Thư ký Truyền thông của phủ tổng thống Herminio Coloma Jr. nói: “Việc Philippines tham gia vào thủ tục trọng tài quốc tế của tòa trọng tài chính là sự tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc nêu trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, UNCLOS. Điều này là vì đất nước chúng tôi thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên các quy định nhằm giải quyết một cách hòa bình các vấn đề liên quan đến các tuyên bố về chủ quyền biển ở Biển Đông.
Từ góc độ của chúng tôi, là một phần của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc có thể cho thấy họ tuân thủ UNCLOS, mà họ là một bên ký kết, thông qua việc tham gia vào việc phân xử trọng tài.”
Ông Coloma nói Philippines không đơn độc khi tin rằng nước này có đủ cơ sở pháp lý để nộp đơn khiếu nại lên tòa trọng tài. Theo ông, nhiều nước kể cả Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy các nguyên tắc hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, và chống lại điều mà họ gọi là “những hành động dọa nạt, cưỡng ép hay khiêu khích đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và tăng căng thẳng” ở Biển Đông.
Trung Quốc đã một mực từ chối tham gia cuộc phân xử theo đơn khiếu nại của Philippines. Bắc Kinh ngang nhiên cho rằng tòa trọng tài quốc tế đã lạm quyền và hành xử không công bằng khi nhận đơn.
Đơn của Philippines đề nghị phân xử 3 việc: làm rõ tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc ôm lấy một vùng rộng lớn ở Biển Đông; quy chế của những thực thế Trung Quốc chiếm đóng như các bãi cạn và các quyền hàng hải của chúng, và các hoạt động của Trung Quốc trong những nơi Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Cùng ngày 15/5, cũng từ Philippines, lại có một tín hiệu trái ngược. Người nắm phần chắc sẽ thành tổng thống đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte nói ông muốn có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và xác nhận ông cởi mở với việc đối thoại trực tiếp về tranh chấp lãnh thổ đã làm tổn hại quan hệ song phương.
Ông Duterte cũng công bố rằng Đại sứ Trung Quốc ở Manila sẽ là một trong 3 đại sứ nước ngoài đầu tiên ông dự định sẽ gặp hôm 16/5 sau khi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/5. Ngoài đại sứ Trung Quốc, ông dự định sẽ gặp đại sứ Nhật. Không rõ đại sứ thứ 3 sẽ là ai, còn ông Duterte nói đó không phải là đại sứ Mỹ.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong nhiệm kỳ 6 năm của ông Aquino, người sắp mãn nhiệm, vì những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau ở Biển Đông. Trung Quốc đòi chủ quyền ngang ngược đối với gần như toàn bộ vùng biển, thậm chí Bắc Kinh yêu sách cả những nơi sát bờ biển của Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á khác.
Để đáp trả, chính phủ của ông Aquino đã ký một hiệp định quốc phòng mới với Mỹ và khiếu nại về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra tòa trọng tài. Ông Aquino cũng từ chối đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.