Nói rõ hơn về hạn chế của HAGL, ông Lee cho biết: "Các cầu thủ HAGL đã quen với lối chơi kiểm soát bóng lâu rồi. Nhưng trong bóng đá cần có sự linh hoạt. Khi cần thiết phải chơi nhanh, lúc thì phải có bóng dài, không nên cứng nhắc theo một lối chơi nhất định đã được định hình từ lâu”.
Thi đấu trên sân Thống Nhất khi trời mưa, sân trơn bóng ướt mà Xuân Trường và các cầu thủ HAGL vẫn duy trì đá nhỏ khó có cơ hội trước đoàn quân của HLV Thành Công.
Điểm yếu trên băng ghế chỉ đạo
Nhưng giới chuyên môn cho rằng “căn bệnh” của đội bóng phố Núi không chỉ chú trọng kiểm soát bóng mà quên mất nhiệm vụ ghi bàn. Trận đấu với chủ nhà Sài Gòn thì thêm lần nữa Gỗ tiếp tục bộc lộ những sai lầm trong hàng phòng ngự và đành chấp nhận ra về tay trắng.
Không hiểu sao điểm yếu cố hữu của HAGL không được HLV Lee Tae-hoon phát hiện và bổ sung nhân sự ở hàng phòng thủ. Việc “lấy tấn công để phòng thủ” của HAGL đã phải trả giá đắt khi đã để thủng lưới tới 43 bàn, chỉ ít hơn Thanh hóa đội thủng lưới nhiều nhất V.League 2019 đúng 1 bàn.
"Chấp Tây" nên HAGL luôn gặp bất lợi. Ảnh VPF.
|
Đã nhiều mùa bóng này, HAGL luôn lâm vào tình trạng “công chưa làm thì thủ đá phá” nên dù có trong tay khá nhiều tuyển thủ thì bao giờ cuối mùa giải họ cũng phải vật lộn với cuộc chạy đua trụ hạng.
Đội bóng nhà bầu Đức hiện chỉ còn hơn vị trí phải đá trận play-off của Thanh Hóa đúng 1 điểm (HAGL đá nhiều hơn 1 trận). HAGL từng chia tay 2 HLV Guillaume Graechen và Nguyễn Quốc Tuấn ở những giai đoạn quyết định của việc lên xuống hạng, chính vì vậy tương lai của cựu HLV tuyển Campuchia đang là dấu hỏi.
Dấu ấn cầm quân của HLV Lee Tae-hoon mờ nhạt và câu trả lời quen thuộc của nhà cầm quân này là: "Trận đấu ngày hôm nay cầu thủ của tôi đã cố gắng hết sức, kết quả không như mong muốn.
Và cần phải có thời gian để sửa chữa”. Trong khi V.League mùa này chỉ còn 3 vòng đấu, cơ hội sửa sai không còn nhiều. Điểm yếu cố hữu của HAGL có lẽ nằm ở triết lý bóng đá của họ và vị trí HLV trưởng.
Đội bóng tấn công, không phòng ngự
Điều khá ngạc nhiên là HAGL chính là đội bóng được ông Park triệu tập nhiều thứ 2 (sau Hà Nội) vào các đội tuyển. Đó là 8 gương mặt gồm: Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy (đội tuyển); Việt Hưng, Bảo Toàn, Thanh Hậu (U22 Việt Nam).
Các cầu thủ của đội bóng Phố núi đều đã thi đấu rất tốt, góp phần giúp đội tuyển Việt Nam xuất sắc cầm hòa Thái Lan ngay trên sân khách và giúp đội U22 đánh bại U22 Trung Quốc với tỷ số 2-0.
Vậy điều gì khiến cho họ thi đấu bết bát như thế? Trước hết ngoại binh đang là vấn đề nhiều năm qua HAGL không giải quyết được rốt ráo. Trong giai đoạn sống còn của mùa giải, khi thủ môn Sietsma mới được trở lại sau án treo giò nội bộ thì trung vệ Kim Bong-jin, tiền đạo Martins Felipe lại ngồi dự bị.
Lối đá “chấp Tây”, và cách dùng người của HLV Lee Tae-hoon khá lạ, không dùng Việt Hưng thay Tuấn Anh hay để ngoại binh Martins ngồi ngoài khiến cho HAGL luôn thất thế trong các pha tranh chấp tay đôi với các cầu thủ ngoại của Sài Gòn.
Khán giả phố Núi cũng không nghĩ rằng chỉ vắng mặt nhạc trưởng Tuấn Anh do thẻ phạt mà HAGL gặp khó khăn về việc đảm bảo thể trận đến thế. Xuân Trường và các đồng đội đã bị Kito Trung Hiếu và 2 ngoại binh Pedro Paulo và Geovane liên tục quấy đảo nát nhừ.
Các cầu thủ Sài Gòn rất "biết mình, biết ta". Ảnh VPF
|
Chân sút Pedro Paulo đã ghi bàn mở tỷ số cho Sài Gòn FC sau pha băng vào đá nối ở cự ly gần từ tình huống đá phạt chếch bên cánh trái.
Tiếp sau đó, cũng chính Pedro Paulo gây sóng gió trong vòng cấm HAGL buộc A Hoàng phải phạm lỗi để Quốc Long ghi bàn thắng ấn định tỷ số 3-1 trên chấm 11m. Bàn thắng thứ hai của đội chủ nhà đến từ tình huống đi bóng và dứt điểm của chân sút Geovane.
Lịch thi đấu 3 trận còn lại HA.GL lần lượt gặp Hải Phòng (sân nhà), CLB TPHCM (sân khách) và Khánh Hòa (sân nhà). Nếu Hải Phòng đã thoát khỏi nguy cơ xuống hạng cũng không còn tham vọng thì TP.HCM vẫn còn chút le lót hy vọng.
Theo nhận định của giới chuyên môn, khả năng thoát khỏi vị trí play-off cao hơn Thanh Hóa nhưng không lẽ HAGL sinh ra là để đi đá trụ hạng!