Phó Chủ tịch VINASA: Hà Nội cần một Giám đốc Dữ liệu cho thành phố thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chia sẻ với các phóng viên bên lề Hội nghị thành phố thông minh được tổ chức mới đây, ông Ngô Diên Hy - Phó Chủ tịch VINASA - nói rằng Hà Nội còn thiếu một Giám đốc Dữ liệu cho tiến trình xây dựng thành phố thông minh.

Phó Chủ tịch VINASA: Hà Nội cần một Giám đốc Dữ liệu cho thành phố thông minh

Xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi phải giải quyết nhiều bài toán về công nghệ, cũng như có đủ nguồn lực tài chính và con người. Một yếu tố quan trọng khác góp phần thúc đẩy thành phố thông minh là các chính sách, thể chế cho phát triển các dịch vụ của thành phố thông minh.

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh.

Đối với Hà Nội, ngày 30/12/2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 sẽ xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 do TP Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm (VINASA) tổ chức mới đây, ông Ngô Diên Hy, Phó Chủ tịch VINASA, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đã có trao đổi với các phóng viên xung quanh việc xây dựng thành phố thông minh Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn khi xây dựng thành phố thông minh?

Ông Ngô Diên Hy: Chúng ta chưa xây dựng được các cơ sở dữ liệu cần thiết cũng như chưa có bộ máy tổ chức để vận hành cơ sở dữ liệu, chưa có quy hoạch, quy chuẩn về dữ liệu. Đấy là những vấn đề khó khăn hiện nay. Và một vấn đề nữa là nguồn lực con người trong vận hành hệ thống đó để dữ liệu trở nên thông minh hơn nhằm phục vụ cho những bài toán cốt lõi.

Những bài toán then chốt hiện nay như tắc đường, giao thông, ngập lụt hay ô nhiễm môi trường v.v... thì về mặt công nghệ tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể giải được bài toán này. Nhưng vấn đề ở đây là thực thi bài toán đó bằng quy chế, quy chuẩn và bằng nguồn lực con người.

Các doanh nghiệp công nghệ có thể có giải pháp nhưng thành phố phải là đơn vị chủ động, cũng như phải xây dựng được nguồn lực con người để tham gia vận hành, xử lý dữ liệu phục vụ công việc.

Giải quyết bài toán phải mang tính tổng thể, phải xây dựng được chiến lược rồi thực thi chiến lược đó. Tôi nghĩ chúng ta thiếu và yếu trong việc thực thi.

Hà Nội cũng đã triển khai rất nhiều chương trình nhưng Hà Nội là một thành phố lớn. Chúng ta phải khẳng định là thành phố càng lớn thì xây dựng thành phố thông minh lại càng nhiều thứ phải giải quyết.

Có một số tỉnh, thành phố đang đi trước và bứt phá khá là tốt, họ xây dựng khá là bài bản.

PV: Như vậy, dữ liệu là một yếu tố quan trọng trong xây dựng thành phố thông minh? Các doanh nghiệp công nghệ có thể hỗ trợ gì cho thành phố Hà Nội trong vấn đề về dữ liệu?

Ông Ngô Diên Hy: Các doanh nghiệp công nghệ có thể hỗ trợ cho thành phố xây dựng quá trình thực thi chiến lược dữ liệu. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn đề cập đến chất lượng dữ liệu. Chúng ta xây dựng kho dữ liệu dùng chung nhưng chất lượng dữ liệu không đảm bảo thì dữ liệu sẽ không có giá trị. Dữ liệu chỉ trở nên có giá trị khi dữ liệu đó có chất lượng đúng, chính xác mà chúng ta vẫn thường nói là đúng, đủ, sạch, sống.

Bài toán dữ liệu không phải vấn đề về công nghệ mà là vấn đề chính sách, kỷ luật dữ liệu kèm theo, đặc biệt là liên quan đến các sở, ban, ngành. Các sở, ban ngành phải đảm bảo tính kỷ luật dữ liệu. Sau khi Hà Nội xây dựng được một chiến lược dữ liệu rồi, các sở, ban, ngành sẽ xây dựng kho dữ liệu và kỷ luật dữ liệu.

Để xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho Hà Nội thì tôi nghĩ đó là bài toán thực thi vận hành dữ liệu đó, con người tham gia trong quá trình đó.

