Rất ít ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay

Chỉ số ít ngân hàng lớn theo chỉ đạo của cơ quan quản lý tiền tệ mới có thể giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa chứ không thể hy vọng "dàn đều" toàn thị trường.
Giảm lãi suất cho vay khó dàn đều toàn thị trường ngân hàng trong năm 2015
Giảm lãi suất cho vay khó dàn đều toàn thị trường ngân hàng trong năm 2015

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm tại hội thảo về triển vọng tăng trưởng kinh tế 2015 diễn ra mới đây.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn cần giảm hơn nữa để DN có thể tiếp cận được vốn và dễ thở hơn trong kinh doanh. Song dư địa thực tế không nhiều, là nút thắt đối với nền kinh tế trong năm 2015. Dẫn chứng cơ sở cho giảm lãi suất, Viện trưởng CIEM phân tích, hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát, giữa lãi suất cho vay và huy động lớn nên có khả năng để các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm thêm lãi suất. Nhưng “sức khỏe” tài chính của các NHTM khác nhau, chưa lành mạnh khiến hoạt động cho vay mới còn hạn chế, phần không nhỏ là đáo hạn để giảm lãi suất khoản vay cũ.

Thêm vào đó, một phần nguồn vốn của các ngân hàng sẽ được “hút” sang trái phiếu Chính phủ khi một lượng lớn trái phiếu sẽ được phát hành trong năm 2015 với lãi suất “mềm”.

“Chính vì lẽ đó, dư địa giảm lãi suất ồ ạt trên diện rộng khó có thể xảy ra. Thay vào đó, giảm lãi suất cho vay chỉ có thể diễn ra tại một số ngân hàng thông qua việc vận động từ phía ngân hàng trung ương và công cụ hỗ trợ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VNĐ với số ngân hàng này”- ông Cung nói và tiếp lời “điều hành hành chính theo trường hợp cụ thể vẫn có đất để tồn tại”.

Ngoài chuyện khó giảm lãi vay cho DN, điều khiến Viện trưởng CIEM lo ngại nữa trong điều hành chính sách tiền tệ là điều hành tín dụng của cơ quan quản lý đang theo kiểu hành chính chứ không phải theo thị trường. Lâu nay tín dụng vẫn đang tăng trưởng dồn dập vào cuối năm, chạy theo hình thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12%, 14% hay 17% như kế hoạch đặt ra.

Người đứng đầu CIEM đề nghị, nên bỏ trần khống chế tín dụng với từng ngân hàng và bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm để tín dụng chạy đúng theo thị trường, chứ không phải dòng tiền tín dụng “ra” theo kiểu hành chính khiến thị trường tín dụng méo mó.

Ngoài ra, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ phải có cơ chế để tránh tình trạng ngân hàng chỉ chăm chăm tìm khách hàng để “chạy” đủ chỉ tiêu tăng tín dụng, thay vì tìm được khách hàng tốt để chất lượng dòng tiền đầu ra “đúng địa chỉ”.

“Cơ chế tăng trưởng tín dụng chạy theo mục tiêu, thành tích hiện nay cũng chính là phần nguyên nhân khiến phát sinh nợ xấu trong hệ thống”- TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét.

Chưa kể, tín dụng hiện đang “rót” vào một số lĩnh vực mà theo ông Cung chỉ cứu trợ một vài đối tượng thay vì “số đông”. “Gói 30.000 tỷ đồng “đổ” vào lĩnh vực bất động sản chưa tiêu hết, chẳng biết tiêu hiệu quả ra sao thì nay lại “nở” thêm gói 50.000 tỷ đồng cũng dành cho lĩnh vực này, trong khi dòng vốn dành cho sản xuất của DN rất cần thì lại thiếu”- ông lo ngại.

Liên quan tới chuyện xử lý nợ xấu, Viện trưởng CIEM đề xuất ban hành một Luật đặc biệt, hiệu lực trong 5-7 năm chỉ với nhiệm vụ: xử lý tài sản thế chấp gắn với nợ xấu. Sau khoảng thời gian này Luật trên sẽ hết hiệu lực, không phải sửa các đạo luật khác, không đụng đến các nền tảng chính trị của hệ thống pháp luật. Như vậy, vốn sẽ chạy về khu vực DN tư nhân nhiều hơn, hơn là nằm ở khu vực DNNN như hiện nay. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc phần nhiều vào kết quả của tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. 

                                                                          Theo Infonet