Dịch sởi đang bùng phát ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Bộ Y tế dự báo số ca mắc sởi sẽ tiếp tục tăng lên.
Đáng chú ý, có một tỷ lệ không nhỏ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2019, số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi là 108 ca. Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.634 ca mắc, trong đó có 14% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Thăm khám cho trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
|
TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai đánh giá bệnh sởi ở trẻ em nặng hơn rất nhiều lần so với người lớn. Còn GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, dịch sởi lan rất nhanh, trẻ dưới 9 tháng tuổi còn yếu, dễ nhiễm bệnh, dễ bị biến chứng nặng như viêm phổi, viêm phế quản phụ (có triệu chứng ngừng thở, tắc thở), hoặc dễ bị bội nhiễm gây nguy cơ tử vong cao.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi, phải chăng đã đến lúc chúng ta xem lại độ tuổi tiêm phòng cho trẻ?
Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhiều loại vaccine đã có giấy phép tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Trong trường hợp thực sự cần thiết, các bác sĩ có thể tiêm cho trẻ chưa đủ 9 tháng tuổi để phòng bệnh.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới WHO và nhiều cơ quan nghiên cứu đã chỉ ra, 9 tháng tuổi là thời gian hợp lý nhất để tiêm chủng cho trẻ. Bên cạnh đó, về mối lo trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh, ông Phu chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là người mẹ không tiêm vaccine, không có miễn dịch, vì vậy trẻ sinh ra sẽ không có kháng thể.
Trước đây, khi chưa có vaccine, người mẹ chỉ cần mắc sởi một lần thì sẽ có miễn dịch tự nhiên truyền cho con. Tuy nhiên, hiện nay, sau nhiều năm thực hiện tiêm chủng mở rộng, miễn dịch cộng đồng tăng lên, nhiều người mẹ không có cơ hội mắc sởi. Song, bởi vì không tiêm vaccine, nên những người mẹ đó tuy không mắc sởi nhưng không có kháng thể để truyền cho con, nên xuất hiện tình trạng mẹ không mắc sởi nhưng con mắc sởi; hoặc trường hợp phổ biến hơn là mẹ mắc sởi sau đó truyền sang con.
Vì vậy, theo ông Phu, thay vì tiêm phòng cho trẻ khi còn quá nhỏ, hãy tiêm cho người mẹ trước khi mang thai. Đó là cách hữu hiệu nhất để giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh, tránh nguy cơ mắc bệnh khi chưa đủ tuổi tiêm chủng.