Điều quan trọng là chúng ta phải có "phân vai" để xác định rõ ai là chủ đề dữ liệu, ai là người điều phối dữ liệu, ai kiểm soát dữ liệu, ai thực thi các chính sách dữ liệu. Chúng ta phải làm rõ vai trò dữ liệu của các sở, ban, ngành. Đó là bài toán nguồn lực và tôi nghĩ rằng doanh nghiệp có thể ủng hộ, hỗ trợ cách làm, nhưng việc giải quyết bài toán thuộc về thành phố.

PV: Theo ông khó khăn lớn nhất của Hà Nội hiện nay là gì?

Ông Ngô Diên Hy: Khó khăn lớn nhất của Hà Nội, như tôi nói ở trên, là cách tổ chức để thực thi chiến lược về dữ liệu. Chúng ta cần đến nguồn lực con người và cách tổ chức vận hành. Hà Nội cần phải có CDO - Giám đốc dữ liệu với khả năng xây dựng, tổ chức các chiến lược về dữ liệu cũng như phối hợp với các sở, ban, ngành.

vt_thao luan ban tron thanh pho thong minh.jpg

PV: Với vai trò là một tập đoàn công nghệ lớn thì VNPT sẽ hỗ trợ như thế nào để Hà Nội xây dựng thành phố thông minh?

Ông Ngô Diên Hy: VNPT hiện nay đang đồng hành với thành phố Hà Nội xây dựng các hệ thống thông tin với các dữ liệu về đất đai, các vấn đề liên quan đến dịch vụ công, hệ thống điều hành v.v.. Những hệ thống đó hình thành các cơ sở dữ liệu ban đầu. Những dữ liệu ban đầu này cùng với những dữ liệu ở các lĩnh vực khác nhau tạo thành kho dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc phân tích, dự báo và đưa ra quyết định.

PV: Theo ông trong thời gian tới Hà Nội cần phải làm gì để đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố thông minh?

Ông Ngô Diên Hy: Chúng ta phải xây dựng chiến lược dữ liệu. Các sở, ban, ngành phải có quy định và chương trình hành động cụ thể để xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đó sẽ hình thành nên cơ sở dữ liệu của thành phố. Lúc đó bài toán phục vụ cho giao thông, phục vụ cho con người mới được đảm bảo, dữ liệu được liên thông, được tích hợp trong kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Theo tôi đây là bài toán, là cách đi của Hà Nội.

PV: Hiện nay có một cơ sở dữ liệu quan trọng là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nguồn dữ liệu này sẽ giúp ích gì cho Hà Nội khi xây dựng thành phố thông minh?

Ông Ngô Diên Hy: Năm ngoái, Bộ Công an đã triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiện nay đang hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là trong quản lý về cư trú. Việc quản lý cư trú một cách chặt chẽ sẽ đảm bảo quản lý dân cư hiệu quả. Một thành đông đúc như Hà Nội khi hoạch định được vấn đề về dân cư, nắm bắt được sự dịch chuyển của dân cư hay vấn đề tạm trú tạm vắng, kể cả an ninh trật tự... thì có thể quản lý tốt hơn.

Khi hoạch định chính sách thành phố phải biết được mật độ dân cư như thế nào, mật độ giao thông, đô thị hoặc các cơ sở như khu vui chơi giải trí, du lịch, cửa hàng, cửa hiệu v.v... Tôi nghĩ áp dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho quy hoạch và đánh giá khi dữ liệu đã được đúng, đủ, chuẩn, sẽ rất hiệu quả.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng số của Hà Nội?

Ông Ngô Diên Hy: Chúng ta không còn nghi ngờ gì về giá trị dữ liệu. Nhưng để thực thi được bài toán dữ liệu không hề đơn giản. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh là để đi phục vụ cho việc đến đích cuối cùng là khai thác dữ liệu, xây dựng thành phố thông minh, phải có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của chính quyền

Nếu chúng ta chỉ triển khai mà không có một quy hoạch cụ thể từng bước, thì tôi nghĩ là sau vài năm nữa là chúng ta quay lại bài toán như hiện nay.

Quan điểm của tôi là nghĩ lớn nhưng làm phải có kết quả. Nếu như chúng ta nghĩ lớn nhưng nguồn lực chúng ta có giới hạn thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Chúng ta làm đến đâu phải có kết quả đến đó, đây là vấn đề hướng tiếp cận.

Hà Nội phối hợp với VINASA tổ chức Hội nghị thành phố thông minh cho thấy sự vào cuộc khá mạnh mẽ. Tôi nghĩ đây là những bước đầu tiên để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!