: Wall Street Journal, Bloomberg, Fleet Owner
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu