Đây là thông tin được HAG nêu trong một văn bản gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ngày 20-5-2015.
Lượng trái phiếu trên sẽ đáo hạn trong năm nay và trái chủ có thể không muốn chuyển đổi thành cổ phiếu HAG do thị giá cổ phiếu hiện không thuận lợi cho họ.
Nỗi khổ doanh nghiệp phát hành
Câu chuyện của HAG phản ánh một thực tế trên thị trường tài chính hiện nay: các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn do thiếu các tổ chức tư vấn phát hành có năng lực, uy tín, đủ sức thu xếp nguồn vốn đáp ứng thời hạn dài.
Nguyên nhân chính không chỉ phụ thuộc vào nội tại doanh nghiệp phát hành, mà chủ yếu do cấu trúc trái phiếu chưa hợp lý. Nói trái phiếu, người ta thường nghĩ dài hạn, nhưng trái phiếu mà doanh nghiệp đã phát hành trong bốn năm qua chủ yếu là ngắn hạn, 12-18 tháng, tối đa 36 tháng. Hiếm hoi mới thấy một vài doanh nghiệp phát hành được trái phiếu năm năm. Trong khi đó, thường một dự án phải mất hai năm đầu tư, ba năm vận hành thương mại để đạt công suất thiết kế, tức là có thể chưa đến điểm hòa vốn, doanh nghiệp đã phải lo trả nợ rồi. Với trái phiếu một năm, quay đi quay lại đã đáo hạn. Nếu may mắn lựa chọn được tổ chức tư vấn phát hành tốt, thì nhà tư vấn trước ngày đáo hạn sáu tháng đã phải bàn bạc với doanh nghiệp kế hoạch trả nợ.
Gần đây một số đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp có tính “chữa cháy” cho trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn. Theo trưởng bộ phận tư vấn doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), đơn vị này thực hiện việc phát hành trái phiếu bắc cầu lấy khoản mới trả khoản cũ. Tất nhiên đàm phán với trái chủ để kéo dài thời hạn trái phiếu được ưu tiên, song không phải trái chủ nào cũng dễ thuyết phục, nhất là khi trái chủ là các tổ chức tín dụng.
Có đơn vị tư vấn áp dụng giải pháp như chia nhỏ trái phiếu để phát hành làm nhiều đợt. Cách này phù hợp với tiến độ triển khai dự án. Chẳng hạn Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG-Hose) năm ngoái đã phát hành 700 tỉ đồng trái phiếu, mới đây phát hành thêm 300 tỉ đồng nữa. Công ty Đức Long Gia Lai (DLG-Hose) đã phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu tháng 12-2014 và đang dự kiến phát hành thêm. Công ty cổ phần Tasco (HUT-Hnx) chuẩn bị phát hành 600 tỉ đồng... Với khối lượng trái phiếu trị giá nhỏ, việc phát hành dễ thành công hơn.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện khá cao so với mặt bằng lãi suất chung. Các quỹ đầu tư, công ty tài chính, bảo hiểm có nhu cầu đổ tiền vào trái phiếu dạng này nếu tìm được tổ chức phát hành và nhà tư vấn tin cậy. Không ít trái chủ chấp nhận trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi trong trường hợp giá chuyển đổi thành cổ phiếu ở mức hấp dẫn.
Tuy nhiên lãi suất đang là một vướng mắc cho trái phiếu doanh nghiệp. BSC nhận xét: “Các quy định về trái phiếu doanh nghiệp yêu cầu lãi suất không được cao hơn tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp. Quy định như vậy quá cứng nhắc vì nhiều khi các công ty phải cơ cấu nợ để đảm bảo thanh khoản, họ chấp nhận một lãi suất cao hơn mức bình thường”. Một số quy định khác cũng không rõ ràng, thí dụ liên quan đến báo cáo tài chính thì sử dụng báo cáo tài chính của công ty mẹ, hay công ty con, hay hợp nhất? Huy động vốn cho dự án 20% trên tổng mức đầu tư thì phải có vốn đối ứng, nhưng đối ứng ngay từ đầu hay đối ứng theo tiến độ dự án?...
Theo một tổ chức tư vấn dẫn đầu thị trường về thu xếp vốn hiện nay, việc yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng vốn huy động từ trái phiếu đúng mục đích, không được sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn làm mất cân đối nguồn trên lý thuyết tỏ ra hợp lý. Nhưng thực tế chỉ ra nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn trái phiếu như giải pháp để đảm bảo nguồn, thanh khoản cũng như chìa khóa để kích hoạt các dự án có thể triển khai. Thậm chí một số công ty phát hành trái phiếu làm phần đầu dự án, vốn cho phần sau huy động từ cổ đông qua phát hành cổ phiếu, mà huy động từ cổ đông là vốn dài hạn, không phải trả lãi. Họ tính toán dung hòa được nguồn vốn. Quy định mục đích sử dụng vốn như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp phát hành.
“Săn lùng” tư vấn giỏi
Thu xếp vốn đang là phần nóng nhất của mảng tư vấn doanh nghiệp. Vì sao? Không chỉ trái phiếu doanh nghiệp, liệu cổ phần hóa có đạt chỉ tiêu, thoái vốn ngoài ngành có tiến triển, bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước nguyên lô... phụ thuộc nhiều vào việc tìm kiếm người mua. Người mua ở đây không chỉ là một. Có khi vài tổ chức mua hợp vốn, có khi tiền mua tự có một nửa, nửa còn lại đi vay, có khi kết hợp cả Tây cả ta cùng mua...
Việt Nam chưa có đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp một cách tổng thể, toàn diện, phổ biến, thành ra không chỉ doanh nghiệp phát hành, mà cả trái chủ phải dựa vào đơn vị tư vấn. Những đơn vị tư vấn lấy lệ, tham gia cho đúng thủ tục, không tính đến hệ lụy mà doanh nghiệp phát hành gánh chịu sau này không phải không có. Đánh giá quá lạc quan hay bi quan về tổ chức phát hành trái phiếu của tư vấn đều ảnh hưởng đến quá trình trả nợ, không loại trừ khả năng vỡ nợ. Thị trường đã từng chứng kiến một số tổ chức tư vấn hời hợt, thiếu chuyên nghiệp, các trái chủ phải tự mày mò tìm hiểu doanh nghiệp, rủi ro là lớn.
Ở nước ngoài, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thường đặt trọng tâm vào kết quả kinh doanh, dòng tiền và sự tin tưởng lẫn nhau của cả hai bên. Ở Việt Nam bằng đấy điều kiện có thể vẫn chưa đủ. Giờ đây doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có tài sản đảm bảo, thế chấp. Chính vì thế, thị trường trái phiếu đang đặt lên vai các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp dân doanh nhỏ và vừa, có khả năng sử dụng vốn trái phiếu hiệu quả, lại bị loại khỏi sân chơi vì không có tài sản thế chấp, hoặc có thì giá trị thấp. Trong bối cảnh đó, không phải chỉ nhà tư vấn, thu xếp vốn đi tìm doanh nghiệp một chiều, mà doanh nghiệp muốn đặt chân vào kênh huy động vốn từ trái phiếu đang ra sức “săn lùng” nhà tư vấn giỏi!
Theo TBKTSG