Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu
Buổi lễ có sự tham dự của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành, các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung - Tây nguyên cùng đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Quảng Nam có biển, có núi, có rừng; có khu kinh tế mở đầu tiên; có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đường hàng không, đường thủy, đường sắt, đường bộ kết nối vùng rất thông suốt. Tỉnh cũng có một vị trí địa chính trị rất quan trọng, có thể sẽ là một địa phương ở trung tâm kết nối vùng trong tương lai gần.
Theo ông Trần Lưu Quang, Quảng Nam có nhiều thứ mà các địa phương khác không có. Đó là truyền thống, sự bất khuất anh hùng của người Quảng Nam, Sức mạnh tinh thần lớn lao mà Quảng Nam có được, giữ vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của mảnh đất này.
Bên cạnh đó, Quảng Nam còn sở hữu nền văn hóa lâu đời, có rất nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận. "Và theo tôi, điều còn quan trọng hơn đó là tính cách và sự quyết liệt dũng cảm, sự cần kiệm, chịu thương chịu khó, chịu học, chăm chỉ làm việc của Quảng Nam… Đây là nguồn lực quan trọng để tỉnh có sự bứt phá trong thời gian tới", Phó thủ tướng chia sẻ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập việc Quảng Nam được thiên nhiên ban tặng một lợi thế mà các địa phương khác không thể có, đó là sự đa dạng sinh học. Đây là tiềm năng để Quảng Nam phát triển du lịch, giữ được tài sản quý giá của quốc gia theo xu thế bền vững và thân thiện với môi trường.
"Một điều nữa, tôi nghĩ với ý thức của mình trong những năm đầu sau khi chia tách tỉnh, xác định ý thức về sự yếu kém của mình nên Quảng Nam rất chăm chút, chắt chiu, kêu gọi đầu tư, cố gắng tạo môi trường đầu tư thuận lợi và đồng hành cùng doanh nghiệp. Để bây giờ ở Quảng Nam đã có những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào sự phát triển bứt phá của Quảng Nam trong năm tháng sắp tới", Phó thủ tướng nói.
Nhìn lại quá trình phát triển của Quảng Nam, Phó thủ tướng cho rằng những địa phương phát triển mạnh, nhanh và có sự bứt phá thì hệ lụy của nó là sai sót, khuyết điểm. Ông Trần Lưu Quang mong muốn tỉnh một mặt khắc phục sớm các khiếm khuyết, thiếu sót đó nhưng phải giữ vững được tư duy mạnh mẽ, để Quảng Nam có thể bứt phá trong thời gian tới.
Gửi gắm cho Quảng Nam "8 từ" về quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Hai từ đầu tiên là “tuân thủ”. Bởi cái giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng và giải pháp để thực hiện được định hướng đó. Chúng ta phải tuân thủ, nếu không, nó sẽ không đi đến đích như chúng ta mong muốn.
Hai chữ tiếp theo là “linh hoạt”. Nghe chừng có vẻ mâu thuẫn khi một mặt thì bảo phải tuân thủ một mặt lại bảo phải linh hoạt. Đây là sự linh hoạt trong cách làm và thậm chí có thể đối với những mục tiêu không còn giá trị cốt lõi, chúng ta có quyền thay đổi, hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền", ông Trần Lưu Quang nói.
Hai chữ tiếp Phó thủ tướng đề cập là "đồng bộ". Quy hoạch phải được triển khai, thực hiện đồng bộ với quy hoạch của cả nước, của vùng, của ngành... Nếu không đồng với nhau sẽ không đủ điều kiện để làm bất cứ việc gì. Và bây giờ, nếu không đủ điều kiện về pháp lý thì không ai dám làm.
Hai chữ cuối cùng là "thấu hiểu". Lãnh đạo Chính phủ mong muốn những người có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp và người dân thấu hiểu để đồng hành, cùng phát hiện những điểm chưa đúng, chưa tốt trong quy hoạch này để kịp thời chỉnh sửa.
Bản quy hoạch thể hiện ý chí, khát vọng của Quảng Nam
Nói về quá trình lập quy hoạch, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết Quảng Nam cùng đơn vị tư vấn đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, TP trong khu vực khảo sát, đánh giá làm rõ các tiềm năng, lợi thế, hạn chế, cơ hội và thách thức của tỉnh Quảng Nam.
Để hoàn thành bản dự thảo quy hoạch, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại.
Quy hoạch thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Nam với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực…
Với tư cách nhà đầu tư, ông Don Lam, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân của Chính phủ, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam là một dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác thẩm định và duyệt quy hoạch, từ đó tạo ra động lực để Quảng Nam nói chung và vùng đông nói riêng được tiếp tục phát triển toàn diện
“Chúng tôi luôn tin tưởng về tiềm năng phát triển kinh tế du lịch biển tại vùng Đông Quảng Nam, với lợi thế về văn hóa lịch sử của phố cổ Hội An và các động lực ngày càng rõ nét như cầu Cửa Đại, đường ven biển kết nối với sân bay Chu Lai. Đặc biệt gần đây với các chỉ đạo của Thủ tướng cùng với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản 2024 được thông qua đã cho thấy rõ quyết tâm và đường hướng đúng đắn của Chính phủ về việc phát triển đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch và bất động sản du lịch…”
Để tiếp tục tạo đà cho vùng kinh tế phía đông Quảng Nam, ông Don Lam đề xuất sớm thúc đẩy các quy hoạch chung 1/5.000 và quy hoạch phân khu 1/2.000 để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương; tiếp tục tạo điều kiện để đưa Hoiana thành khu đô thị nghỉ dưỡng ven biển đa chức năng, trở thành dự án kiểu mẫu, thí điểm triển khai “thị thực vàng” cho nhóm du khách cao cấp lưu trú dài ngày...
"Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như cấp Trung ương trong việc giải quyết nhanh các vấn đề về pháp lý dự án, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cam kết tiếp tục đầu tư lên tới 1 tỷ USD cho các giai đoạn sắp tới của dự án khi các thủ tục pháp lý được hoàn thiện cũng như được tạo điều kiện tối đa để mở rộng các hoạt động kinh doanh”, ông Don Lam nói.
16 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư:
- Dự án Mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai công suất 50.000 DWT quy mô 1.589 tỉ đồng.
- Dự án Nhà máy cơ điện lạnh có mức đầu tư 407 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất dây điện ô tô du lịch tổng vốn đầu tư 466 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất kính ô tô cao cấp tổng đầu tư 389,5 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện khung thân vỏ ô tô tổng vốn đầu tư 800 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy nội thất ô tô du lịch tổng vốn đầu tư 544 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất ghế ô tô du lịch với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng;
- Dự án trung tâm R&D THACO INDUSTRIES với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch với tổng vốn đầu tư 501 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng có tổng vốn đầu tư 822 tỉ đồng;
- Dự án Nam châm từ tính với tổng vốn đầu tư 1.920 tỉ đồng;
- Dự án Sản xuất thiết bị âm thanh GUOGUANG ELECTRIC CO., LTD với tổng vốn đầu tư 960 tỉ đồng;
- Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và kim loại kiên cố Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 24 tỉ đồng;
- Dự án sản xuất ghế trò chơi điện tử và ghế ô tô Arena Technologies với tổng vốn đầu tư 18,8 tỉ đồng.
- Dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng phân khu 1 KCN Nam Thăng Bình với tổng vốn đầu tư 6.847 tỉ đồng;
- Dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN phía tây cao tốc đoạn qua Thăng Bình với tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng).