Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã CK: STB) vừa đăng ký bán 81,5 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 1/7 đến 30/7/2021, thông qua khớp lệnh và thoả thuận. Trong đó, số cổ phiếu bán theo phương thức giao dịch thoả thuận tối đa là 20.087 đơn vị.
Sacombank sẽ đặt bán số cổ phiếu quỹ trong mỗi ngày giao dịch từ 3% - 10% tổng khối lượng giao dịch đã đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Tạm tính theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu STB ngày 22/6 (là 30.200 đồng/cp), Sacombank có thể thu về 2.463 tỉ đồng từ thương vụ này.
Sacombank bán cổ phiếu quỹ: Tốt hay xấu?
Tác động dễ nhận biết từ phương án bán cổ phiếu quỹ của Sacombank là sự gia tăng đột biến về lượng cung cổ phiếu STB trên thị trường chứng khoán.
Theo tính toán của VietTimes, mỗi ngày, nhà băng này sẽ phải đặt bán từ 2,4 đến 8,1 triệu đơn vị. Song, tác động của số cổ phiếu này còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường.
Lưu ý rằng, kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu ngân hàng thường xuyên là tâm điểm thu hút dòng tiền và STB cũng không ngoại lệ. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất (tính đến 22/6) của cổ phiếu này hiện lên tới 35,9 triệu đơn vị.
Không dừng lại ở góc độ cung cầu cổ phiếu (mang yếu tố ngắn hạn), việc bán cổ phiếu quỹ của Sacombank còn tác động đến cả những yếu tố cơ bản, dài hạn.
Lần gần nhất Sacombank tiến hành tăng vốn điều lệ là từ tháng 11/2015, khi nhà băng này phát hành thêm 400 triệu cổ phiếu STB (tương đương 4.000 tỉ đồng theo mệnh giá) để hoán đổi toàn bộ cổ phần PNB phục vụ việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank).
Cũng bởi ảnh hưởng từ thương vụ sáp nhập, trong năm 2015, Sacombank đã ghi nhận số lượng cổ phiếu quỹ là 81.562.287 đơn vị, có giá trị 750,9 tỉ đồng, tương đương 9.206,5 đồng/cp.
Đã gần 6 năm kể từ ngày sáp nhập với SouthernBank, Sacombank vẫn đang nỗ lực tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt. Và trong khoảng thời gian ấy, Sacombank cũng chẳng thể tăng vốn điều lệ.
Song, Sacombank không hề ‘đứng yên’. Theo dữ liệu của VietTimes, từ ngày 31/12/2015 tới 31/3/2021, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng gấp 1,7 lần, từ 292.032 tỉ đồng lên mức 497.427 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,92 lần, từ 185.916 tỉ đồng lên mức 356.974 tỉ đồng.
Dư nợ tăng nhanh, trong khi vốn điều lệ không đổi, hẳn sẽ có tác động nhất định tới những hệ số an toàn vốn của Sacombank.
Nếu thực hiện bán thành công 81,5 triệu cổ phiếu quỹ nêu trên, trừ đi ‘giá vốn’ 9.206,5 đồng/cp, ngân hàng này có thể ghi nhận khoảng 1.712,2 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Nguồn vốn này hoàn toàn có thể được kết chuyển tăng vốn điều lệ, giúp cải thiện các hệ số an toàn vốn cho ngân hàng. Đáng chú ý, ban lãnh đạo Sacombank cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn được chia cổ tức, tăng vốn điều lệ để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, song vấn đề này phải được NHNN phê duyệt.
So với cổ phiếu thông thường, cổ phiếu quỹ có đặc điểm là không có quyền biểu quyết, không được nhận cổ tức. Ở Sacombank, ngoài số cổ phiếu quỹ, nhà băng này còn có lượng lớn cổ phần được ‘gửi’ tại VAMC.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo Sacombank về lộ trình xử lý khoản nợ xấu liên quan tới 32,5% cổ phần Sacombank do nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Trầm Bê đã uỷ quyền cho VAMC.
Theo ông Dương Công Minh, số cổ phần này sẽ được xử lý theo đề án tái cơ cấu, và sẽ đưa ra bán nếu Thủ tướng cho phép. Sacombank đang xin cơ chế mua lại khoản này, trả lại trái phiếu đặc biệt rồi bán đấu giá. Giá đấu khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cp.
Phát biểu tại đại hội, đại diện VAMC cho biết, tổng số nợ Sacombank tồn đọng mà VAMC quản lý mới xử lý được một nửa. Còn 10.000 cổ phiếu của ông Trầm Bê cần xử lý thì VAMC đã trình NHNN, Chính phủ, có thể cuối năm 2021 hoặc sang năm có thể được Chính phủ xem xét phê duyệt.
“Sau khi xử lý, ông chủ thực sự của Sacombank sẽ xuất hiện, chăm lo cho ngân hàng như ông Minh hiện nay lo cho Sacombank” – đại diện VAMC nói./.