Tỷ lệ người bị nhiễm COVID-19 ở Peru tử vong cao tới gần 10% vì biến chủng Lambda

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi các nhà khoa học đang cảnh báo về biến chủng Delta, một biến thể khác của SARS-CoV-2 đã bắt đầu lan rộng. Đó là Lambda được phát hiện lần đầu ở Peru, nó nguy hiểm ra sao vẫn còn ít được biết tới.
Một bệnh nhân COVID-19 và người nhà chờ đợi được thở oxy (Ảnh: Getty/Deutsche Welle).
Một bệnh nhân COVID-19 và người nhà chờ đợi được thở oxy (Ảnh: Getty/Deutsche Welle).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 31/7, biến thể Lambda của SARS-CoV-2 còn được gọi là biến thể C.37 hoặc Andres. Tên của biến thể virus mới này có thể sẽ sớm chiếm lĩnh các tin hàng đầu trên các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới. Vào tháng 6 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê Lambda là "Biến thể virus đáng quan tâm" (Variants of Interest, VOI), vì nhiều trường hợp nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 này đã cùng lúc được phát hiện ở nhiều quốc gia.

Hiện tại, biến thể Lambda đã được phát hiện tại 29 quốc gia trên thế giới, trong đó có 7 quốc gia Brazil, Colombia, Ecuador, Mexico, Argentina, Peru và Chile thuộc châu Mỹ Latinh. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8 năm 2020; chỉ trong vòng chưa đầy một năm, nó đã trở thành chủng loại SARS-CoV-2 chính lây lan ở đây, chiếm hơn 90% các ca nhiễm COVID-19 ở Peru. Ở Chile, cứ ba trường hợp nhiễm COVID-19 có một trường hợp bị nhiễm biến thể virus Lambda.

Peru đang đẩy mạnh tiêm chủng. Hiện 14% người dân đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle).

Peru đang đẩy mạnh tiêm chủng. Hiện 14% người dân đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhà virus học Jairo Mendez Rico của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Lambda hung hãn hơn. Nó có thể cho thấy tỷ lệ lây nhiễm mạnh hơn, nhưng chúng tôi vẫn chưa có đủ dữ liệu đáng tin cậy để so sánh nó với các biến thể Gamma hoặc Delta".

Tiêm phòng vẫn là cách chống lại các chủng virus đột biến hiệu quả nhất

Các biến chủng Gamma và Delta, giống như Alpha và Beta được phát hiện trước đây, được WHO liệt kê là "Biến thể đáng lo ngại" (Variant of concern, VOC). Khả năng lây truyền và khả năng gây bệnh của chúng mạnh hơn hẳn, đồng thời khó ngăn chặn và kiểm soát hơn.

Ông Mandez Rico cho rằng, cách hiệu quả nhất để chống lại tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 vẫn là tiêm chủng. Ông nói: “Tất cả các loại vaccine mà WHO đã phê duyệt đều có hiệu quả chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành trên thế giới. Hiện không có lý do gì để nghĩ rằng chúng sẽ kém hiệu quả hơn đối với Lambda”.

Có phải Lambda chỉ là mới khởi đầu? Nhiều nhà khoa học dự đoán rằng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc khi 80% dân số thế giới được tiêm phòng. Trước khi đó, các biến thể virus kiểu như Lambda sẽ còn liên tiếp xuất hiện vô cùng tận.

Tuy nhiên, ông Mandez Rico cũng mang đến một số thông tin an ủi: "Mặc dù không loại trừ khả năng có thể xảy ra, nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy những biến thể này nguy hiểm hơn hoặc có tỷ lệ tử vong cao hơn. Coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) có khả năng lây nhiễm nhiều hơn trong quá trình tiến hóa của nó, nhưng đồng thời nó sẽ không gây hại nhiều hơn cho vật chủ (tức là con người)”.

Một cụ bà 104 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle)

Một cụ bà 104 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle)

Lambda bắt đầu phổ biến ở Peru "không có gì đáng ngạc nhiên"

Khi nói đến những vấn đề về Lambda, ông Pablo Tsukayama thường là đối tượng của các cuộc phỏng vấn. Nhà vi sinh vật học gốc Nhật Bản tại Đại học Cayetano Heredia ở Peru này là người đã theo dõi các biến thể SARS-CoV-2 ở đó trong nhiều tháng qua. Ông và nhóm nghiên cứu của trường đại học này đã sử dụng việc giải trình tự bộ gene để theo dõi sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2.

