Phụ nữ Việt có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin không?

VietTimes -- Hiện nay, số phụ nữ tại Việt Nam tham gia vào ngành công nghệ thông tin đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, không ít người vẫn hoài nghi liệu phụ nữ có thể đảm đương tốt công việc liên quan đến lĩnh vực này hay không? Những chia sẻ từ các nữ CEO thành công dưới đây sẽ phần nào giải đáp thắc mắc này.

“May mắn thay, trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến những bước chuyển biến đáng kể trong xã hội; thế hệ trẻ được khuyến khích để theo đuổi ước mơ, bất kể giới tính. Và nhiều phụ nữ đang được trao cơ hội để trở thành hình mẫu”, chị Lê Hoàng Yến Vy, Đối tác chung của ESP Capital.

Phụ nữ Việt có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin không? ảnh 1

 

Đam mê công nghệ thông tin từ khi còn trẻ, 13 tuổi, chị đã thành lập TmSpeed Network, chuyên thiết kế web và trao đổi dịch vụ lưu trữ (hosting). Năm 2009, chị thành lập Chon.vn và trở thành CEO, phát triển trang web thành một trong những trung tâm mua sắm thời trang trực tuyến phổ biến nhất Việt Nam. Từ năm 2014 đến 2017, chị làm việc trên cương vị Giám đốc điều hành của Adayroi.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam tạo ra doanh thu 150 triệu USD/năm.

Chia sẻ về lý do rời Adayroi, chị Vy cho biết: “Nếu ở Mỹ, một startup triển vọng thường mất 7 năm để hóa “kỳ lân”. Ở Trung Quốc, thời gian thậm chí còn ít hơn, khoảng 4-5 năm. Trong khi đó, để hóa “kỳ lân” startup Việt Nam mất tới 15 năm, chúng tôi chưa từng chứng kiến kỳ lân công nghệ nào xuất hiện ngoại trừ VNG Corporation”. “Động lực của tôi là mong muốn hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, để chúng tôi có thể khám phá thêm nhiều kỳ lân trong tương lai”, chị Vy nói thêm.

Thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chị Vy cũng không phủ nhận thực tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức khác nhau liên quan đến bất bình đẳng giới và định kiến. Phụ nữ thường tập trung vào chăm sóc gia đình và con cái; và không tập trung quá nhiều để phát triển sự nghiệp. Điển hình trong lĩnh vực kinh doanh, nam giới luôn áp đảo. Tất cả những chuẩn mực xã hội này cản trở phụ nữ theo đuổi đam mê và kìm hãm khả năng của họ.

“May mắn thay, trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến những bước chuyển biến đáng kể trong xã hội; thế hệ trẻ được khuyến khích để theo đuổi ước mơ, bất kể giới tính. Và nhiều phụ nữ đang được trao cơ hội để trở thành hình mẫu”, chị Yến Vy nhận xét.

Để xóa bỏ định kiến về phái nữ trong ngành công nghệ thông tin, chị Vy khuyên phụ nữ nên chiến thắng chính bản thân mình. “Mỗi chúng ta, đàn ông hay phụ nữ, đều có những khuyết điểm riêng. Điều quan trọng nhất để thành công là mong muốn khắc phục được những nhược điểm và phát triển ưu điểm mỗi ngày”, “Tôi nghĩ rằng thay vì luôn bị ám ảnh về sự bất bình đẳng, phụ nữ nên tận dụng mọi cơ hội có sẵn để kiên tri học hỏi những kỹ năng mới và tự hoàn thiện bản thân”, chị Vy khẳng định.

Theo quan điểm của chị Yến Vy, thành công là sản phẩm của đam mê và nỗ lực. Do đó, chìa khóa cho những người phụ nữ khao khát thành công là kiên trì với mục tiêu đặt ra.

