Phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí Ukraine, ông Putin đưa ra 3 điều kiện giải quyết khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nước phương Tây đang tăng cường trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraine; trong khi đó qua điện đàm với Tổng thống Pháp, ông Putin đã đưa ra các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Canada cung cấp cho Ukraine các vũ khí chống tăng (Ảnh: Đông Phương).
Canada cung cấp cho Ukraine các vũ khí chống tăng (Ảnh: Đông Phương).

Các nước phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, có thêm các nước Na Uy, Phần Lan và Canada tuyên bố cung cấp vũ khí hỗ trợ Ukraine. Trong đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 28/2 cho biết Canada sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng và đạn dược nâng cấp, đồng thời sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.

Ông Trudeau nói với các phóng viên ở Ottawa rằng Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại các lực lượng Nga và lưu ý rằng dầu thô chiếm tới hơn một phần ba tổng thu ngân sách liên bang của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand tuyên bố Canada sẽ gửi 100 hệ thống vũ khí chống tăng Carl Gustav và 2.000 tên lửa cho Ukraine. Chính phủ Na Uy cũng đã đưa ra tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ sẽ tài trợ Ukraine 2.000 hỏa tiễn chống tăng M72. Chính phủ Phần Lan hôm 28/2 cho biết sẽ gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine, bao gồm 2.500 súng trường tấn công, 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 gói khẩu phần lương thực.

Quốc hội Ukraine hôm thứ Hai (28/2) thông báo trên Twitter rằng các nước châu Âu sẽ gửi tặng 70 máy bay chiến đấu cho Ukraine, bao gồm 28 máy bay chiến đấu MiG-29 từ Ba Lan, 12 chiếc từ Slovakia, 16 chiếc từ Bulgaria và 14 máy bay chiến đấu Su-25 từ Bulgaria. Ukraine đã cử các phi công đến Ba Lan để tiếp nhận máy bay.

Thủ tướng Canada Trudeau tuyên bố ủng hộ Ukraine chống Nga (Ảnh: Đông Phương).

Thủ tướng Canada Trudeau tuyên bố ủng hộ Ukraine chống Nga (Ảnh: Đông Phương).

Canada là nước sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới, nhưng phần lớn lượng dầu được sản xuất ở tỉnh Alberta. Theo Thống kê của Canada vào năm ngoái nước này đã nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga trị giá 289 triệu đô la Canada. Một nguồn tin chính phủ tiết lộ rằng lệnh cấm hiện chỉ áp dụng đối với dầu thô của Nga, bước tiếp theo sẽ là xem xét các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ. Hiệp hội Nhiên liệu Canada cho biết, các nhà máy lọc dầu ở miền Đông sẽ nhập khẩu dầu trên thị trường tại chỗ và cũng sẽ nhập khẩu nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngừng để bảo dưỡng.

Ngoài ra, chính phủ Canada cũng yêu cầu cơ quan quản lý phát thanh, truyền hình và viễn thông độc lập của Canada cấm cơ quan truyền thông Russia Today (RT) của nhà nước Nga.

Thụy Sĩ từ bỏ lập trường trung lập, tham gia trừng phạt Nga

Ngày 28 tháng 2, Chính phủ Thụy Sĩ đã tổ chức một cuộc họp báo nói rằng họ đã rút lại lập trường trước đây và quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga giống như EU. Với quyết định này, Thụy Sĩ sẽ phong tỏa tài sản của 363 cá nhân và 4 doanh nghiệp Nga. Trong Danh sách những người bị trừng phạt bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov…quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer thông báo tại cuộc họp báo việc phong tỏa ngay lập tức tài sản của tất cả các cá nhân và thực thể Nga trong danh sách trừng phạt của EU. Thụy Sĩ sẽ áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu, xuất khẩu và đầu tư của Thụy Sĩ sau khi Nga sáp nhập Crimea mở rộng sang hai khu vực ở miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk.

Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Ignazio Cassis (Ảnh: AP).

Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Ignazio Cassis (Ảnh: AP).

Trước đó, Thụy Sĩ dường như vẫn do dự áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hành động của Nga đối với Ukraine và họ đã phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu và Mỹ trong nhiều ngày qua.

Ngoại trừ Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (UDC), hầu hết các đảng phái chính trị ở Thụy Sĩ đều yêu cầu chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga.

Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Ignazio Cassis trước đó đã dự báo rằng Thụy Sĩ rất có khả năng sẽ làm theo EU vào ngày 28/2, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và phong tỏa tài sản của Nga tại nước này.

Ông Cassis đã chỉ ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông rằng Hội đồng Liên bang đã tổ chức cuộc họp vào ngày 28/2 để nghiên cứu các khuyến nghị do các bộ phận liên quan đưa ra.

