Năm 2009, hải quân Mỹ rốt cuộc đã bắt đầu xây dựng tàu sân bay loại mới đầu tiên sau gần 35 năm. Được đặt tên theo tên một tổng thống, đồng thời từng là phi công hải quân Gerald R. Ford, USS Ford là một siêu tàu sân bay hạt nhân của thế kỷ XXI. Những cách tân công nghệ đã đóng góp vào việc xây dựng chiếc tàu sân bay mới này, tuy nhiên cũng gây ra những chậm trễ khó tránh liên quan đến việc xây dựng. Tuy nhiên, những đổi mới trên sẽ giúp hải quân Mỹ sở hữu một hạm đội tàu sân bay lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới trong tương lai.
Tàu sân bay USS Ford tiếp nối thành công rực rỡ của tàu sân bay lớp Nimitz. Việc xây dựng siêu mẫu hạm USS Ford bắt đầu vào năm 2009 ở khu công nghiệp Huntington Ingalls Industries tại Newport News, Virginia, nơi mà các tàu sân bay trước đây được xây dựng. Thực tế, tàu sân bay lớp Ford giống tàu lớp Nimitz trên nhiều phương diện: Tàu Ford dài 1106 feet, còn tàu Nimitz dài 1092 feet. Cả hai tàu đều có trọng lượng tương đương, xấp xỉ một trăm ngàn tấn. Thiết kế cũng tương tự với một tháp chỉ huy ở phía mạn phải, bốn bệ phóng và một sàn đáp máy bay.
Tàu sân bay Ford được tiếp nhiên liệu bởi các lò phản ứng hạt nhân thiết kế mới AB1. Các lò phản ứng này được sản xuất bởi Bechtel, nhà máy này đã đánh bại các nhà máy sản xuất lò phản ứng hải quân lâu năm như General Electric và Westinghouse để giành lấy hợp đồng này. Hai lò phản ứng tạo ra 600 MW điện, công suất gấp ba lần tàu sân bay lớp Nimitz. Lượng điện này đủ cho toàn bộ dân cư ở Hampton thuộc Virginia, Pasadena thuộc California, hay Syracuse ở New York.
Tàu sân bay lớp Ford cần năng lượng này không chỉ để đạt tốc độ tối đa trên 30 hải lí mà còn để hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) sử dụng các dòng điện để tạo ra các từ trường mạnh có thể nhanh chóng phóng máy bay cất cánh.
Tàu sân bay mới cũng sẽ sử dụng hệ thống mới để hạ cánh máy bay. Hệ thống bánh răng tiên tiến Advanced Arresting Gear sử dụng tua-bin nước và các động cơ cảm ứng để ngặn đà hạ cánh của máy bay. Giống như EMALS, AAG được cho là đáng tin cậy hơn so với hệ thống hiện nay trên tàu lớp Nimitz.
Tàu Ford cũng sở hữu hệ thống radar hiện đại nhất trong hạm đội tàu sân bay của Mỹ. Mẫu hạm Ford được trang bị hệ thống Dual Band Radar mới, kết hợp cả radar X-band AN/SPY-3 Aegis và S-Band Volume Surveillance Radar. DBR có khả năng tìm kiếm, theo dõi và bắt bám nhiều tên lửa, phát hiện máy bay và tên lửa của quân địch và dẫn đường cho các tên lửa Sea Sparrow cải tiến (ESSM) đánh chặn.
Để phòng vệ, siêu tàu sân bay Ford được lắp đặt hai bệ phóng tên lửa MK.29 với 8 tên lửa đánh chặn Sea Sparrow trên mỗi hệ thống và hai bệ phóng Rolling Airframe Missile. Tàu cũng sẽ trang bị bốn hệ thống pháo tốc độ cao Phalanx Close-in Weapon và bốn súng máy M2.50 để phòng thủ chống lại máy bay, tên lửa và các tàu nhỏ. Công suất điện khổng lồ của Ford đảm bảo cho con tàu này có thể sử dụng các vũ khí laser tự vệ. Được tiếp năng lượng bởi các lò phản ứng hạt nhân, hệ thống này có nguồn cung đạn dược không giới hạn, do đó tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của tàu.
Phi đoàn máy bay trên mẫu hạm sẽ tạo nên phương tiện chính của tàu sân bay trong việc triển khai cả hỏa lực tấn công lẫn phòng thủ. Tàu lớp Ford sẽ kết hợp với hai phi đội có từ 10-12 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35C, hai phi đội từ 10-12 máy bay F/A-18E/F Super Hornet, 5 máy bay tấn công EA-18G Growler, 4 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát chiến trường E-2D Hawkeye và hai chiếc C-2 Greyhound COD. Tàu sân bay Ford còn mang theo 8 trực thăng Seahawk MH-60S.
Tàu sân bay Ford sẽ kết hợp với máy bay không người lái tiếp tế nhiên liệu và thu thập thông tin tình báo MQ-25 Stingray, một loại chiến đấu thế hệ thứ 6 đang được phát triển thay thế cho Super Hornet, và một máy bay không người lái tấn công tầm xa mới. Trực thăng cánh xoay V-22 Osprey cũng được dự tính sẽ thay thế C-2 Greyhound trong vai trò COD.
Việc tàu sân bay lớp Ford được đưa vào phục vụ sẽ một lần nữa tăng số lượng tàu sân bay của hải quân Mỹ lên 11 tàu. Hạm đội tàu sân bay của Mỹ là độc nhất vì tuân thủ quy định số lượng tối thiểu mà quốc hội bắt buộc. Theo Luật US Code 5062 thì “lực lượng chiến đấu hải quân của hải quân Mỹ phải có không dưới 11 tàu sân bay đang hoạt động”.
Sau này Mỹ sẽ có thêm nhiều tàu sân bay nữa. Tàu USS John F. Kennedy là tàu sân bay lớp Ford thứ hai mang tên của vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ đang được xây dựng ở Newport News và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Tàu sân bay thứ ba là Enterprise được dự kiến bắt đầu xây dựng vào năm tới và sẽ gia nhập vào hạm đội tàu sân bay vào những năm 2020. Sự thúc đẩy hiện nay của tổng thống Donald Trump và người đứng đầu hải quân muốn hạm đội tăng lên 350-355 tàu sẽ bao gồm ít nhất thêm một tàu sân bay lớp Ford nữa trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên theo National Interest, mặc dù được xây dựng với công nghệ tân tiến nhất, tàu sân bay Ford vẫn có những vấn đề. Cả các hệ thống EMALS và AAGS đều gặp những vấn đề lớn và hải quân đang cân nhắc sử dụng các hệ thống mang tính truyền thống hơn cho tàu Kennedy. Bất chấp có những chậm trễ trong việc phát triển, các hệ thống cất cánh và hạ cánh của tàu sân bay lớp Ford cũng đã gần như sẵn sàng. Theo thông tin từ hải quân Mỹ, tàu Ford đã hoàn thiện tới 99% và đã thử nghiệm được 93%. Tàu Ford dự kiến sẽ được bàn giao tới tay hải quân Mỹ vào tháng 4 tới.