Tiếp sau chuỗi dự án khu đô thị, trung tâm thương mại “đình đám” tại Hà Nội và sắp tới là TP.Hồ Chí Minh, hoạt động đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc của Vingroup cũng rầm rộ không kém. Huyện đảo này đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đua nhau công bố dự án hoành tráng và cũng có không ít dự án nằm “đắp chiếu” vì chờ vốn.
Đất vàng, “cơn sốt”…
Nhưng với Vingroup thì lại khác, đất đai và mặt nước, bãi biển… là những tài sản có giá trị gia tăng lớn mà tập đoàn này muốn tăng sở hữu, chứ không “bán suất”. Năm 2014, Vingroup gây chú ý khi hoàn thành “thần tốc” dự án Khách sạn 5 sao tại Phú Quốc chỉ sau 10 tháng thi công. Đây mới chỉ là một trong nhiều hạng mục của dự án Vinpearl Phú Quốc có quy mô lên tới 304 ha, đặt tại Bãi Dài (xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc).
Mặc dù vị trí dự án cách trung tâm thị trấn Đông Dương và sân bay Phú Quốc khá xa (khoảng 30km), nhưng đổi lại, Vingroup được sở hữu, khai thác khu đất mặt biển dài, sát cạnh vườn quốc gia tại xã Gành Dầu. Nơi này hầu như vắng bóng dự án đầu tư lớn nên quỹ đất còn nhiều và giá rất rẻ.
Hơn 2 năm trước đó, thị trường bất động sản Phú Quốc có dịp “sốt sình sịch” với làn sóng đầu tư ồ ạt hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, khách sạn… Giá đất ở trung tâm tăng vọt, nhưng, đất ở khu vực xã Gành Dầu gần như đứng im, đứng ngoài “cuộc chơi”. Còn nay, khi nhà đầu tư Vingroup xuất hiện cùng với dự án hoành tráng đang thành hình, cả khu vực xã Gành Dầu và vùng lân cận bỗng sôi động hẳn lên.
Anh G, một cán bộ xã cũng tư vấn đất đai cho biết, cuối năm 2014, đất ở xã Gành Dầu bỗng “sốt” lên vì có nhiều người hỏi mua. Người mua nhiều thì vài công (1 công đất bằng 1.000m2) chỉ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/công đất, ít thì cũng mua vài trăm m2 để xây khách sạn, nhà nghỉ… “Những mảnh đất nhỏ, vừa túi tiền, nằm gần khu dự án của Vingroup được hỏi mua nhiều, nhưng không còn. Chỉ còn những mảnh lớn nằm sâu hơn, giá chỉ vài triệu đồng/m2. Mà giá đất đang tăng nhanh lắm”- Vị cán bộ này chia sẻ.
Một doanh nhân trẻ từ Đà Nẵng chia sẻ, chị vừa mua gần 2 công đất có hướng nhìn ra 2 mặt biển với giá dưới 2 tỷ đồng. Mức giá này được cho là khá rẻ và cũng “không phải nghĩ” khi xuống tiền mua. Và hiện, mảnh đất vẫn bỏ hoang chờ vốn. “Mảnh đất nằm gần dự án của Vingroup nên có thể xây khách sạn để phục vụ khách đến vui chơi tại dự án này. Việc kinh doanh cứ “ăn theo” dự án của tập đoàn này là ổn”- Vị doanh nhân này nói.
Trái ngược với sự sôi động này, hàng loạt dự án lớn bám dọc bãi biển Phú Quốc đều đã có chủ, nhưng nằm “đắp chiếu” suốt nhiều năm, như: Khu resort 5 sao Hòa Bình có quy mô vốn 1.000 tỷ đồng… Gần đây, một số dự án đã được khởi động lại, như: Khách sạn 5 sao của Tập đoàn BIM (1.500 tỷ đồng), khách sạn 4 sao và trung tâm hội nghị quốc tế của Công ty Quý Hải, dự án Sonasea Resort của CEO Group…
Và vốn “khủng”
Dĩ nhiên, một dự án đầu tư chưa hẳn làm nên sự thay đổi diện mạo, kinh tế, xã hội cho cả một khu vực có dự án, nhất là huyện đảo xa xôi, hạn chế đầu tư như Phú Quốc trong hơn 30 năm qua… Khoảng 1 năm trở lại đây, chính sách thu hút đầu tư cùng hàng loạt dự án lớn đã và đang được khởi động lại, hoặc dự án mới đầu tư là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản tại Phú Quốc “nổi sóng”. Và Vinpearl Phú Quốc được xem như “gà đẻ trứng vàng” sẽ khai phá vùng đất mới và tạo sức hấp dẫn hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đây.
Được biết, dự án Vinpearl Phú Quốc gồm các hạng mục khách sạn 5 sao, khu biệt thự nghỉ dưỡng (bán và cho thuê), khu vui chơi giải trí và sân golf… Hiện, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khách sạn và biệt thự có 750 phòng, khu văn phòng, sân golf, khu vui chơi… Từ Quý 1/2015, Vingroup đã triển khai tiếp giai đoạn 2 với nhiều hạng mục như khu biệt thự, khách sạn với quy mô 500 phòng, khu thương mại, công trình phụ trợ. Dự kiến, đến cuối quý 3/2017 sẽ hoàn thành. Tại dự án này, Vingroup sở hữu 51,07% cổ phần Công ty CP Vinpearl Phú Quốc – chủ đầu tư dự án này (đến cuối năm 2014).
Tại báo cáo gửi cổ đông, Vingroup vừa tiết lộ tổng mức đầu tư vào Vinpearl Phú Quốc lên tới 17.156 tỷ đồng. Mức đầu tư này hiện cao gấp hàng chục lần các dự án cùng phân khúc tại Nha Trang (vốn chỉ từ 1.200 -2.300 tỷ đồng). Và bằng khoảng 55% tổng mức đầu tư của dự án quy mô lớn Vinhomes Central Park tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo tài chính, đến cuối năm 2014, chi phí đầu tư dở dang tại dự án Vinpearl Phú Quốc là hơn 222 tỷ đồng (cuối 2013 chi phí là 41 tỷ đồng).
Chủ đầu tư đã vay lượng vốn lớn từ các ngân hàng để triển khai dự án này. Trong đó, có hợp đồng tín dụng trị giá 1.742 tỷ đồng (kí năm 2014) tại Vietcombank, thời hạn 15 năm, được đảm bảo bằng nhiều tài sản dự án. Đơn cử, tài sản thế chấp là các công trình xây dựng của dự án (giai đoạn 1), quyền và lợi ích của chủ sở cổ phần Công ty Vinpearl Phú Quốc và cổ tức của chủ sở hữu… Cùng các tài sản khác liên quan, như: hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng cho thuê biệt thự, khoản phải thu, nguồn thu từ dự án giai đoạn 1…
Số vốn đã vay và giải ngân vào dự án mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng mức đầu tư 17.156 tỷ đồng mà Vingroup dự định “rót” vào Phú Quốc. Đầu tư vốn lớn, dài hạn và chủ yếu đi vay nợ thì Vingroup sẽ tính toán hiệu quả và lợi ích kinh tế của dự án Phú Quốc như thế nào cho tương xứng?
Theo THCL