Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: VGP)
|
Sáng 10/4, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.
Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
Trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn trong việc củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.
Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.
Cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng.
Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Khởi công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
“Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Các quy định mới về đầu tư công cơ bản đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước 15/5/2020.
Số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn (gần 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện, giải ngân trong năm 2020).
Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch.
Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thẩm quyền giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, bao gồm cả vốn nước ngoài giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi tổng số vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả điều chỉnh trong tháng 3 năm 2021.
Trong tháng 9 năm 2020, tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (08 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 05% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Các việc đã triển khai
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm chống dịch như chống giặc, kiểm soát được dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững.
Để hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp ngay trong lúc dịch còn đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn; góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, giao thông vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD (Hiện Thủ tướng chỉ đạo nâng lên 22 tỷ).
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề chịu tác động nặng nề, trực tiếp của dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Về vấn đề xã hội, lao động việc làm, sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi hướng tới 06 nhóm đối tượng cụ thể.
Đồng thời đơn giản hóa thủ tục gửi hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Dự kiến các chính sách tại Nghị quyết sẽ hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng với kinh phí khoảng 62 nghìn tỷ đồng./.