Khi được hỏi liệu Thụy Sĩ có tiếp bước EU trong việc phong tỏa tài sản của Nga hay không, Tổng thống Cassis cho biết chính phủ có thể đưa ra quyết định vào thời điểm đó, nhưng rất khó để dự đoán một quyết định vẫn chưa được đưa ra.

Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường, chỉ trích Nga gây chiến tranh

Ukraine trước đây đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chặn sự xâm nhập của tàu Nga vào Biển Đen để ngăn đối phương đánh phá bờ biển phía nam bằng đường biển, nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27/2 đã làm rõ lập trường, chỉ trích Nga xâm phạm Ukraine là đã chính thức gây nên chiến tranh, đồng thời viện dẫn các điều khoản của công ước quốc tế để bịt chặn con đường thủy chiến lược quan trọng.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chỉ trích Nga gây chiến tranh (Ảnh: Getty).

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chỉ trích Nga gây chiến tranh (Ảnh: Getty).

Trong vài ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thận trọng nói rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là không thể chấp nhận được. Cho đến ngày 27/2, khi trả lời phỏng vấn của truyền thông nước ngoài, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hy vọng hai nước Nga-Ukraine đàm phán, nhưng mô tả Nga không chỉ phát động các cuộc không kích, bây giờ tình hình ở Ukraine là một cuộc chiến tranh, và tuyên bố sẽ thực thi Công ước Montreux của luật pháp quốc tế.

Được biết, có ít nhất 6 tàu mặt nước và một tàu ngầm của Nga đã đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này. Theo công ước, các quốc gia ký kết có thể kích hoạt điều khoản hạn chế tàu bè qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc bị đe dọa. Tuy nhiên, ông Cavusoglu nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể ngăn cản tất cả các tàu đi qua eo biển, chẳng hạn như các tàu quay trở lại căn cứ của họ hoặc được miễn trừ khỏi công ước này.

Vòng đàm phán đầu tiên Nga-Ukraine ngày 28/2 kết thúc mà không đạt kết quả gì (Ảnh:AP).

Vòng đàm phán đầu tiên Nga-Ukraine ngày 28/2 kết thúc mà không đạt kết quả gì (Ảnh:AP).

Tổng thống Nga Putin điện đàm với Tổng thống Pháp, đưa ra 3 điều kiện giải quyết khủng hoảng

Theo hãng thông tấn TASS, ngày 28/2 theo giờ địa phương tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi qua điện thoại. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã trao đổi về tình hình Ukraine hiện nay.

Ông Macron nói rằng trong tình hình đàm phán giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu, ông hy vọng rằng Nga ngừng mọi cuộc tấn công vào dân thường và nhà cửa của họ; giữ lại tất cả các cơ sở dân sự và đảm bảo an toàn cho các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là ở phía nam của Kiev. Ông Macron cũng yêu cầu ông Putin tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và cho phép phân phát viện trợ hàng hóa cho người dân. Ông Putin bày tỏ sẵn sàng cam kết thực hiện ba điểm này.

Ông Putin nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở xem xét vô điều kiện các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga, bao gồm việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành việc phi quân sự hóa và 'phi phát-xít hóa' Ukraine, và đảm bảo tính trung lập của nước này. Chỉ trên các điều kiện đó mới có thể hóa giải được cuộc khủng hoảng hiện nay. Các nhà quan sát cho rằng, các điều kiện này vẫn là lập trường trước nay của Nga, khó có thể được phía Ukraine chấp nhận.

Ông Putin cũng nói rằng các lực lượng vũ trang Nga không đe dọa dân thường hoặc nhắm mục tiêu vào các cơ sở dân sự.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng quân đội Nga không nhằm vào các thành phố của Ukraine, mà là muốn phá hủy các cơ sở quân sự của Ukraine thông qua các đòn tấn công chính xác, vì vậy không có mối đe dọa nào đối với dân thường Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron, ông Putin đã đưa ra 3 điều kiện cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay (Ảnh: Ifeng).

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron, ông Putin đã đưa ra 3 điều kiện cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay (Ảnh: Ifeng).

Trước đó, Nga và Ukraine đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Gomel, Belarus. Trong khi đàm phán, phía Ukraine kêu gọi rút toàn bộ quân đội Nga ra khỏi Ukraine, bao gồm cả khỏi Crimea và Donbass. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, phía Nga đã bày tỏ lập trường và các điều kiện để kết thúc chiến tranh, họ cũng nhận được một số tín hiệu từ đó. Khi phái đoàn Ukraine trở lại Kyiv, sẽ đánh giá các lập trường và điều kiện này, lúc đó họ sẽ xác định cách thức tiến hành vòng đàm phán thứ hai.

Sau vòng đàm phán đầu tiên, ông Podoljak, một cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã tiết lộ trên mạng xã hội rằng cuộc đàm phán Nga-Ukraine đang tiến triển khó khăn và cáo buộc Nga có thành kiến. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng trả lời rằng cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.