Ông cho biết: "Vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi chỉ thấy có 200 trường hợp mắc COVID-19 do biến thể Lambda gây ra. Tính đến cuối tháng 3/2021, nó đã chiếm một nửa số ca nhiễm COVID-19 ở thủ đô Lima. Còn bây giờ, trong số các ca bệnh mới trên toàn quốc, các trường hợp có liên quan đến biến thể Lambda đã vượt quá 80%. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Lambda đã trở thành biến thể SARS-CoV-2 chủ đạo ở Peru”.

Biến thể này nhanh chóng thay thế tất cả các biến thể hiện được WHO coi là nguy hiểm hơn, thậm chí còn vượt qua biến thể Gamma, còn được gọi là P.1, được phát hiện lần đầu tiên ở nước láng giềng Brazil.

Ông Pablo Tsukayama nói rằng Lambda có tính lây lan mạnh hơn và nó cũng đã tìm thấy những điều kiện hoàn hảo để bắt đầu gây dịch ở Peru: "Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của nước chúng tôi là cao nhất trên thế giới, và không có gì ngạc nhiên khi một biến thể mới có nguồn gốc ở đây". Tính đến ngày 31/7, ở Peru, đất nước có hơn 33.466.000 dân, số người chết vì COVID-19 đã lên tới 196.353 trong số 2.111.393 người nhiễm bệnh, tức là tỷ lệ tử vong tới gần 1/10.

Nhà sinh vật học Pablo Tsukayama cho rằng: "Không có ai có thể được an toàn trước khi tất cả mọi người đều an toàn” (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhà sinh vật học Pablo Tsukayama cho rằng: "Không có ai có thể được an toàn trước khi tất cả mọi người đều an toàn” (Ảnh: Deutsche Welle).

Nam Mỹ đối mặt với đợt bùng phát làn sóng dịch thứ ba

Số ca tử vong do COVID-19 ở châu Mỹ Latinh đã vượt quá 1 triệu người, khiến khu vực này trở thành tâm chấn mới của đại dịch. Tại Colombia, biến thể rất dễ lây lan Delta (B.1.621) cũng đã xuất hiện và phát tán rộng.

Hệ thống y tế quá tải, sự bất lực của phần lớn người dân buộc phải làm những công việc “phi chính thức” để tồn tại không thể tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và thiếu vaccine là tất cả những yếu tố khiến các biến thể của virus SARS-CoV-2 hoành hành.

"Chile cũng như Uruguay, đã tiêm chủng cho hơn 60% dân số, nhưng đây là hai ngoại lệ ở Nam Mỹ", nhà vi sinh vật học người Peru Pablo Tsukayama nói. "Nam Mỹ có thể sẽ xuất hiện đợt dịch thứ ba trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Biến thể mới cũng có thể sẽ xuất hiện trong mùa đông này. Chúng không hẳn nguy hiểm hơn nhưng chắc chắn sẽ dễ lây lan mạnh hơn".

Đại dịch COVID-19 đòi hỏi một giải pháp toàn cầu

Tại “Hội nghị thượng đỉnh về vaccine” được tổ chức vào đầu tháng 6, mấy chục quốc gia đã cam kết tài trợ gần 2,4 tỷ USD cho “Chương trình vaccine phòng COVID-19” (COVAX), nâng tổng số tiền tài trợ cho chương trình này lên 9,6 tỷ USD. Một trong những mục tiêu của COVAX là cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp vào đầu năm tới. Thế giới dường như đang dần nhận ra rằng đại dịch COVID-19 đòi hỏi phải có một giải pháp toàn cầu.

Ông Tsukayama nhấn mạnh: “Các nước giàu phải vận chuyển càng nhiều vaccine đến các nước nghèo càng nhanh càng tốt, nếu không các biến thể của virus sẽ tiếp tục xuất hiện”. Ông cũng nhấn mạnh một câu nói rất phổ biến trong thời kì đại dịch COVID-19: “Không có ai có thể được an toàn trước khi tất cả mọi người đều an toàn”.