SEA Games 30, những chuyện bên lề đầy thú vị

VietTimes -- SEA Games không chỉ là nụ cười, những tấm HCV mà còn có cả nước mắt. Các quan chức thể thao, bác sĩ, HLV, VĐV cần phải có những tính toán chi tiết mới đảm bảo được thành tích chuyên môn.
"Vua kiếm" Đông Nam Á sẽ lần thứ 5 vinh dự cầm đại kỳ dẫn đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh màn hình.
"Vua kiếm" Đông Nam Á sẽ lần thứ 5 vinh dự cầm đại kỳ dẫn đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh màn hình.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games  30 do ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao làm trưởng đoàn với 856 thành viên, trong đó có 568 vận động viên, tham gia tranh tài ở 43/56 môn thi của đại hội. 

Người đi đầu

Đối với các kỳ đại hội thể thao, việc chọn người cầm lá đại kỳ dẫn đầu đoàn luôn được các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng. Vận đông viên đấu kiếm Vũ Thành An tiếp tục được tin tưởng cầm cờ cho cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.

Đến nay, mọi khâu chuẩn bị đã được hoàn tất, trong đó có việc chọn người cầm đại kỳ dẫn đầu đoàn. Thông thường người ta sẽ chọn nam vận động viên, có thành tích thi đấu tốt, thể hình đẹp, cuộc sống suôn sẻ và không kỵ tuổi.

Đội tuyển cờ vua nữ. Ảnh TT

Đội tuyển cờ vua nữ. Ảnh TT

Trước đây, võ sĩ taekwondo “Độc cô cầu bại” ở hạng cân dưới 87kg Nguyễn Trọng Cường là người giữ kỷ lục cầm cờ cho đoàn TTVN. Nhưng lần này, kỷ lục đó sẽ chính thức bị phá vỡ bởi VĐV đấu kiếm Vũ Thành An.

Với chiều cao 1,87m, khuôn mặt điển trai, thành tích thi đấu ổn định Vũ Thành An luôn là lựa chọn ưu tiên của ngành Thể thao cho vị trí cầm cờ ở các kỳ Đại hội. Tính đến nay, “vua kiếm” Thành An vinh dự được cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại hai kỳ SEA Games 2015, 2017; ASIAD 2018 và Olympic Rio 2016.

Những mỏ vàng

Mục tiêu của đoàn Thể thao Việt Nam là giành 65 Huy chương Vàng trở lên và đứng top 3 toàn đoàn. Các doanh nghiệp đã quyên góp hơn 2 tỉ tiền thưởng "nóng" từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cho các vận động viên giành huy chương. Những gương mặt vàng của thể thao Việt Nam tại SEA Games 2019 phải kể đến: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Lê Thanh Tùng (Thể dục dụng cụ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Quách Thị Lan (điền kinh), Lê Tú Chinh (điền kinh), Vũ Thành An (đấu kiếm)...

Cô gái Cần Thơ tiếp tục được giao trọng trách “săn vàng” cho bơi lội và đoàn thể theo Việt Nam. Kình ngư sinh Ánh Viên năm 1996 nổi lên từ rất sớm và tham dự SEA Games khi mới chỉ 15 tuổi. Sau 4 kỳ đại hội, kình ngư này đã có tới 19 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, phá rất nhiều kỷ lục đại hội.

Dù không thi đấu thành công ở Asian Games 2018 nhưng “nàng tiên cá” Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ giành 8 HCV ở SEA Games 30. Con số này chiếm xấp xỉ 2/3 so với chỉ tiêu cho môn bơi là từ 11 đến 13 HCV.

Mục tiêu của đoàn Thể thao Việt Nam là giành 65 Huy chương Vàng trở lên và đứng top 3 toàn đoàn. Ảnh NST
Mục tiêu của đoàn Thể thao Việt Nam là giành 65 Huy chương Vàng trở lên và đứng top 3 toàn đoàn. Ảnh NST

Hai năm trước tại SEA Games 2017 diễn ra tại Malaysia, Ánh Viên san bằng kỷ lục 8 HCV ở các nội dung 200m tự do, 400m tự do, 800m tự do, 50m ngửa, 100m ngửa, 200m ngửa, 200m hỗn hợp và 400m hỗn hợp. Ngoài ra, nữ kình ngư còn giành 2 HCB ở 100m tự do và 200m ếch.

Điền kinh tiếp tục là thế mạnh của thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này với sự kỳ vọng sẽ mang về cho đoàn thể thao Việt Nam từ 13 đến 15 HCV, trong đó nữ hoàng điền kinh Quách Thị Lan sẽ nhắm tới 4 HCV ở các cự ly cá nhân và tiếp sức 400m. Trong số các đội tuyển tham dự SEA Games 30, điền kinh cũng là đội tuyển có số lượng VĐV đông nhất với 45 người.

Sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp vắng bóng do các nước chủ nhà không mặn mà với môn thể thao trí tuệ này thì cờ vua đã trở lại. 14 năm trước tại SEA Games 23 được tổ chức ở Manila, cờ vua Việt Nam đã giành trọn 8 HCV. Sân chơi lớn nhất khu vực lần này ở Philippines sẽ đưa môn cờ vua vào tranh tài với 5 nội dung: cờ nhanh, cờ chớp (nam, nữ) và cờ Đông Nam Á.

Ngoại trừ, môn cờ Đông Nam Á vốn xa lạ với người chơi, 4 bộ huy chương còn lại thì ít nhất chúng ta sẽ giành 2 HCV. Những cái tên Lê Quang Liêm, Đào Thiên Hải, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Hoàng Thị Bảo Trâm, Phạm Lê Thảo Nguyên..đều có hệ số elo và kinh nghiệm vượt trội đối thủ trong khu vực.

Kẻ đến muộn 

Daniel đang có thứ hạng 340 trên bảng xếp hạng của ATP, hạt giống số 1 ở nội dung đơn nam. Ảnh Nguyễn.

Daniel đang có thứ hạng 340 trên bảng xếp hạng của ATP, hạt giống số 1 ở nội dung đơn nam. Ảnh Nguyễn.

Người “có vé” muộn nhất đến Manila đoàn tham dự SEA Games 30, chính là tay vợt Daniel Nguyễn, VĐV Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất ở thời điểm hiện tại. Phải đầu tháng 11, tay vợt Việt kiều Mỹ này mới được trao quốc tịch Việt Nam và được bổ sung vào đội tuyển quần vợt thay cho Phạm Minh Tuấn. Nhưng rất có thể anh lại là người đem tấm HCV tennis về cho Tổ quốc.

Daniel đang có thứ hạng 340 trên bảng xếp hạng của ATP và với thứ hạng đó, anh trở thành hạt giống số 1 ở nội dung đơn nam. Tay vợt 29 tuổi trong quá khứ từng vươn lên tới hạng 189 ATP, đã từng tham dự cả 4 giải Grand Slam danh giá. Thậm chí giới chuyên môn còn cho rằng, chỉ cần có thêm chút may mắn thì anh còn có thể hướng đến 2 ngôi vô địch đơn và đôi nam cùng Nguyễn Văn Phương, tay vợt trẻ đang có phong độ tốt trong thời gian gần đây. Tại California, để đảm bảo thể lực thi đấu, ngoài HLV chuyên môn, anh còn có 2 HLV riêng, ông Oliver Messerli, HLV thể lực Andy và bác sỹ vật lý trị liệu Drew Morcos.