Sẽ giám sát điện tử người chưa thành niên phạm tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Người chưa thành niên phạm tội bị giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ, trong đó không tháo, phá hủy thiết bị này.

Không phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội

Ngày 30/11, Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên với 461/463 đại biểu tán thành (chiếm 96,24% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật gồm 5 phần với 10 chương và 179 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026.

Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 gồm 10 chương và 179 điều. Luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Kỳ họp này là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách tư pháp.

Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Anh 1.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, giải quyết vụ án hình sự, xử lý chuyển hướng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Luật này và theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, luật khác không trái với quy định của Luật này.

Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải bảo đảm đơn giản, thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên.

Đồng thời bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên. Quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên về giới tính, của người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số, đối tượng dễ bị tổn thương.

Đáng chú ý, Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội như: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình;

Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới;

Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới,

Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Tại Khoản 2 điều 12 của luật quy định về áp dụng hình phạt, nêu rõ Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Trường hợp phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Anh 1.jpg
Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Luật cũng quy định "Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội". Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Mục đích xử lý chuyển hướng nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên; giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và bị hại bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của người chưa thành niên; Nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng. Luật cũng quy định về trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Luật cũng quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, quy định về thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng.

Giám sát điện tử người chưa thành niên phạm tội sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2028

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật.

Theo đó, về áp dụng biện pháp giám sát điện tử, có ý kiến đề nghị rà soát, bảo đảm nguồn lực thực hiện cũng như quy định cụ thể về tổ chức thực hiện biện pháp này.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, bà Nga nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng điều 140 của dự luật và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả trên thực tế.

Anh 1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quốc hội.

Đồng thời dự luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử kể từ ngày 1/1/2028 (sau hiệu lực chung của luật là 2 năm), để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Điều 139 quy định về áp dụng biện pháp giám sát điện tử như sau:

1. Giám sát điện tử là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người chưa thành niên là bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được giám sát điện tử.

2. Bị can, bị cáo được giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Không đi khỏi phạm vi giám sát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

c) Không bỏ trốn hoặc không tiếp tục phạm tội;

d) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này;

đ) Không tháo, phá hủy thiết bị giám sát điện tử hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát điện tử.