Nhiều bằng chứng cho thấy bà Lê Diệp Kiều Trang hành động bất nhất trong dự án xe đạp Superstrata

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trả lời trên một kênh truyền thông nước ngoài, anh Trần Hiệp, nhà sáng lập diễn đàn Tinh tế nói rằng các dự án của bà Trang và ông Sonny Vũ dường như không có mục đích tạo ra sản phẩm để bán.

Bà Lê Diệp Kiều Trang được dư luận cho là đã "lùa gà" trong dự án sản xuất xe đạp Superstrata
Bà Lê Diệp Kiều Trang được dư luận cho là đã "lùa gà" trong dự án sản xuất xe đạp Superstrata

Ngày 2/7 vừa qua, hàng loạt tờ báo trong nước đưa tin dự án sản xuất xe đạp bằng vật liệu tổng hợp composite sợi carbon của bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng là Sonny Vũ đã dừng hoạt động.

Bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) vốn là một người rất nổi tiếng, “con nhà nòi” kinh doanh. Bố của bà là ông Lê Văn Trí – Phó Tổng giám đốc công ty cao su miền Nam (Casumina). Anh trai của bà là Lê Trí Thông – CEO Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Bà Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng là Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) từng sáng lập và sở hữu thương hiệu đồng hồ thể thao Misfit (sau đó đã nhượng lại cho Tập đoàn Fossil với giá 260 triệu USD). Bà cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam trong một năm.

Sản phẩm có chất lượng rất tệ

Năm 2020, bà Trang và chồng tham gia, trực tiếp điều hành startup Arevo – hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy in 3D và các sản phẩm từ in 3D. Hai vợ chồng bà đã mở dự án sản xuất xe đạp (loại thường và loại chạy điện) in 3D từ vật liệu composite sợi carbon, mang thương hiệu Superstrata. Dự án đã được đưa lên trang web Indiegogo để gọi vốn. Đây là trang web dành cho các nhà khởi nghiệp muốn kêu gọi sự đầu tư từ các cá nhân trên toàn thế giới để phát triển một sản phẩm từ “trứng nước” thành sản phẩm hoàn thiện. (trên thế giới có 2 trang web nổi tiếng trong lĩnh vực này là Indiegogo và Kickstarter).

superstrata indiegogo.jpg
Dự án sản xuất xe Superstrata trên Indiegogo

Nhờ sự nổi tiếng của bà mà các nhà đầu tư trong nước và những người yêu thích công nghệ đã rất hưởng ứng với 2 mẫu xe đạp được bà miêu tả là siêu nhẹ, siêu cứng, “chấp cả xe máy”. Họ đã bỏ tiền vào dự án và hy vọng nhận lại được sản phẩm hoàn chỉnh với nhiều tính năng ưu việt.

Tính cho đến khi dự án đóng cửa, hai vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đã nhận được hơn 7 triệu USD từ các nhà đầu tư trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nguồn khác. Để triển khai sản xuất xe đạp, tháng 1/2021, hai vợ chồng bà đã mở xưởng tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.

Vậy kết quả của dự án này như thế nào? Một số người nhận được xe đạp sau khi đặt mua xe với giá từ 2.800 USD cho tới 3.500 USD (khoảng 65 triệu đến 82 triệu đồng) đã phải thốt lên rằng chất lượng quá tệ, không xứng đáng với số tiền bỏ ra. Các chi tiết trên xe được chế tạo, lắp ráp rất cẩu thả, một số linh kiện nhìn rất rẻ tiền.

Anh Trần Hiệp, người sáng lập và là admin diễn đàn Tinh tế là một trong những người đầu tiên mua xe Superstrata. Anh đã rất háo hức khi nhận được xe, nhưng khi mở hộp và lắp ráp thì anh Hiệp đã “ngã ngửa” bởi chất lượng của xe quá tệ, sử dụng nhiều linh kiện rẻ tiền. Anh thậm chí không thể lắp được bánh trước vào khung xe, vì trục ti to hơn ổ trục trên bánh xe.

Anh Hiệp nói rằng “rõ ràng nhà sản xuất đã không ráp thử, kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng”.

xe superstrata loi 3.jpg
Xe không lắp được bánh vì trục ti quá to
xe superstrata loi 1.jpg
Lỗi đi dây trên xe

Mặc dù sau đó một người bạn của anh có mang xe đi sửa trục ti để có thể lắp được bánh xe, nhưng anh vẫn khuyến cáo không nên chạy xe vì chất lượng xe rất tệ, có thể gây nguy hiểm trong quá trình vận hành. Anh đã có bài viết chia sẻ về chiếc xe này trên diễn đàn Tinh tế.

Đặc biệt, một số người dùng cho biết sau khi email để phản ánh chất lượng của xe hoặc yêu cầu trả xe - hoàn tiền tới nhà sản xuất thì không hề được phản hồi. Sau khi giao hàng xong, nhà sản xuất này “đem con bỏ chợ”.

xe superstrata loi 2.jpg
Phần công tắc xe kém hoàn thiện, linh kiện rẻ tiền

Có hay không việc “lùa gà”?

