Bí ẩn giới chủ Điện lực Trung Sơn

VietTimes – Tháng 4/2014, CTCP Điện lực Trung Sơn được thành lập bởi 3 cổ đông cá nhân đầy bí ẩn. Chỉ mất vài năm, doanh nghiệp này đã tích lũy cả chục dự án thủy điện lớn nhỏ và đang nhắm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo. 
Một nhà máy thủy điện của Điện lực Trung Sơn từ trên cao (Ảnh: DLTS)
Một nhà máy thủy điện của Điện lực Trung Sơn từ trên cao (Ảnh: DLTS)

CTCP Điện lực Trung Sơn (Trung Sơn Elec) không phải cái tên quá xa lạ trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp này hiện là công ty mẹ của CTCP Thủy điện Quế Phong (Mã CK: QPH) và CTCP Thủy điện Sông Vàng (SVH).

QPH là đơn vị quản lý cụm Nhà máy Thủy điện Quế Phong tại Nghệ An, bao gồm Nhà máy thủy điện Bản Cốc (45 MW) và Nhà máy thủy điện Sao Va (3 MW), tuyến đường dây 35/110KV kết nối từ các nhà máy thủy điện về điện lưới quốc gia và trạm biến áp công suất 100 MW. Còn VSH là chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện An Điềm II (15,6 MW) tại tỉnh Quảng Nam.

Danh mục các dự án thủy điện của Trung Sơn Elec tiếp tục nối dài với những dự án Nhà máy thủy điện Bản Cánh (1,5 MW), Nhà máy thủy điện Nậm Cắn 2 (20 MW), Nhà máy thủy điện Châu Thắng (14 MW). Theo giới thiệu, doanh nghiệp này còn đang triển khai 2 dự án tại tỉnh Houa Phan (Lào), bao gồm: Dự án thủy điện Nậm Sum 1A (50 MW), Nậm Sum 3A (48 MW).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, chỉ sau 6 năm hoạt động, tính tới 30/6/2020, tổng tài sản của Trung Sơn Elec đạt mức 1.792,2 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với khi mới thành lập.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Sơn Elec khiến dư luận không khỏi băn khoăn về giới chủ đằng sau đại gia thủy điện này.

Từ Prime Group đến Điện lực Trung Sơn

Cuối năm 2012, truyền thông trong nước xôn xao trước thông tin Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã hoàn tất việc mua 85% cổ phần của CTCP Prime Group (Prime Group) – nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 20% thị phần thời điểm đó.

Theo công bố của SCG, thương vụ trị giá 7,2 tỷ Baht (gần 5.000 tỷ đồng) và sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2013. Tới đầu năm 2016, SCG chi tiếp 2,19 tỷ Baht (khoảng 1.500 tỷ đồng) để mua nốt 15% cổ phần còn lại tại Prime Group.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhiều khả năng SCG đã mua lại số cổ phần Prime Group từ 3 cổ đông cá nhân là các ông Nguyễn Thế Vinh, Thái Phong Nhã và Nguyễn Văn Nghĩa.

Nhận được “núi tiền” từ đại gia Thái Lan, các cổ đông này hẳn sẽ không để tiền nằm im trong két, đặc biệt là đối với vị doanh nhân đang bước vào độ chín của sự nghiệp như ông Thái Phong Nhã. Lĩnh vực năng lượng, mà cụ thể hơn là thủy điện, được vị doanh nhân sinh năm 1960 quan tâm và dành nhiều tâm huyết.

Đầu tiên phải kể tới việc ông Thái Phong Nhã làm Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy điện Nậm Cắn và CTCP Phát triển năng lượng viễn thông Miền Trung kể từ tháng 5/2013 – không lâu sau SCG hoàn tất việc thâu tóm 85% cổ phần tại Prime Group.

Trước khi QPH niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Nhã và một cá nhân có liên quan là bà Thái Thị Ý đã sở hữu tới 24,65% vốn điều lệ. Số cổ phần này chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước khi đó tại QPH là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (44,06%).

Ngày 10/4/2014, ông Thái Phong Nhã, bà Thái Thị Ý và một cổ đông khác là ông Lê Thái Hưng góp vốn thành lập Trung Sơn Elec với quy mô vốn đăng ký là 200 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn lần lượt là 89,9%; 10% và 0,1%. Đến cuối năm 2014, số vốn thực góp tại Trung Sơn Elec mới chỉ đạt 124 tỷ đồng và hoàn toàn là phần vốn góp của ông Thái Phong Nhã.

Ông Lê Thái Hưng (SN 1976) từng giữ các chức vụ quản lý tài chính tại Công ty Hợp tác kinh tế (Bộ quốc phòng), Phó Phòng tài chính – kế toán của Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco4), Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS), Trưởng ban kiểm soát CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA).

Tại Trung Sơn Elec, ông Hưng đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc ngay từ những ngày đầu thành lập.

Ở một chi tiết đáng lưu ý khác, VICS chính là tổ chức tư vấn niêm yết cho QPH. Khi đó, ông Hưng đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc VICS.

Tham vọng điện mặt trời

Khoảng 4 tháng sau khi thành lập, ngày 11/8/2014, Trung Sơn Elec đã chi ra hơn 41 tỷ đồng, mua vào gần 4,09 triệu cổ phiếu QPH, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 22,01%. 

Giao dịch được thực hiện qua phương thức khớp lệnh, với mức giá bình quân là 5.600 đồng/cổ phiếu. Thương vụ cũng khởi đầu cho quá trình thâu tóm QPH của Trung Sơn Elec.

Năm 2015, Trung Sơn Elec lần lượt mua lại cổ phần của ông Thái Phong Nhã trong CTCP Prime Quế Phong, CTCP Thủy điện sông Nậm Cắn, góp vốn vào CTCP Phát triển điện lực viễn thông Miền Trung.

Một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, CTCP Prime Quế Phong và CTCP Thủy điện sông Nậm Cắn còn nhận được sự ủy thác của CTCP 471 – một nhà thầu có nhiều năm hoạt động, trụ sở chính tại Nghệ An – để đầu tư vào các dự án thủy điện Tiền Phong và thủy điện Ca Lôi.

Tích lũy một “danh mục” cả chục dự án thủy điện lớn nhỏ, giới chủ Trung Sơn Elec còn tỏ rõ tham vọng phát triển các dự án năng lượng tái tạo với dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 3.2 có công suất 50 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ lọt vào danh sách các dự án nguồn điện đề xuất, dự kiến trên địa bàn tỉnh,

Cập nhật tới cuối năm 2019, quy mô vốn của Trung Sơn Elec đã được nâng lên mức 700 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cũng đã có sự thay đổi so với khi mới thành lập.

Trong đó, ông Thái Phong Nhã góp 549,2 tỷ đồng, sở hữu 78,46% vốn điều lệ. Bà Thái Thị Ý góp 70 tỷ đồng, sở hữu 10% vốn điều lệ. Ông Thái Sơn (SN 1992) – có cùng địa chỉ thường trú với ông Thái Phong Nhã - góp hơn 80,7 tỷ đồng, nắm 11,54% vốn điều lệ./.