Câu châm ngôn tâm đắc luôn theo chị trong suốt quá trình thành công: “Điều thực sự khác biệt giữa các doanh nhân thành công so với phần còn lại là họ kiên trì như thế nào để đạt được mục tiêu của mình”. Đây cũng là lời nhắn nhủ của nữ doanh nhân đến với các bạn trẻ có đam mê trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

"Nếu phụ nữ có thể cân bằng được giữa gia đình và công việc cũng như bản thân có đam mê với công việc, không tự ti vì mình là con gái thì hoàn toàn phụ nữ có thể đảm đương tốt không kém gì nam giới”, CEO Trang Đào (vaymuon.vn).

Phụ nữ Việt có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin không? ảnh 2

 

Không theo chuyên ngành công nghệ thông tin, CEO Trang Đào đã bén duyên với lĩnh vực này qua quá trình làm việc ở vị trí marketing và yêu thích các sản phẩm công nghệ của NextTech. Nhờ niềm đam mê và sự sáng tạo, chị được tin tưởng và đảm nhận vị trí điều hành vaymuon.vn.

Nữ CEO trẻ tâm sự với phóng viên: “Có nhiều kỉ niệm gắn bó với tôi trong suốt thời gian đó. Nhớ nhất có lẽ là lúc tôi mới bước chân vào lĩnh vực công nghệ thông tin, vì trước đó tôi học trái ngành. Lúc đầu rất bỡ ngỡ, tôi đã phải học thêm rất nhiều, từ những thứ cơ bản, nhỏ nhất. Tuy nhiên, điều đó càng kích thích trí tò mò và ước muốn chinh phục trong tôi cao hơn”.

Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, nữ CEO 8X bộc bạch: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nam cũng như nữ, mỗi giới đều có những khó khăn và thuận lợi riêng. Tôi nhận thấy, xu hướng chung là chúng ta phải tự mình học hỏi, rút ra kinh nghiệm để thích ứng và bắt kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin, bởi ngành này đòi hỏi nhiều ý tưởng đột phá và kĩ năng update nhanh chóng. Đó là cái tôi nghĩ những người làm trong ngành công nghệ thông tin phải cố gắng thích ứng nhanh, nhanh nhạy là điều rất quan trọng”.

Theo thống kê, quan niệm về phân biệt giới trong ngành nghề ở nước ngoài ít hơn ở Việt Nam. Ở nước ta, tỉ lệ nữ giới tham gia vào các công việc như quản lý, công tác xã hội, công nghệ thông tin chưa cao, nhất là những công việc có vai trò lãnh đạo. “Tuy nhiên, tôi nghĩ đây chỉ là xu thế thôi, còn nếu phụ nữ có thể cân bằng được giữa gia đình và công việc cũng như bản thân có đam mê với công việc, không tự ti vì mình là con gái thì hoàn toàn phụ nữ có thể đảm đương tốt không kém gì nam giới”, CEO Trang Đào khẳng định.

Theo chị Trang, mỗi giới đều có một thế mạnh riêng. Trong khi nam giới phần lớn có khả năng học hỏi mày mò nhiều hơn về công nghệ, sự mạnh mẽ quyết đoán, phụ nữ thông thường sẽ thiên về sự khéo léo, tâm lý. “Đó là nhận định chung, theo tôi điều này còn tùy vào tính cách từng người nữa, ví dụ tôi lại là người khá quyết đoán trong công việc”, nữ CEO chia sẻ.

Đặc thù công nghệ thông tin là một ngành nghề khá vất vả, phải đầu tư thời gian rất nhiều. “Nếu muốn trở thành chuyên gia giỏi thì càng cần đầu tư thời gian hơn nữa, update các xu hướng mới. Đặc biệt đối với phái nữ, tôi mong muốn các bạn mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và không bao giờ bỏ cuộc khi đã chọn và xác định được những gì mình yêu thích”, CEO Trang Đào nhắn nhủ tới những bạn trẻ có cùng đam mê.

“Nếu chúng ta đừng quá suy nghĩ và đặt nặng vấn đề thì hoàn toàn nữ giới cũng có thể đảm đương tốt vai trò quản lý trong ngành kỹ thuật. Hơn nữa, phái nữ có thể tận dụng những thế mạnh vốn có như sự kiên trì, mềm mỏng trong cách quản lý điều hành công việc”, CEO Tố Linh (iFind.vn).

