Đây là 1 trong 14 khu vực, tuyến đường trên địa bàn thành phố sẽ chỉ được cắt cỏ, cây cảnh theo yêu cầu. Trong đó bao gồm: Đại lộ Thăng Long đoạn từ km4+900 đến nút giao Hòa Lạc, hai đầu cầu Thăng Long, dải phân cách đường 5 (từ Cầu Chui đến hết địa bàn huyện Gia Lâm), đường 5 kéo dài (từ km3+720 đến km7+650), dải phân cách phía dưới hệ thống đường sắt trên cao...
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tới đây việc duy tu, duy trì thảm cỏ, cây hoa, cây cảnh trong công viên, vườn hoa, dải phân cách, khu đô thị tại toàn bộ 12 quận nội thành Hà Nội sẽ được thực hiện theo 3 mức độ khác nhau.
Mức độ 1, thành phố ưu tiên duy trì cắt cỏ chỉnh trang thường xuyên, đảm bảo xanh, sạch đẹp những khu vực như: Các cơ quan Trung ương, trụ sở Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; trước cửa nhà ga T1, T2 sân bay Nội Bài; khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia, công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình cùng 10 vườn hoa trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Mức độ 2, đơn vị chức năng thực hiện chăm sóc cây với tần suất 1 tháng 1 lần (không cắt tỉa cây) tại các công viên, vườn hoa, các khu đô thị, dải phân cách, gồm cả nút giao-đảo giao thông, khu vực còn lại trên địa bàn 12 quận.
Mức độ 3, duy trì vệ sinh đảm bảo cảnh quan môi trường, nhặt rác sinh hoạt, thành phố giao cho đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn, tuyến đường thực hiện.
Trước đó, hàng năm chi phí cắt thảm cỏ, tỉa cây cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội ngốn tới 886 tỷ đồng, riêng 24 km Đại lộ Thăng Long phải dùng tới 53 tỷ đồng. Do chi phí cho công tác này quá lớn, gây tốn kém thành phố đã xem xét và yêu cầu cắt giảm 700 tỷ đồng cho chi phí cắt cỏ, tỉa cây cảnh.