Quân đội Trung Quốc xuất hiện "lực lượng ma”?

Vào ngày 31/12/2015, Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc chính thức thay đổi cấu trúc của Quân đội nước này, thành lập ba tổ chức mới: Cơ quan Chỉ huy Quân đội, Lực lượng Tên lửa và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược.
Quân đội Trung Quốc xuất hiện "lực lượng ma”?

Cơ quan Chỉ huy Quân đội được cho là một trung tâm chỉ đạo thống nhất nhằm phối hợp hoạt động của các quân chủng trong quân đội, từ lâu là mục tiêu của cuộc cải cách quân sự của Trung Quốc.

Lực lượng Tên lửa thực ra là tên gọi khác của Quân đoàn Pháo binh Số 2, nay được chính thức công nhận là một bộ phận của quân đội Trung Quốc. Trong khi đó, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược lại không được các báo nước ngoài tập trung chú ý, nhưng lại đánh đấu một điểm thú vị trong cuộc cải cách lần này.

Quân đội Trung Quốc đang có những bước tiến lớn trong những năm gần đây.
Quân đội Trung Quốc đang có những bước tiến lớn trong những năm gần đây.

Trong bài diễn văn thành lập các cơ quan mới, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết “Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược là một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đánh dấu bước trưởng thành của quân đội Trung Quốc”. Nhiều hãng tin quốc tế cho rằng lực lượng này chủ yếu tập trung vào các chiến dịch mạng, tuy vậy truyền thông Trung Quốc cho rằng chức năng của họ còn phức tạp hơn thế.

Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của quân đội Trung Quốc sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu, thay vào đó họ sẽ “cung cấp thông tin chiến trường và hỗ trợ phòng vệ”. 

Tuy nhiên, không giống như đơn vị hậu cần, họ “có khả năng phá hoại đối phương”. Theo một tờ báo địa phương, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược sẽ bao gồm 5 lĩnh vực tình báo chính: do thám chiến trường, chiến tranh điện tử, tấn công và bảo vệ mạng và chiến tranh tâm lý.

Ông Gao Jin, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược và là một vị tướng có thâm niên hơn 30 năm hoạt động với Quân đoàn Pháo binh số 2, cho biết lực lượng này hướng đến việc nâng cao khả năng chiến đấu của các quân chủng khác bằng cung cấp thông tin thông suốt. 

Họ sẽ phối hợp “các kế hoạch, kinh nghiệm, vật lực và nhân lực”, tiến hành nghiên cứu chiến lược cho quân đội Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc cho rằng lực lượng này được lập ra nhằm đáp lại “các đơn vị tấn công ngoài không gian” của các nước khác trên thế giới.

Tướng Trung Quốc đã nghỉ hưu Song Zhongping từng chỉ huy Quân đoàn Pháo binh Số 2 trả lời trên báo rằng lực lượng này thực chất gồm 3 bộ phận riêng biệt. Đầu tiên là “bộ phận mạng”, chuyên tham gia các chiến dịch tấn công và phòng vệ qua mạng internet. 

Tiếp đó là “bộ phận không gian”, đảm trách hoạt động do thám và công kích qua vệ tinh. Cuối cùng là “bộ phận điện tử”, có nhiệm vụ cản trở hệ thống rađa và liên lạc của đối phương.

Mỹ tỏ ra rất gay gắt trước các hoạt động xâm nhập mạng được cho là do Trung Quốc tiến hành, đối với các cơ quan và doanh nghiệp của nước này.
Mỹ tỏ ra rất gay gắt trước các hoạt động xâm nhập mạng được cho là do Trung Quốc tiến hành, đối với các cơ quan và doanh nghiệp của nước này.

Theo một chuyên gia quân sự Nga, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược sẽ có trách nhiệm “thực thi tình báo quân sự cũng như các hoạt động chiến tranh tâm lý”, bên cạnh đó còn được phép chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm khi cần.

Hiện vẫn còn rất ít thông tin về chức năng thật sự của Lực lượng Hỗ trợ chiến lược, cũng như cách thức hoạt động của lực lượng này với các đơn vị khác. Ảnh hưởng của việc tái cơ cấu lực lượng quân đội Trung Quốc đối với hoạt động tình báo, tấn công và quốc phòng cũng sẽ cần thời gian để kết luận. 

Một bài phân tích về hoạt động an ninh mạng của Trung Quốc đã đề cập đến tầm quan trọng trong việc thiết lập một cơ quan có tổ chức rõ ràng chuyên thực hiện các chiến dịch mạng để giảm bớt nguy cơ leo thang căng thẳng. Đây rất có thể là một trong những nguyên nhân lực lượng hỗ trợ được thành lập.

Theo Defense One, Infonet