Nhiều người dùng bất bình khi hay tin dự án xe đạp Superstrata của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đóng cửa. Họ đã bỏ tiền để mua xe đạp vì tin vào uy tín của bà Trang nhưng kết quả là nhận được một sản phẩm khá tệ, thậm chí nhiều người cho đến nay còn chưa nhận được xe. Trên topic về xe Superstrata trên trang Indiegogo, có rất nhiều người nước ngoài thắc mắc vì sao họ đã bỏ tiền vào dự án mà đến giờ vẫn chưa nhận được xe.

Sự việc này đã làm nổ ra những tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam. Nhiều người cho rằng vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đã “lùa gà”, nhưng cũng có một số người bênh vực, nói rằng những nhà sáng lập dự án đã quá tin tưởng vào khả năng thành công của mình mà không hình dung được những khó khăn trong việc sản xuất xe đạp bằng composite sợi carbon – loại vật liệu ít kết dính khi in 3D, cũng như sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Để trả lời dư luận về việc mình có “lùa gà” hay không, bà Trang đã xuất hiện duy nhất trên tờ Thanh Niên để trả lời phỏng vấn. Có 2 vấn đề mà chúng tôi thấy cần phải lưu ý trong bài trả lời phỏng vấn của bà.

Thứ nhất, bà Trang nói rằng mọi người đã không tìm hiểu kỹ về trang web Indiegogo và các dự án đưa lên đó. “Dự án gọi vốn cộng đồng là nơi các công ty khởi nghiệp, các nhóm nghiên cứu đưa ra một ý tưởng sản phẩm (chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng), kêu gọi cộng đồng “tài trợ” cho dự án, nghĩa là tặng cho dự án một khoản tiền…Các “nhà tài trợ” này trước khi ủng hộ tiền, đều đã đồng ý với Indiegogo, họ hiểu đây là những khoản tài trợ” - trích phần trả lời phỏng vấn.

Như vậy, bà Trang nói rằng những người bỏ tiền vào dự án chỉ là những nhà tài trợ, không phải người mua xe, và khi sản phẩm được hoàn thiện thì công ty sẽ tặng sản phẩm cho nhà tài trợ. “Sản phẩm Avero cho đến thời điểm này (3 tháng 7 năm 2023 – thời điểm bà Trang trả lời phỏng vấn – PV) vẫn còn là sản phẩm trong giai đoạn R&D, chưa đến được giai đoạn thương mại hóa”, bà nói.

Những điều bà Trang nói về nhà tài trợ hoàn toàn khớp với chính sách của Indiegogo, tuy nhiên có nhiều bằng chứng cho thấy bà Trang đã có những hành động trái ngược hẳn với những gì tuyên bố trên tờ Thanh Niên.

Cụ thể, ngày 16 tháng 6 năm 2020, tức là thời gian đầu phôi thai cho dự án này, trên facebook cá nhân, bà đã mời chào mọi người mua sản phẩm. Bà dùng từ ngữ là “mua bán” chứ không phải là “tài trợ” như đã phát biểu trên tờ Thanh Niên.

christy le 1.jpg

Ngày 13 tháng 7 năm 2020, một người có tên là Naomi Nguyen đã nhận được email mời mua xe với giá rẻ.

christy le 2.jpg

Ngày 9 tháng 10 năm 2020, trên facebook cá nhân, bà Trang quảng cáo bán xe Superstrata giảm giá 50% trong vòng 24 giờ.

christy le 3.jpg

Với một chiếc xe vẫn còn chưa hoàn tất chu trình gọi vốn trên Indiegogo, và vẫn còn trong giai đoạn R&D như bà Trang đã trả lời phỏng vấn trên Thanh Niên, tại sao bà đã rao bán và mời mọi người bỏ tiền mua xe ngay từ đầu?

Thứ hai, trả lời trên Thanh Niên, bà Trang cho biết đã giao xe cho 100% các nhà tài trợ có địa chỉ giao nhận tại Việt Nam, tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 4% các nhà tài trợ dự án của bà trên Indiegogo. Còn hơn 3.000 tài trợ nước ngoài bao giờ được nhận xe và liệu có được nhận xe không, bà chưa cho biết.

Rõ ràng, dự án của bà Trang đã làm đúng chính sách của Indiegogo, nhưng vợ chồng bà đã làm mất đi lòng tin của nhiều nhà đầu tư khi họ từng hồ hởi, hy vọng nhận được một sản phẩm chất lượng.

Được biết, một năm sau khi dự án Superstrata đưa lên Indiegogo, ông Sonny Vũ cũng có một dự án tương tự khác trên trang này là dự án sản xuất xe scooter có tên Scotsman, hiện cũng đã bị khóa gọi vốn.

Nhận xét về dự án này, anh Trần Hiệp nói rằng, ban đầu anh nghĩ vợ chồng họ đã không làm được cái xe như họ mong muốn. Nhưng sau khi có thông tin về dự án tương tự của ông Sonny Vũ, anh Hiệp chia sẻ: “tôi không tin rằng đây là một startup sản xuất công nghệ để bán”.