Phụ nữ Việt có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin không? ảnh 3

 

Trước khi bắt tay khởi nghiệp iFind, chị Tố Linh từng là chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ giày dép thời trang. “Ban đầu là 9 cửa hàng sau đó thu hẹp dần vì những lý do liên quan đến đầu ra và giải quyết hàng tồn kho. Đó cũng là vấn đề chung của rất nhiều nhà bán lẻ và từ đó tôi đã nhận ra tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào kinh doanh”, chị chia sẻ.

Chưa từng theo học ngành công nghệ thông tin, nữ CEO đã cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để có hiểu biết nhất định phục vụ công việc, bao gồm công việc điều hành và trao đổi với các cộng sự. Nhờ vào những kinh nghiệm đáng quý trong khoảng thời gian kinh doanh cùng với 10 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chị đã sáng lập và phát triển ứng dụng cung cấp ưu đãi và hoàn tiền mang tên iFind.

Nữ CEO đầy tài năng tâm sự: “Quan niệm Việt là người phụ nữ phải vừa lo gia đình, vừa lo công việc. Tôi nghĩ làm ngành nào người phụ nữ cũng gặp khó khăn cả. Nếu chúng ta vô tình đặt thêm áp lực cho chính mình, càng đặt tiêu chuẩn cao thì khó khăn càng lớn, nhất là thiếu sự hỗ trợ, ủng hộ từ phía gia đình”.

Về đặc thù ngành công nghệ thông tin, nhiều người nghĩ rằng phụ nữ không phù hợp vì cường độ công việc cao và đòi hỏi nhiều kĩ năng. Chị cũng thừa nhận, phụ nữ làm trong lĩnh vực này sẽ phải nỗ lực rất nhiều so với nam giới và có thể gặp những cản trở nhất định. “Ví dụ nhỏ, sau giờ làm việc 2 người đồng nghiệp nam có thể kéo nhau đi nhậu hoặc chia sẻ những sở thích đàn ông với nhau để thấu hiểu và dễ hợp tác với nhau hơn. Trong khi đó phụ nữ còn nhiều thứ phải lo cho gia đình, và khó thể gần gũi với cấp dưới, đồng nghiệp theo cách như thế. Trong ngành công nghệ thông tin, yếu tố con người lại rất quan trọng. Gần gũi, thấu hiểu nhau, hợp tác tốt là điều rất thuận lợi. Vô hình chung, nữ giới luôn có những rào cản nhất định để ‘cháy’ hết mình cùng công việc”.

Tuy nhiên theo CEO Tố Linh, ngành này cũng có một số thuận lợi nhất định nhờ tiến bộ khoa học công nghệ. “Nếu đã quen với môi trường công nghệ thông tin, chúng tôi có thể ứng dụng những công cụ, tiện ích để tổ chức công việc từ xa. Điều này phần nào giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân”, CEO Tố Linh giải thích.

Nữ CEO cũng khẳng định thêm rằng khó khăn lớn nhất đối với nữ làm công nghệ thông tin là xuất phát từ chính mình.

“Nếu chúng ta đừng quá suy nghĩ và đặt nặng vấn đề thì hoàn toàn nữ giới cũng có thể đảm đương tốt vai trò quản lý trong ngành kỹ thuật. Hơn nữa, phái nữ có thể tận dụng những thế mạnh vốn có như sự kiên trì, mềm mỏng trong cách quản lý điều hành công việc. Vấn đề lớn nhất chính là khi nữ lãnh đạo lại coi trở ngại do giới tính là vấn đề. Cũng phải nói thêm, phái nam trong lĩnh vực này cũng gặp phải những khó khăn nhất định, biết đâu đàn ông họ cũng phải “đau đầu” để từ chối những lời mời ngoại giao để cân bằng với gia đình?” chị chia sẻ vui.

Nhắn gửi đến những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, CEO Tố Linh chia sẻ những bí quyết trong quá trình sáng lập và vận hành iFind: theo chị, “sản phẩm giải quyết được vấn đề trong xã hội”, “kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực mình theo đuổi”, “trang bị đủ tài chính và kiến thức quản lý tiền” là 3 điều kiện rất cần thiết mà không thể dựa dẫm vào bất kỳ ai.

