Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – HOSE: OCB) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Chia sẻ tại đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB khẳng định, HĐQT OCB chỉ tập trung vào việc có thể sinh lời cho ngân hàng. Ban lãnh đạo OCB tin rằng bản chất của vận động giá cổ phiếu vẫn là hoạt động của ngân hàng. Do đó, HĐQT không có chủ trương làm giá cổ phiếu.
Dù vậy, ông Tuấn cũng nhận định, “như HĐQT thống kê, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở Việt Nam có PE trung bình là 10 – 11 lần, PB là 12 lần. Với OCB, PE chưa đến 7 lần, còn PB thì khoảng 15 lần”. Từ đó, ông Tuấn cho rằng, “mức giá khoảng 24.000 đồng/cp (23.350 đồng/cp đóng phiên 28/4 – PV) cổ phiếu OCB thấp hơn 20 – 30% so với mặt bằng chung”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT OCB tiết lộ việc chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu OCB có mục tiêu nhằm đến “room” còn lại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng. Ông Tuấn cũng cho biết, đã có một số tổ chức nước ngoài quan tâm đến cổ phiếu OCB.
Tuy nhiên, vì ngân hàng thời điểm vừa rồi làm thủ tục niêm yết nên không kịp thực hiện kế hoạch. “Chi tiết kế hoạch thì chưa làm, nhưng thực tế đã có tổ chức quan tâm”, ông nói.
Trong năm 2021, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng thông qua chia cổ tức (từ lợi nhuận để lại năm 2020) bằng cổ phiếu; phát hành cổ phiếu ESOP; và phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu như đã đề cập.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, các cổ đông tại ĐHĐCĐ đã thông qua phương án mức tăng trưởng tín dụng dự kiến là 25% (trong điều kiện NHNN phê duyệt kế hoạch đề xuất của ngân hàng); kế hoạch lãi trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; mục tiêu cổ tức đạt 20 – 25%.
Trước thắc mắc của cổ đông về tính khả thi của kế hoạch tăng trưởng tín dụng, đại diện OCB nhận định, đây là chuyện bình thường với OCB trong nhiều năm trở lại. Tăng trưởng tín dụng OCB có những năm đạt mức 30%, năm gần kề là 25%.
Bên cạnh các mục tiêu trên, OCB đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như: Tổng tài sản dự kiến đạt 183.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước; tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 136.700 tỷ đồng, tăng 26%; dư nợ thị trường 1 lên 113.000 tỷ đồng (nếu được NHNN chấp thuận); tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2%.
Tại Đại hội, các cổ đông OCB đặc biệt đặt nhiều câu hỏi về tình hình tài chính của ngân hàng.
Cổ đông: Ngân hàng có quy mô tổng tài sản nhỏ, nhưng lợi nhuận hàng năm rất cao, có phải ngân hàng đang lựa chọn đầu tư lĩnh vực rủi ro cao? Nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán thế nào? Ngân hàng dùng bao nhiêu tiền để thu lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán? OCB có kinh doanh phái sinh không?
Trong hạch toán của ngân hàng, chứng khoán ở đây nên hiểu là trái phiếu Chính phủ. Toàn bộ thu nhập mảng này trong quý I/2021 là 427 tỷ. Kinh doanh trái phiếu Chính phủ là hoạt động truyền thống thông thường của ngân hàng. OCB không kinh doanh chứng khoán kiểu mua bán cổ phiếu.
Cổ đông: Trong năm 2020, tổng dư nợ cho vay của OCB ở 3 lĩnh vực gồm lưu trú khách sạn (dư nợ 11.230 tỷ), kinh doanh bất động sản (hơn 6.000 tỷ) và xây dựng (hơn 3.000 tỷ). Ban lãnh đạo đánh giá rủi ro nhóm ngành này thế nào? Nợ xấu nhóm này ra sao? Trong điều kiện kinh tế hiện tại, nợ xấu nhóm này thế nào?
3 lĩnh vực như cổ đông đề cập là theo quy định phân ngành Việt Nam. Kinh doanh bất động sản ở đây bao gồm cả những người mua nhà để ở. Tương tự khách sạn dịch vụ, không chỉ bao hàm lĩnh vực khu nghỉ dưỡng.
Hiện tại, nợ xấu danh mục 3 nhóm ngành này khoảng 0,1%. Đây là danh mục vận hành tốt. Nếu chọn lựa đúng khách hàng, có tài sản đảm bảo đầy đủ, thì khả năng rủi ro mất vốn trên thực tế là rất thấp.
Cổ đông: Trong năm 2020, mảng đầu tư trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng rất lớn. Với việc đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 25%, mảng trái phiếu chiếm bao nhiêu phần trăm số đó? Ngoài ra, kinh doanh trái phiếu Chính phủ liên quan lãi suất, nhưng lãi suất hiện tăng trở lại khi Chính phủ có nhu cầu vay. Ban lãnh đạo đánh giá thế nào?
Kết thúc năm 2020, lĩnh vực kinh doanh trái phiếu Chính phủ chiếm 24% lợi nhuận. Với xu thế giảm lãi suất, tỷ trọng đóng góp kế hoạch với HĐ này là 17%. Những năm vừa qua, đây là mảng kinh doanh đóng góp hiệu quả. Dù vậy, không phải lúc nào mảng này cũng thuận lợi. Theo xu hướng, tỷ trọng mảng này sẽ giảm dần.
Cổ đông: Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) năm 2021 tăng mạnh, ban lãnh đạo rủi ro nhóm này như nào? Ảnh hưởng dịch COVID-19 có tác động nào không?
Nợ nhóm 2 trong quý I/2021 có tăng với ảnh hưởng từ dịp nghỉ Lễ và COVID-19. Trong đó, danh mục có mảng tương đối nhạy cảm là cho vay bán lẻ. Hiện tại, cho vay đã trở về bình thường, không vấn đề gì./.