“Sóng lớn” sáp nhập ngân hàng

Với 6 thương vụ sáp nhập các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hứa hẹn sẽ diễn ra quyết liệt. Có những thương vụ đã rõ ràng như Southernbank về với Sacombank, Mekong Bank (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank…
Ngân hàng Xây dựng đã đượcNHNN mua lại với giá 0 đồng
Ngân hàng Xây dựng đã đượcNHNN mua lại với giá 0 đồng

Theo tính toán, đến năm 2017 cả nước sẽ còn khoảng 20 ngân hàng thương mại sau khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được hoàn tất. Các cuộc sáp nhập có yếu tố “tự nguyện” cũng sẽ chấm dứt. Có điều, trong các thương vụ sắp diễn ra, không thấy sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại hoặc tổ chức tài chính nước ngoài

Hết “tự nguyện”, ông lớn vào cuộc

Thị trường tài chính ngân hàng được một phen bất ngờ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần. Qua đó, NHNN đã trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB và chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, cơ quan quản lý ngân hàng đứng ra xử lý một ngân hàng thương mại yếu kém, thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt bằng cách quốc hữu hóa. Đây là một bước đi mạnh mẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý để xử lý ngân hàng yếu kém. 

Sau sự kiện này, mọi hoạt động giao dịch tại VNCB những ngày này vẫn diễn ra bình thường. Được biết, Vietcombank đã cử người tham gia điều hành VNCB từ tháng 8/2014 khi VNCB xảy ra biến cố, sau khi một số lãnh đạo bị bắt để điều tra những sai phạm trong quản lý tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. 

Không chỉ các ngân hàng yếu kém sáp nhập, lần này thị trường tài chính chờ đợi những
Không chỉ các ngân hàng yếu kém sáp nhập, lần này thị trường tài chính chờ đợi những "ông lớn" ngân hàng cũng góp mặt

Với cách xử lý tại VNCB, một lần nữa NHNN cho thấy, đã hết thời ngân hàng “tự nguyện” trong việc tìm kiếm đối tác sáp nhập. Nếu trong giai đoạn một của làn sóng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại thời kỳ 2011 chỉ có sự tham gia chủ yếu của những ngân hàng yếu kém, có nguy cơ gây mất ổn định hệ thống thì lần này thị trường tài chính chờ đợi những “ông lớn” ngân hàng cũng góp mặt. Theo NHNN, sẽ có sáu thương vụ sáp nhập diễn ra trong năm nay với nhiều tên tuổi lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV. Trong đó, có những thương vụ đã rõ ràng như ngân hàng Phương Nam (Southernbank) về với Sacombank, Mekong Bank (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank…

Rầm rộ nhất có lẽ là Vietcombank khi thị trường liên tiếp có những đồn đoán đối tác của Vietcombank là một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, nhưng không thuộc diện yếu kém: Saigonbank. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Saigonbank sáp nhập vào Vietcombank sẽ giúp Vietcombank giải quyết được việc nắm giữ cổ phần tại không quá hai ngân hàng theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Hiện nay, Vietcombank là cổ đông lớn của nhiều ngân hàng như Eximbank, OCB và Saigonbank. 

BIDV cũng được nhắc đến với khả năng có thể sáp nhập vào một ngân hàng TMCP của Nhà nước ở phía Nam. Dù thông tin chưa chính thức được công bố, nhưng thị trường đã có nhiều đồn đoán đối tác của BIDV có thể là Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB). VietinBank cũng là cái tên được đề cập trong làn sóng sáp nhập ngân hàng năm nay. 

Theo NHNN, lành mạnh hóa và cải thiện hệ thống ngân hàng là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Kế hoạch của cơ quan này là đến năm 2017 cả nước sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng thương mại, thay vì khoảng 33 ngân hàng như hiện nay.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, cơ quan này sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch sáp nhập các ngân hàng thương mại thuộc diện cơ cấu lại trước tháng 6/2015. 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM nhận xét, với sáu thương vụ sáp nhập đang tiến hành, ngành ngân hàng sẽ chỉ còn khoảng 26-27 cái tên trên thị trường. Con số này sẽ được tiếp tục thu hẹp lại cho đến năm 2017, nên mục tiêu thu gọn chỉ còn 20 ngân hàng là có cơ sở. 

Sau “phép cộng” đơn giản… 

TS. Lê Đạt Chí, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, gần như các thương vụ sáp nhập ngân hàng ở Việt Nam ban đầu là những phép cộng các ngân hàng thương mại với nhau để giảm bớt số lượng. Lý do là số lượng các ngân hàng hiện nay quá nhiều so với quy mô nền kinh tế, nhưng lại thiếu vắng những ngân hàng quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực. 

Sau bước cộng gộp, NHNN sẽ đi những bước tiếp theo giúp các ngân hàng thương mại cải thiện chất lượng quản trị, nâng cao năng lực và quy mô. “Trước mắt phải cạnh tranh được với các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam”, ông Chí nói. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, ngành ngân hàng có đặc thù là không thể chấp nhận sự yếu kém, vì có thể ảnh hưởng đến toàn hệ thống, lòng tin của người dân và người gửi tiền.  Đây là kế hoạch được NHNN vạch ra từ trước và được thể hiện trong đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, quá trình này sẽ diễn ra nhanh vì các ngân hàng mạnh gần như “thôn tính” ngân hàng nhỏ, nên không cần phải bàn bạc nhiều về việc phân chia quyền lực, thị phần. Có điều, ở các thương vụ sắp diễn ra, trong những cái tên được nhắc đến không thấy sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại hoặc tổ chức tài chính nước ngoài.

 TS. Lê Xuân Nghĩa lý giải, khi đã sáp nhập bắt buộc thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quan tâm. Vì bản chất là Chính phủ Việt Nam muốn xử lý những ngân hàng yếu kém, chứ đây không phải những thương vụ mua bán sáp nhập thông thường theo nhu cầu trên thị trường. 
 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp