Pháp đề xuất phương Tây lắp đặt vũ khí răn đe truyền thống trên lãnh thổ Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu cho rằng Nga cần phải bị cản không cho tiến hành các hoạt động mới chống lại nước láng giềng một khi đạt được lệnh ngừng bắn.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastian Lecornu (Ảnh: Getty)
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastian Lecornu (Ảnh: Getty)

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết phương Tây nên cân nhắc nghiêm túc việc bố trí các vũ khí “răn đe truyền thống”, có thể bao gồm các hệ thống tên lửa tầm xa, trên lãnh thổ Ukraine sau khi giai đoạn nóng bỏng của cuộc xung đột kết thúc.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TF1/LCI hôm đầu tuần này, ông Lecornu đã cân nhắc về “kế hoạch chiến thắng” được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày trước Quốc hội vào tuần trước.

Kế hoạch này kêu gọi lời mời gia nhập NATO ngay lập tức và dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất để tấn công Nga. Ông Zelensky cũng đề xuất phương Tây “triển khai gói răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện” trên lãnh thổ Ukraine để ngăn chặn Nga.

Sau đó, ông Zelensky giải thích rằng gói này sẽ “buộc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực sự hoặc cho phép phá hủy các mục tiêu quân sự của họ”, đồng thời nói thêm rằng gói này nên bao gồm cả các hệ thống tên lửa.

Ông Lecornu ca ngợi kế hoạch của ông Zelensky là “sự khởi đầu của một con đường chính trị mà chúng ta phải theo đuổi để giúp đỡ Ukraine về lâu dài, và đặc biệt là đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Vị Bộ trưởng lưu ý rằng nếu Kiev ký kết lệnh ngừng bắn với Moscow, điều này “đặt ra câu hỏi về khả năng răn đe truyền thống” mà ông cho rằng sẽ “ngăn cản một hành động xâm lược mới của Nga”. Ông nói thêm: “Đây là một vấn đề cần được giải quyết ngay bây giờ”.

Bộ trưởng Pháp nhấn mạnh, ông tin rằng “một ngày nào đó Ukraine sẽ đàm phán lại với Nga”, nhắc lại rằng kế hoạch của ông Zelensky giả định rằng Ukraine sẽ chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Nga”. “Khó khăn của thời điểm hiện tại là chúng ta phải đảm bảo cân bằng lực lượng”, ông Lecornu chỉ ra.

Trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đánh tín hiệu rằng Paris sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của ông Zelensky, một số quốc gia NATO lại tỏ ra kém nhiệt tình hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev hoặc hỗ trợ nước này nhanh chóng gia nhập NATO, trong khi các quan chức Hungary cảnh báo rằng cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến leo thang căng thẳng lớn. Các báo cáo truyền thông trước đó cũng chỉ ra rằng nhiều người ủng hộ phương Tây tỏ ra hoài nghi về lộ trình này, coi nó chẳng khác gì một “danh sách mong muốn”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ kế hoạch của ông Zelensky, coi đó là một “tập hợp những khẩu hiệu không mạch lạc”, đồng thời nói thêm rằng Kiev đang “đẩy các thành viên NATO tới một cuộc xung đột trực tiếp” với Nga.