“Cách đây 10 năm tôi có thể khẳng định mình khởi nghiệp không cần quá nhiều vốn, chỉ cần bù lại bằng sự khéo léo trong ngoại giao. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, muốn khởi nghiệp các bạn trẻ nên có một số vốn nhất định để thực sự toàn tâm toàn ý tạo ra một sản phẩm có giá trị và ứng dụng giải quyết được một vấn đề nào đó của cuộc sống”, chị Linh tâm sự. Bên cạnh đó, chị khuyên các bạn trẻ cần đủ độ “lì” để trải qua được các sóng gió và các thử thách trong công việc. Và nếu có thể, hãy tìm kiếm ít nhất một cộng sự để cùng phản biện, chia sẻ và tiếp sức trên con đường này.

Trên con đường khởi nghiệp luôn gặp vô vàn trắc trở. “Nếu có thể vượt qua những khó khăn này, nếu mình có thể đem lại sản phẩm có ích để giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì khi nhìn lại sẽ tự hào biết bao nhiêu”, câu “thần chú” mà nữ CEO Tố Linh luôn tâm niệm trong công việc để tự khích lệ bản thân cố gắng hơn.

“Thực ra nữ giới trong ngành nào cũng phải cố gắng nhiều hơn nam giới do tính chất công việc đòi hỏi cường độ lao động cao…Không có đường tắt đi tới thành công, ngoại trừ luôn theo đuổi đam mê và không từ bỏ mới có thể tiến xa trên con đường sự nghiệp”, CEO Phạm Khánh Linh (logivan.com)

Phụ nữ Việt có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin không? ảnh 4

 

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Khoa học tự nhiên của Đại học Cambridge, CEO của Logivan, Phạm Khánh Linh đã làm chuyên viên phân tích cho tập đoàn tài chính Goldman Sachs. Tuy nhiên, thay vì làm việc và định cư tại nước ngoài, nữ doanh nhân 9x đã quyết định quay về thực hiện dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Một năm làm việc trong nhà máy sản xuất của HP đã giúp CEO Khánh Linh đã nảy ra ý tưởng cho ra đời một công ty giải pháp giao vận.

Giải thích ý tưởng thành lập của Logivan, CEO Khánh Linh cho biết: “Sau một thời gian làm việc tại nhà kho HP, tôi nhận ra ngành vận tải rất phân mảnh”. Cụ thể, với các tuyến ngắn, lượng xe tải rỗng chiều về lên tới 90%. Với các tuyến xa hơn, tài xế cũng rất khó mới tìm được hàng chiều về. Nữ CEO nói thêm: “Vì vậy, nếu có một nền tảng kết nối giữa chủ xe và chủ hàng thì sẽ giảm thiểu tối đa lượng xe tải rỗng”.

Năm 2017, chị Phạm Khánh Linh đã hiện thực hóa ý tưởng thông qua ứng dụng Logivan. Về mặt công nghệ, công ty được cố vấn trực tiếp từ Giám đốc công nghệ và Giám đốc sản phẩm UBER tại Mỹ. Đối với chị, “nữ giới ngành nào cũng phải cố gắng nhiều hơn nam giới do tính chất công việc đòi cường độ cao”. Nhưng theo CEO Logivan, phụ nữ vẫn có khả năng thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả công nghệ thông tin. CEO Khánh Linh nhận định: “Công nghệ thông tin là ngành ít phụ nữ theo đuổi. Vì thể, mọi người thường cho rằng phụ nữ phải cố gắng hơn nam giới để thành công”.

Chị Khánh Linh cho rằng công nghệ thông tin không hề khó với tất cả những người có đam mê. Bí quyết của nữ CEO trẻ là “chú ý học hỏi” và “tập trung phát triển các kỹ năng”. CEO Logivan khẳng định: “Thành công là 99% nỗ lực và 1% tài năng”. Chị Linh nói thêm: “Không có đường tắt đi tới thành công, ngoại trừ luôn theo đuổi đam mê và không từ bỏ mới có thể tiến xa trên con đường sự nghiệp”.