Sơ tán người dân ở chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thông tin, lúc 20h ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế Yagi) ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/h), giật cấp 17.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20 km/h.
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông đêm 6/9 còn có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-13, giật cấp 16; biển động dữ dội. Ngày 7/9 gió giảm dần.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ nửa đêm 6/9 đến gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều 7/9).
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông đêm 6/9 có sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 6,0-8,0m. Ngày 7/9 độ cao sóng giảm dần.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m.
Từ nửa đêm 6/9 đến gần sáng ngày 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.
Trước ảnh hưởng của siêu bão Yagi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài vừa ký ban hành công điện của Thường trực Thành ủy về việc chủ động ứng phó với bão.
Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của thành phố tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.
Các đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý phải kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện; triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, các đơn vị chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất...
Đồng thời, các cấp chính quyền xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ để di chuyển đến nơi kiên cố, an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các Thường trực Thành ủy, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy chủ động bố trí thời gian trực tiếp xuống các đơn vị được phân công phụ trách, cùng Bí thư cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn.
Tăng thời gian đóng cửa sân bay Nội Bài
Lo ngại mưa lớn sau bão Yagi, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian đóng cửa sân bay Nội Bài thêm 2 giờ vào tối 7/9.
Cụ thể, sân bay quốc tế Nội Bài sẽ tạm ngừng khai thác tàu bay từ 10h đến 21h ngày 7/9, thay vì từ 10h đến 19h như quyết định trước đó.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không trong nước bổ sung dầu dự trữ đối với các chuyến bay từ 21h ngày 7/9 đến 2h sáng 8/9 đề phòng phải bay chờ hoặc chuyển hướng đến sân bay dự bị.
Trường hợp bão tan sớm và sân bay có thể hoạt động, Cục Hàng không Việt Nam sẽ điều chỉnh lại thời gian khai thác cho phù hợp. Cục Hàng không giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xây dựng phương án điều hành bay tại Nội Bài sau bão, ưu tiên các chuyến bay xa, chuyến bay quốc tế.
Do ảnh hưởng của bão, các sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân cũng ngừng khai thác một số khung giờ ngày 7/9. Mưa, giông dự báo ảnh hưởng hoạt động của các sân bay Vinh, Điện Biên, Đồng Hới. Ước tính có 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế sẽ phải hủy.
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, đêm 6/9 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hoá-Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão ảnh hưởng. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu