Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2015 của EVN cho biết, giá bán điện bình quân toàn EVN ước đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so kế hoạch, hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng). Doanh thu bán điện của toàn Tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014.
Giảm tổn thất điện năng, Tập đoàn đạt chỉ tiêu kế hoạch là 8%, giảm 0,43% so với năm 2014; năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 10% so với năm 2014 đạt 1,54 triệu kWh/người; bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 6,8%/năm, bằng 1,79 lần so với mức năng suất lao động chung của cả nước (3,8%/năm).
Vốn điều lệ của EVN tính đến hết năm 2015 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với năm 2010 (tăng 76.742 tỷ đồng). EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước.
"Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đảm bảo an toàn. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn", báo cáo cho biết.
Cụ thể, Công ty mẹ EVN có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 1,67 lần, hệ số khả năng thanh toán là 1,02 lần, tỷ lệ tự đầu tư là 37,5%.
Cũng theo EVN, lợi nhuận của công ty mẹ EVN và 9 tổng công ty đạt cao hơn kế hoạchnhưng tại báo cáo không công bố chính xác con số này. Trong khi trước đó, báo cáo của EVN, đại diện EVN sẽ công bố số lỗ cụ thể hoặc với số lãi "khiêm tốn" vài chục tỷ đồng hoặc vài trăm tỷ đồng cũng được công bố đầy đủ.
Trao đổi với BizLIVE ngày 8/1, một lãnh đạo EVN cho biết, báo cáo chưa công bố lợi nhuận của công ty mẹ vì thời điểm này mới bắt đầu kiểm toán, con số sẽ được công bố sau khi quyết toán và kiểm toán.
Vị này cũng tiết lộ: "Lợi nhuận ước đạt của công ty mẹ khoảng 500 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 160.000 tỷ đồng là quá nhỏ. Công bố con số này buồn quá".
Báo cáo kết quả tài chính sản xuất kinh doanh của EVN năm 2014 cho biết, mặc dù một số yếu tố đầu vào tăng làm tăng chi phí sản xuất chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành nhưng công ty mẹ và các đơn vị của EVN đều có lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,2%.
Thời điểm này, Tổng giám đốc EVN từng cho biết, riêng trong năm 2014, EVN lỗ 8.000 tỷ đồng do giá mua than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… cộng dồn từ khoản lỗ 8.800 tỷ đồng chưa cân đối được giai đoạn 2009-2010, EVN vẫn lỗ lũy kế 16.800 tỷ đồng chưa thể cân đối.
Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2013 của EVN cũng cho thấy, doanh thu của Tập đoàn này ước đạt 172.000 tỷ đồng, tuy nhiên do phải xử lý một phần lỗ luỹ kế và lỗ tỷ giá từ các năm trước nên EVN chỉ lãi 120 tỷ đồng.
Theo Bizlive