Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Lễ ký kết hợp đồng đồng tài trợ và hợp đồng tín dụng thương mại trong nước 4.500 tỷ để làm vốn đối ứng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng do EVN làm chủ đầu tư là một trong 4 nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Duyên Hải với tổng công suất 4.348 MW và có tổng diện tích toàn trung tâm đạt 878,91 ha, được xây dựng tại Xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Dự án gồm 1 tổ máy công suất 660 MW với sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 3,9 tỷ kWh và xây dựng bến cảng số 2 (gồm bến, cầu cảng và phần nạo vét trước bến) phục vụ tiếp nhận than, dầu.
Tổng mức đầu tư của dự án là 22.774 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ 82 triệu USD). Hợp đồng EPC có tổng giá trị 891.647.395 USD đã bao gồm thuế và dự phòng, trong đó 85% vốn vay thương mại trong và ngoài nước, 15% giá trị còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.
Đây là dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam trước năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 - 2020.
Trước đó, ngày 24/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại văn bản số 2638/TTg-KTTH về việc cơ chế đặc thù thu xếp vốn cho dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là đầu mối thu xếp vốn trong nước cho dự án để thanh toán vốn đối ứng của hợp đồng EPC dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng.
Qua quá trình thương thảo, phía VietinBank (ngân hàng đầu mối) cùng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã chấp thuận cho EVN vay 4.500 tỷ đồng để làm vốn đối ứng thanh toán tạm ứng hợp đồng EPC dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng,
Việc ký kết hợp đồng đồng tài trợ và hợp đồng tín dụng thương mại trong nước 4.500 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ đảm bảo cho Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng hoàn thành và đi vào vận hành đúng tiến độ giúp cho việc cung cấp và khắc phục tình trạng thiếu điện khu vực miền Nam trong thời gian tới, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông cửu long, tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện so với thủy điện nhằm chủ động và giảm thiểu tình trạng thiếu điện về mùa khô, góp phần bảo đảm an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia.