Rắc rối chung cư đã thế chấp, dân có sổ đỏ mất quyền vay vốn

VietTimes -- Căn hộ đã được cấp “sổ đỏ” tại chung cư, nhưng chủ căn hộ lại không vay được vốn ngân hàng. Lý do vì cả chung cư này bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Nên dù riêng căn hộ đã được giải chấp, thì thông tin lưu lại về dự án vẫn khiến chủ khó thế chấp vay vốn 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo bà Nguyễn Thị Hương, chủ căn hộ 5A2-T8 chung cư Dolphin Plaza, bà đến ngân hàng Agribank để làm thủ tục thế chấp căn hộ này nhằm vay vốn kinh doanh. Đây là căn hộ chính chủ tên bà, đã được cấp "sổ đỏ" đầy đủ và hiện không có tranh chấp với ai

Tuy nhiên, Agribank đã từ chối nguyện vọng vay vốn của bà Hương với lý do toà nhà Dolphin Plaza đã bị chủ đầu tư - công ty cổ phần TID - thế chấp cho ngân hàng khác, nên không thể thế chấp, vay vốn nữa.

Trong khi đó thì bà Hương đã thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ 5A2-T8 và đã được Sở TN&MT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).

Có nghĩa, căn hộ đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý để có thể thành tài sản trong các giao dịch dân sự, bao gồm cả việc thế chấp, vay vốn tại ngân hàng.

Tìm hiểu từ chủ đầu tư, bà Hương được biết, chủ đầu tư - công ty cổ phần TID – đã thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng Pvcombank để có tiền triển khai xây dựng.

Tuy nhiên,  việc cho vay vốn, nhận thế chấp tài sản được đánh giá, thẩm định, đăng ký giao dịch bảo đảm… theo quy định pháp luật hiện hành. Tức là, PVcombank sẽ giải chấp từng phần tài sản theo tiến độ trả nợ của TID, để đảm bảo TID vẫn có thể ký kết giao dịch bán nhà với khách hàng, và làm sổ đỏ cho căn hộ ngay trong thời gian trả nợ. 

Với trường hợp căn hộ 5A2-T8 của bà Hương, có thể thấy chủ căn hộ và chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ liên quan tới căn hộ thì mới được ngân hàng giải chấp phần tài sản này. Để sau đó thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ cho chủ căn hộ tại Sở TN&MT Hà Nội.

Nhưng thực tế là thông tin thế chấp dự án, thì vẫn “lưu” trên hệ thống thông tin đăng kí giao dịch bảo đảm. Và do thế, nguyện vọng vay vốn rất chính đáng và hợp pháp của chủ căn hộ đã bị từ chối.

Thực tế này đặt ra vấn đề lớn với quyền tài sản của người dân đối với căn hộ tại các chung cư – vốn chủ yếu hình thành từ nguồn vốn vay ngân hàng. Vì rõ ràng ngay cả khi có sổ đỏ chính chủ, người dân vẫn có thể bị từ chối vì những rắc rối vốn chẳng liên quan tới họ, mà chỉ liên quan tới chủ đầu tư, ngân hàng, hay xa xôi hơn là hệ thống thông tin đăng kí giao dịch bảo đảm.