Rất nhiều chuyên gia du lịch đã so sánh tiềm năng du lịch của Việt Nam với các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia và đều công nhận Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt tiềm năng hơn. Tuy nhiên, chỉ xét riêng các chiến dịch quảng bá của du lịch Việt Nam, chưa tính đến cách đầu tư và khai thác dịch vụ, thì thấy khách du lịch mất cảm tình với cách ứng xử thông tin quảng bá của ngành du lịch Việt Nam.
Thiếu kinh phí khiến công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam bao năm nay vẫn lạc hậu.
Ông Phạm Thế Phong – Giám đốc Trung tâm Vietnam Explore Holidays Vietrantour cho rằng, cho đến nay nhiều người nước ngoài nghĩ Việt Nam vẫn là đất nước lạc hậu như vừa bước qua chiến tranh, “rừng thiêng nước độc”. Trong khi, các hoạt động xúc tiến du lịch của ta chỉ tiếp cận được một bộ phận nhỏ công chúng quốc tế. Đây là điều rất đáng tiếc của ngành du lịch Việt Nam.
Cùng lúc đó, du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bởi trong thời gian qua có rất nhiều công ty du lịch nước ngoài đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam để tiếp cận thị trường khách trong nước. Nhưng ngược lại, đến nay chưa ngay cả ngành du lịch và cả những công ty du lịch Việt Nam nào đặt văn phòng ở nước ngoài.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ông đang có cảm giác công tác quảng bá của ngành du lịch Việt Nam càng ngày càng lùi xa. Ngay ở trong khu vực chúng ta thua cả Campuchia và coi như gần “đội sổ”, chắc có khi chỉ xếp ngang ngửa hoặc hơn Lào, Myanmar.
So với các nước trong khu vực thì rõ ràng kinh phí quảng bá du lịch của Việt Nam rất hạn hẹp. Muốn thúc đẩy du lịch phát triển cần có sự đầu tư toàn diện (Nguồn: Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch VN)
Theo kinh nghiệm của các quốc gia có ngành du lịch phát triển đều là những nơi quan tâm đặc biệt đến khâu tiếp thị. Đơn cử như Hàn Quốc, cơ quan du lịch quốc gia đã mở đến hàng chục văn phòng đại diện ở nước ngoài. Để đẩy mạnh ngành công nghiệp du lịch, chính phủ Hàn Quốc cố gắng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn như hội nghị G20 hay các sự kiện thể thao, triển lãm quốc tế. Hay như Malaysia, cũng rất chuyên nghiệp và thành công trong các hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt với thương hiệu.
“Đơn cử như Hàn Quốc vì sao thị trường hàn quốc lại thu hút du lịch đến như vậy cũng vì họ có những cách quảng bá du lịch vô cùng thông minh sáng tạo, có lộ trình cụ thể và đồng bộ. Thông qua làn sóng điện ảnh, âm nhạc, truyền hình làm cho du khách nức lòng và háo hức được đến với những điểm tham quan của đất nước này, giống như mùa lá vàng mùa lá đỏ của họ luôn được tận dụng tối đa để lên những bộ phim truyền hình. Rồi cũng nhờ cách này họ quảng bá được con người, được phong tục, được cả những món ăn của họ. Đặc biệt, Hàn Quốc còn đặt Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, Văn phòng đại diện Tổng cục du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam để quảng bá văn hóa mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động hợp tác tuyên truyền du lịch với các công ty du lịch địa phương.” – Ông Phong chia sẻ
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, một số nước gần với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, họ có chiến lược cạnh tranh rất mạnh và ngân sách tiếp thị du lịch cũng rất lớn. Với Việt Nam, khi ngân sách còn hạn chế, chúng ta phải sử dụng hiệu quả và hợp lý thì mới thu hút được du khách. Điều nữa là trong khó ngành du lịch luôn đề nghị và mong muốn các cơ quan khác ủng hộ như tài chính, hàng không, song lại cứ ngồi chờ nhau để phối hợp mà thiếu nhạy bén và chủ động.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển du lịch cho rằng, ngành du lịch không nên sử dụng kinh phí quảng bá theo kiểu quân bình. Năm nay anh này làm, năm khác lại giao cho anh khác.
Ngay ở trong khu vực chúng ta thua cả Campuchia và coi như gần “đội sổ”, chắc có khi chỉ xếp ngang ngửa hoặc hơn Lào, Myanmar
“Chúng ta ít tiền làm quảng bá, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Chúng ta đã sử dụng đồng tiền đó đã hết trách nhiệm chưa. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm trong số ít tiền đó” – ông Lương nói
Thực tế, rõ ràng so với các năm trước, các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giống Việt Nam ở vạch xuất phát ban đầu về xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp. Song giờ này so lại, các nước làm hết sức quy mô, bài bản trong khi Việt Nam vẫn chưa hoạch định nổi một kế hoạch cụ thể, một chuyên đề riêng cho xúc tiến.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho rằng để quảng bá du lịch một cách hiệu quả, thì từ khâu nhỏ nhất chúng ta phải thực hiện một các chuyên nghiệp. Ngay cả những ấn phẩm nhỏ nhất như tờ rơi, tờ gấp đều phải có thiết kế, thông tin, ngôn ngữ phù hợp với thị trường khách cần đang tiếp thị. Việc quảng bá nên duy trì tính liên tục, với kinh phí có hạn, chúng ta nên chăng xác định 1 đến 2 thị trường điểm/ năm để tập trung quảng bá.