Tờ Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) gần đây đăng bài viết của chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ cho rằng vào đầu tháng 6, để răn đe ở mức cao nhất đối với Nga, Không quân Mỹ đã điều toàn bộ 3 loại máy bay ném bom chiến lược hiện có gồm B-52H, B-1B, B-2A đến căn cứ không quân Fairford của Anh, tham gia cuộc tập trận “Saber Strike” và “Baltic Operation” do NATO tổ chức ở khu vực Đông Âu.
Ba loại máy bay ném bom chiến lược Mỹ tập kết ở châu Âu là một điều hiếm có trong những năm gần đây. Đồng thời, chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng Mỹ và Nga vẫn có nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân. Vài năm trước, 3 loại máy bay ném bom Mỹ cũng từng tập kết ở Guam gây chú ý cho toàn thế giới. Hành động tập kết này có nghĩa là gì?
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ cho rằng ở góc độ thực tế chiến đấu, 3 loại máy bay ném bom tập kết ở một khu vực có ý nghĩa hoàn toàn không lớn như tưởng tượng. 3 loại máy bay này thực sự có giá trị chiến đấu thực tế, là những máy bay ném bom mới nhất. Chúng tập kết ở một khu vực thực ra là để truyền đi thông điệp, tiến hành một loại răn đe chiến lược, hoàn toàn không liên quan trực tiếp đến chiến đấu thực tế.
Những năm gần đây, trong các thủ đoạn răn đe chiến lược, Mỹ luôn thay đổi “biến cũ thành mới”, qua đó để truyền đi thông điệp, phô trương sức mạnh. So với các cách làm khác, cách làm này dễ để đối phương thấy hơn, dễ tạo ra một hiệu quả “chấn động” cho truyền thông hơn.
Trong khi đó, Mỹ cũng có thể tập kết nhiều tàu sân bay tại một vùng biển, nhưng chi phí cho việc này cao hơn nhiều, hơn nữa tốc độ triển khai tàu sân bay chậm hơn, hiệu quả về mặt thời gian kém đi nhiều.
Mỹ cũng có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân như tàu ngầm lớp Ohio trang bị tên lửa hành trình để tiến hành răn đe chiến lược. Cách làm này cũng phải bỏ ra chi phí cao hơn và hiệu quả về mặt thời gian kém.
Vì vậy, quân đội Mỹ tập kết 3 loại máy bay ném bom tại một khu vực rõ ràng là một hành động răn đe có hiệu quả cao hơn, tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn.