Các tranh luận gần đây vẫn tập trung vào việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạo ra sự giảm tốc êm dịu trong nền kinh tế (hạ cánh mềm) hay buộc phải tạo ra một cuộc suy thoái (hạ cánh cứng) để đưa chỉ số lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, vẫn có một sự lựa chọn thứ 3. Đó là việc kinh tế Mỹ sẽ ‘không hạ cánh’, theo Barron’s.
Cụ thể, trong kịch bản ‘không bến đỗ’ này, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và lạm phát vẫn chưa được chế ngự.
Đồng nghĩa, Fed không có động lực để dừng, chứ chưa nói đến việc nới lỏng, kế hoạch tăng lãi suất của mình. Hay như Michael Hartnett - chiến lược gia đầu tư nghiên cứu toàn cầu của BofA – bình luận: “’Không hạ cánh’ đồng nghĩa với việc Fed sẽ không dừng lại”.
“Thị trường đã phục hồi kể từ đầu năm với kỳ vọng về một cuộc suy thoái nhẹ (hạ cánh mềm) khi lạm phát có dấu hiệu suy giảm bất chấp khả năng phục hồi của thị trường lao động”, Chris Zaccarelli – Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance – lưu ý.
Điều gì đã khiến các nhà kinh tế không lạc quan về một kịch bản mà người Mỹ có thể tìm kiếm được việc làm trong một nền kinh tế sôi động và chi phí sinh hoạt đang có dấu hiệu chậm lại (?!).
Đó là bởi, nhiều việc làm hơn đồng nghĩa với việc người Mỹ có thể tiếp tục chi tiêu, từ đó sẽ giữ giá cả neo cao và lạm phát sẽ hạ nhiệt với tốc độ chậm hơn.
Dữ liệu kinh tế tháng 1/2023 mà Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy lạm phát vẫn đang cách khá xa mục tiêu 2% của Fed. Đồng thời, nó cũng không giảm đủ nhanh như mong muốn của ngân hàng trung ương Mỹ và buộc họ phải tiếp tục tăng lãi suất.
Deutsche Bank dự báo mục tiêu lãi suất mà Fed hướng tới cao nhất là 5,6% - tăng 0,5% so với dự báo đưa ra trước đó. Giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường tiền tệ cũng ám chỉ mức lãi suất mục tiêu sẽ đạt khoảng 5,3% - tăng nhanh so với mức 4,8% được ghi nhận vào đầu tháng 2/2023.
Các nhà kinh tế học có quan điểm lạc quan cũng bắt đầu tỏ ra lo lắng về khả năng giá cả quay đầu tăng trở lại.
Ed Yardeni, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Yardeni Research, nhận thấy những rủi ro nếu lạm phát không tiếp tục xu hướng giảm.
“Giới chức Fed có thể sẽ kết luận rằng cách duy nhất để giảm lạm phát là gây ra suy thoái kinh tế. Nói cách khác, kịch bản lạm phát ‘không hạ cánh’ có thể là một chặng đường dài dẫn đến ‘hạ cánh cứng’”, ông viết.
Trong khi đó, Tom Essaye – nhà sáng lập Sevens Report Research – bình luận: “Sau cùng, việc ‘không hạ cánh’ sẽ không phải là điều tích cực bền vững bởi vì cuối cùng nó chỉ… trì hoãn, nhưng không tránh được cuộc tranh luận, về hạ cánh cứng và hạ cánh mềm. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi cảm thấy tự tin rằng tăng trưởng đang chậm lại và điều đó sẽ không gây áp lực lên lạm phát”./.
Nguồn tham khảo: Barron's