Steve Bannon là chiến lược gia trưởng trong chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump, gần đây được coi là người nắm giữ quyền lực trong chính quyền mới, là thành viên chủ chốt của Hội đồng an ninh quốc gia. Điều này khiến các nước châu Á cần phải coi trọng vai trò của Steve Bannon.
Những phát biểu của ông Bannon về Biển Đông đang gây rắc rối. Ông dự đoán sẽ có một cuộc chiến tranh lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông: “Trong 5-10 năm tới, chúng ta (nước Mỹ) sẽ tham chiến trên Biển Đông. Không nghi ngờ gì về điều đó. Họ đang tạo những bãi cát, chế tạo các “tàu sân bay cố định” (tức các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép) và trang bị rất nhiều tên lửa trên hòn đảo đó. Họ đến trước mặt nước Mỹ, và nói rằng đó là lãnh hải lịch sử lâu đời của họ”.
Ông Bannon, nhà tư tưởng chính của ông Trump nói rằng Trung Quốc đang đặt tên lửa lên các đảo nhân tạo phi pháp của nước này, ông chủ yếu đang kết hợp hai sự thật là Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm ngoái và Trung Quốc bồi lấp và xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Chính quyền ông Trump có vẻ như chưa cùng nhất trí về hành động trên Biển Đông, vì ông Sean Spicer- thư ký báo chí của Nhà Trắng- vẫn đưa ra những tuyên bố có vẻ như không được chuẩn bị kỹ lưỡng, cho rằng Mỹ nên sử dụng lực lượng vũ trang để “bảo vệ các lãnh thổ quốc tế khỏi bị chiếm cứ”. Phát biểu của ông Spicer là lời tuyên bố chính thức công khai duy nhất của chính quyền ông Trump về Biển Đông kể từ khi ông nhậm chức. Các lời bình luận trước đó vào tháng 1/2017 của ông Rex Tillerson, tân ngoại trưởng Mỹ cũng dự báo về một cuộc đụng độ với Trung Quốc.
Trung Quốc đã chỉ trích ông Spicer vì tuyên bố này, Bắc Kinh nhắc nhở nước Mỹ rằng Mỹ không phải là một bên yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, và lãnh đạo của Mỹ chắc chắn sẽ chú ý đến vai trò trung tâm của ông Bannon trong chính quyền mới. Theo Diplomat, ý tưởng của ông Bannon dựa trên ý tưởng về một cuộc đụng độ giữa văn minh Thiên chúa giáo phương Tây với phần còn lại của thế giới của Samuel Huntington đã khiến ông Bannon không tin Trung Quốc.
Báo USA Today đã tìm thấy một bài phỏng vấn hồi tháng 2/2016 viết về thế giới quan của ông Bannon. Ông coi sự bành trướng của “chủ nghĩa Hồi giáo bành trướng và Trung Quốc” đều là những mối đe dọa. “Họ được thúc đẩy. Họ kiêu ngạo. Họ đang trên đà tiến lên. Và họ nghĩ rằng phương Tây theo Thiên Chúa và Do Thái giáo đang phải rút lui”. Cho dù các lí do của ông Bannon để thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc có thể không chính thống, ông vẫn có nhiều người ủng hộ trong chính quyền ông Trump, phần lớn những người này đều đang thúc đẩy Mỹ thách thức Trung Quốc về chính sách thương mại và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Theo Diplomat, việc ông Bannon công khai dự đoán về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc kết hợp với sự thân cận của ông với tổng thống Donald Trump rất đáng lo ngại. Dự đoán về chiến tranh có thể tăng cường và mở rộng những ham muốn chiến lược của Mỹ trên Biển Đông. Chẳng hạn, ông Bannon có thể thúc đẩy ông Trump thực hiện điều mà ông Spicer hay ông Tillerson gợi ý trên Biển đông, kích động sự đáp trả từ Trung Quốc. Tóm lại, việc ông Bannon dự đoán một cuộc chiến tranh có thể khiến chiến tranh càng có nguy cơ xảy ra hơn.
Những tuần làm việc đầu tiên của ông Trump đã cho thấy dấu ấn của ông Bannon trên mọi sáng kiến lớn và bất thường, từ lệnh cấm người tị nạn và nhập cư từ các nước đông dân số Hồi giáo gây tranh cãi đến tuyên bố mơ hồ của bài diễn văn nhậm chức của ông Trump. Với vai trò trọng tâm của ông Bannon trong các hành động của chính quyền mới và sự gần gũi thân cận của ông với ông Trump, cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, Diplomat kết luận.