Đó là ý kiến của TS. Bùi Thị An - nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng - trong cuộc trao đổi riêng với PV VietTimes bên lề cuộc toạ đàm “Góc nhìn của cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi”. Sự kiện này vừa diễn ra ngày 2/11, ngay trước thềm phiên thảo luận của Quốc hội về luật này dự kiến ngày 11/11/2020.
- Thưa bà, tại toạ đàm này, có nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi là một bước lùi so với Luật đã ban hành năm 2014. Bà có bình luận về việc này thế nào?
PGS TS Bùi Thị An: Trước hết phải nói rằng dự thảo lần thứ 7 của Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi so với các dự thảo trước đó và thậm chí so với Luật đã ban hành năm 2014 có một số điểm bị lùi lại. Còn một số nội dung khác thì chưa được thẩm định rõ. Vì thế, cá nhân tôi cho rằng sẽ có vấn đề nếu dự thảo này được thông qua.
BS Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khoẻ (CHERAD) bày tỏ sự thất vọng với dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường vì bên cạnh nhiều điểm bất cập thì các nội dung soan thảo đã vô hiệu hoá trách nhiệm của ngành y tế và chặn tất cả các công cụ để người dân tham gia giám sát thông tin bảo vệ môi trường.
Về những điểm còn chưa rõ, đầu tiên chúng ta cần đi từ các khái niệm phải định nghĩa. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề giám sát môi trường. Cái này, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã ghi rõ phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Và nay, có thêm dân giám sát và dân thụ hưởng. Cho nên, dự thảo Luật phải cụ thể hoá quyền giám sát của người dân như thế nào. Thực tế, quyền giám sát của người dân chưa được thể hiện chưa rõ.
Ví dụ, muốn giám sát được thì phải có thông tin và cần đầu mối chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân? Không chỉ những cộng đồng người dân trực tiếp liên quan mà mọi người dân đều phải được biết thông tin này, theo đúng quy định của Luật Tiếp cận Thông tin. Vì thế, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi phải được quy định cụ thể việc này.
Thông tin mà người dân được tiếp cận cũng cần được đảm bảo chất lượng và kịp thời, bởi nếu việc cung cấp thông tin quá muộn thì sẽ không còn tác dụng. Và chỉ có như vậy thì người dân mới tham gia được việc bảo vệ môi trường trong sạch theo đúng mục tiêu của Luật đã đặt ra.
- Ngày nay, các thiết bị quan trắc môi trường cũng có nhiều loại với giá thành rẻ và người dân hoàn toàn có thể tự trang bị, lắp đặt. Bà nghĩ gì về thực tế toàn dân có thể tham gia quan trắc môi trường?
PGS TS Bùi Thị An: Người dân và các tổ chức hoàn toàn có quyền tự mua và lắp đặt các thiết bị quan trắc để đo kiểm mức độ ô nhiễm không khí. Từ đó, họ chủ động biết được mức độ ô nhiễm tại nơi mình sinh sống và cả những nơi khác thông qua những mạng lưới chia sẻ thông tin về môi trường không khí qua Internet. Vì thế, xã hội hoá việc quan trắc môi trường là cần được khuyến khích.
Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Vấn đề ở chỗ việc công bố thông tin quan trắc như thế nào là chuyện cần bàn. Cá nhân tôi cũng cho rằng không nên hạn chế việc công bố thông tin quan trắc. Nếu như cứ phải đăng ký, xin phép thì tôi sợ là số liệu về môi trường sẽ không chuẩn xác và mất tính thời sự.
Bản đồ Hà Nội về các điểm quan trắc chất lượng không khí của hệ thống PAM Air do Công ty D&L triển khai |
- Như bà vừa trao đổi, có thể thấy dự thảo Luật còn khá ngổn ngang. Vậy từng bước tiến hành tiếp theo nên như thế nào để đảm bảo dự thảo Luật khi được thông qua có thể có những đóng góp giá trị?
PGS TS Bùi Thị An: Chúng tôi thấy còn rất nhiều nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cần phải tiếp tục bàn kỹ, làm rõ hơn và cụ thể hoá hơn. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị phải nhanh chóng hoàn thiện dự thảo để tăng tính khả thi và để Luật có thể đi vào cuộc sống.
Rất mừng là trong khi chúng tôi chưa chính thức có kiến nghị thì cơ quan chức năng của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đề xuất. Theo đó, về cơ bản thì tất cả những điều bất cập của dự thảo Luật đã được chỉ đạo phải chỉnh sửa và tôi tin rằng tuy thời gian từ nay đến ngày 11/11/2020 còn lại không nhiều nhưng ban soạn thảo sẽ làm việc một cách có trách nhiệm và hết mình. Cùng với rất nhiều nội dung khác, dự thảo sẽ phải khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức tự trang bị, lắp đặt thiết bị đo kiểm môi trường và tự công bố thông tin.
Đây là điều hết sức đáng mừng vì như TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam thì việc này là thực tế phù hợp với xu thế của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Và vấn đề đặt ra là chỉ cần các chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về các thông tin được công bố.
- Xin cám ơn bà!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu