3 lần khởi nghiệp đáng nhớ của ông Sonny Vũ, chồng bà Lê Diệp Kiều Trang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) trước đây đã từng khởi nghiệp nhiều lần và nổi tiếng với startup Misfit được bán với mức giá 260 triệu USD.

Ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang (Ảnh: Google)
Ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang (Ảnh: Google)

Không "xuôi chèo mát mái" như những dự án trước đó, dự án xe đạp Superstrata và xe scooters Scotsman của ông Sonny Vũ - chồng bà Lê Diệp Kiều Trang bị trang gây quỹ cộng đồng Indiegogo khóa không cho chạy gọi vốn để xác minh các cáo buộc từ người dùng.

Được biết, trước khi vướng phải những tai tiếng này, ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) đều là 2 cái tên máu mặt gắn liền với một số startup công nghệ.

Bà Trang có bố là ông Lê Văn Trí - Phó tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam và anh trai Lê Trí Thông - CEO Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Bà Trang còn có thời gian ngắn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Facebook Việt Nam và Go-Viet.

Ông Sonny Vũ cũng là doanh nhân nổi tiếng trong làng khởi nghiệp, đặc biệt tại Thung lũng Silicon, với một số dự án thành công. Trong đó, nổi bật nhất là thương vụ bán startup thiết bị theo dõi sức khoẻ Misfit cho Fossil Group với mức giá 260 triệu USD.

Ba lần khởi nghiệp "để đời" của ông Sonny Vũ

Sonny Vũ, sinh năm 1973 ở Long Xuyên. Ông rời Việt Nam cùng gia đình năm vào 1979. Ông tốt nghiệp bằng đôi về Toán học và Ngôn ngữ học tại ĐH Illinois nhánh Urbana-Champaign.

Có lẽ do “máu kinh doanh” luôn căng tràn nên khi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT Mỹ), ông đã bỏ dở việc học để khởi nghiệp nhưng nhanh chóng thất bại.

Sau lần khởi nghiệp đầu không thành công vào năm 1996, Sonny Vũ quyết định trở lại làm kỹ sư phần mềm cho Microsoft. Tuy nhiên, công việc tại tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới không đem lại đủ sức hấp dẫn và ông quyết định từ bỏ công việc để quay trở lại trường MIT học tiếp.

Không lâu sau đó, ông lại từ bỏ việc học tại MIT để thành lập một startup mang tên FireSpout cùng với một người bạn Ấn Độ (Sridhar Iyengar). FireSpout là một công ty phần mềm chuyên xử lý ngôn ngữ, có thể được coi là một trong những giải pháp sơ khai đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP).

“Đó là một bước khởi đầu ngu xuẩn. Mình đã đổ bao nhiêu tiền vào đó. Có điều công nghệ này đã bán được”, ông Sonny Vũ chia sẻ về “đứa con” đầu lòng của mình. Ông bán công nghệ FireSpout cho một tập đoàn lớn năm 2001 sau khi đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học ở MIT.

Bán FireSpout, ông lại cùng người bạn đại học cũ là Sridhar Iyengar lập Công ty AgaMatrix.

Đây là công ty dược phẩm và thiết bị y tế có trụ sở tại New Hampshire, tập trung vào sản xuất các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe và đo lường đường huyết như máy đo đường huyết, ứng dụng di động để quản lý đường huyết cho người mắc bệnh tiểu đường.

Được biết, sau gần 6 năm, công ty đã có lãi với doanh thu gần 100 triệu USD. Bên cạnh đó, AgaMatrix cũng phân phối khoảng 4 triệu sản phẩm sang 20 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, đến năm 2011, ông Sonny Vũ tiếp tục rời khỏi vị trí quản lý AgaMatrix, dù vẫn là cổ đông lớn, để thành lập công ty của riêng mình - Misfit Wearables. Đồng sáng lập cùng ông vẫn là người bạn nhập cư gốc Ấn Sridhar và John Sculley - cựu tổng giám đốc của tập đoàn máy tính Apple và nước giải khát Pepsi.

Dự án làm nên tên tuổi của Sonny Vũ

Misfit Wearables chuyên sản xuất các thiết bị đeo như đồng hồ thông minh, vòng tay và các sản phẩm theo dõi sức khỏe và hoạt động thể chất. Công ty cũng chuyên nghiên cứu và chế tạo những phụ kiện y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động.

Vào năm 2012, Misfit quyết định tiến hành một chiến dịch gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho sản phẩm Shine - một thiết bị đeo thông minh có khả năng theo dõi và đo đạc các chỉ số sức khỏe. Công ty đã đăng sản phẩm lên trang web Indiegogo để gọi vốn.

Dù Indiegogo không phổ biến như hiện nay, nhưng chỉ sau 10 giờ đăng tải, dự án đã đạt được mục tiêu ban đầu là 100.000 USD. Khi kết thúc thời gian gọi vốn, Misfit Shine đã thu hút được số vốn lên đến 846.000 USD từ gần 8.000 người ủng hộ.

Nhờ thành công của dự án trên Indiegogo, Misfit đã thu hút được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu. Công ty đã thu về 7,6 triệu USD trong vòng gọi vốn giai đoạn A.

Vào đầu năm 2013, Shine chính thức được giới thiệu đến người tiêu dùng với mức giá 79 USD. Chỉ trong vài tháng, hàng trăm nghìn sản phẩm Shine đã được bán ra tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Trước khi bán với mức giá 260 triệu USD vào cuối năm 2015 cho Fossil Group - tập đoàn lớn sở hữu các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Fossil, Michael Kors, Diesel, Emporio Armani..., Misfit cũng từng huy động được gần 64 triệu USD sau 3 vòng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm như Khosla Ventures, Founders Fund, Norwest Venture Partners và GGV Capital.

Sau thương vụ này, ông Sonny được bổ nhiệm làm giám đốc công nghệ tại tập đoàn Fossil. Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng có thời gian điều hành Misfit trên cương vị giám đốc tài chính.

Thành lập quỹ đầu tư Alabaster

2 năm sau đó, ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang quyết định thành lập một quỹ đầu tư chuyên tìm kiếm các startup tập trung vào công nghệ có tính nền tảng (deep tech) có tên Alabaster.

Không giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm khác, Alabaster là một "cuộc chơi" để thoả mãn niềm đam mê công nghệ của ông Sonny Vũ và vợ mình nhiều hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Cũng vì thế, ngoài việc tìm kiếm cơ hội ở nhiều startup công nghệ trên khắp thế giới, ông và vợ trực tiếp tham gia điều hành một số startup để có thể tận dụng các kinh nghiệm, kỹ năng cũng như mạng lưới quan hệ được tích luỹ trong nhiều năm và giúp cho các công ty này cất cánh.

Kể từ khi thành lập, Alabaster đã đầu tư vào 35 startup công nghệ ở nhiều nước trên thế giới và có vài công ty đạt được thành công lớn. Ngoài Perfect Day, một công ty có phát triển đột biến trong dịch Covid-19 là Neteera – startup tạo ra công nghệ có thể phát hiện người mắc Covid-19 từ xa mà không cần que thử nước bọt hay lấy máu. Neteera do Issac Litman làm founder kiêm CEO. Doanh nhân này trước đây là nhà sáng lập kiêm CEO của Mobileye - một trong những startup công nghệ thành công nhất trong lịch sử của Israel.

Mặc dù thành công với Alabaster khi đầu tư vào những startup công nghệ deep tech, nhưng ông Sonny Vũ chia sẻ "thích tự làm hơn vì đầu tư không tạo ra ảnh hưởng trực tiếp nhiều như khi mình làm".