Phát biểu tại Diễn đàn thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, ông Triết nói rằng từ những năm 1990 các doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số khi mà máy tính có những bước phát triển mạnh.
Cho đến nay, chuyển đổi số là sự kết hợp của nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng máy tính – từ dữ liệu lớn, vạn vật kết nối cho đến trí tuệ nhân tạo, học máy. Chuyển đổi số không còn là một phương án để lựa chọn Có hoặc Không, mà là một việc bắt buộc của các doanh nghiệp.
Trong tiến trình chuyển đổi số của tổ chức, doanh nghiệp, dữ liệu đóng vai trò là trái tim!
Theo thống kê của Viện Công nghệ Massachusett (MIT), đến năm 2025 trên toàn thế giới có 175 Zetta bytes được sinh ra. Để hình dung khối lượng Zetta bytes, chúng ta có thể tượng tượng rằng nếu lưu trữ lượng dữ liệu đó vào trong USB, mỗi USB chứa 1GB (giga bytes) thì phải có 175 nghìn tỉ chiếc USB để chứa hết số lượng dữ liệu đó. Nếu xếp các USB đó theo đường kính trái đất thì cần tới 222 vòng mới đủ.
“Đó là một số lượng dữ liệu khổng lồ, đến mức chúng ta chưa thể hình dung nó sẽ tiếp tục phát triển đến như thế nào nữa”, ông Trần Tịnh Minh Triết nói.
Dữ liệu là tư liệu sản xuất mới
Theo ông Triết, thế giới hiện nay bổ sung định nghĩa một loại tư liệu sản xuất mới, đó là dữ liệu. Nếu doanh nghiệp, tổ chức có dữ liệu mà không biết sử dụng nó thì họ làm uổng phí một tư liệu sản xuất và làm mất đi tính cạnh tranh.
Doanh nghiệp cần phải xây dựng dữ liệu ra sao, vào lúc nào, khai thác như thế nào để biến tư liệu sản xuất đó thành công cụ tăng sức cạnh tranh – đó là bài toán đặt ra.
“25% giá trị của một công ty phụ thuộc vào dữ liệu, mà dữ liệu là một loại tài sản không bao giờ có trên balance sheet (báo cáo tài sản của doanh nghiệp – PV) - nhiều doanh nghiệp đã bỏ quên nó khi thống kê tài sản. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp lớn, họ đã thấy vai trò của dữ liệu như một loại tài sản, còn giá trị hơn một nhà máy, văn phòng, phần cứng. Giá trị của doanh nghiệp trong Top 100 thế giới là doanh nghiệp nào có tài sản dữ liệu nhiều nhất, giá trị nhất, thì doanh nghiệp đó có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán”, ông Triết khẳng định.
Ông Triết cũng nói thêm rằng nếu có một lượng dữ liệu chất lượng và đầy đủ thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhìn trước tương lai 3 năm của mình sẽ như thế nào.
Dữ liệu giúp doanh nghiệp thích ứng, thay đổi mô hình kinh doanh
Đặt ra câu hỏi vì sao doanh nghiệp dệt may Việt Nam có giá thành sản phẩm cao hơn Ấn Độ và Bangladesh, ông Triết lý giải rằng doanh nghiệp Việt chưa có dữ liệu, chưa biết tận dụng lợi thế của dữ liệu để phân tích tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp Ấn Độ và Bangladesh đã sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, dự đoán tương lai của nguyên vật liệu để hợp tác với các nhà cung cấp – mua được với giá thấp hơn 20%.
Nếu có dữ liệu, một doanh nghiệp từ mô hình kinh doanh hiện tại có khả năng tạo ra một mô hình kinh doanh mới, tạo ra một dòng doanh thu mới bên cạnh dòng doanh thu truyền thống của họ.
“Nhờ có dữ liệu, họ biết được xu hướng thị trường, phương thức hoạt động, năng lực của doanh nghiệp ra sao, từ đó họ đưa ra mô hình kinh doanh mới song song với mô hình hiện tại”, ông Triết cho biết.
Kết hợp dữ liệu bên trong và bên ngoài
Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tịnh Minh Triết bên lề sự kiện để làm rõ hơn về tầm quan trọng của dữ liệu với doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, vì sao ông lại cho rằng dữ liệu là trái tim của tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp?
Ông Trần Tịnh Minh Triết: Khi tiếp xúc với khách hàng cũng như những chia sẻ của đồng nghiệp trong công ty (tập đoàn SAP-PV) thì tôi biết rằng tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, trong khu vực cũng như Việt Nam đều coi dữ liệu là một chiến lược rất quan trọng.
Bởi vì hiện nay tất cả mọi quyết định đều dựa trên dữ liệu chứ không phải dựa trên cảm tính. Cái thời quyết định dựa trên cảm tính là của 15 năm, 20 năm về trước rồi. Hiện nay dữ liệu là cơ sở, cơ bản, để mọi người ra quyết định. Từ dữ liệu mà doanh nghiệp biết được quyết định đó đúng hay sai, nên thực hiện lúc nào.
Dữ liệu là một yếu tố rất quan trọng, một cái Foundation - tức là một nền tảng của tất cả các quy trình kinh doanh, quy trình đổi mới và quy trình ra quyết định của một doanh nghiệp.
PV: Doanh nghiệp nên tận dụng dữ liệu như thế nào thưa ông?
Ông Trần Tịnh Minh Triết: Dữ liệu, tôi sẽ trả lời dưới khía cạnh của một doanh nghiệp. Ở trong một doanh nghiệp có hai loại dữ liệu: một loại họ luôn sẵn có, là dữ liệu bên trong của doanh nghiệp. Đó là dữ liệu về tài chính, về con người, dữ liệu về kỹ năng sản xuất, về nguyên vật liệu, dữ liệu về kho tàng v.v...
Loại thứ hai là dữ liệu bên ngoài mà họ không biết được, chẳng hạn như hiện nay người tiêu dùng nghĩ gì về sản phẩm, người tiêu dùng đang mong muốn gì, đang trao đổi cái gì trên mạng xã hội về một cái mặt hàng nào đó, một thương hiệu nào đó. Hoặc họ đang feedback (phản hồi-PV) gì, họ có complaint (than phiền-PV) gì không về thương hiệu của mình trên mạng xã hội, thì đó là ví dụ về loại dữ liệu thứ hai.
Một doanh nghiệp cụ thể để phát triển đầy đủ, đưa ra các quyết định đúng là phải kết hợp giữa dữ liệu bên trong và dữ liệu bên ngoài để xử lý dữ liệu đó, đưa ra quyết định đúng. Doanh nghiệp quyết định hoạt động bên trong của mình phải phù hợp với xu hướng bên ngoài (nhu cầu của thị trường – PV).
Chẳng hạn doanh nghiệp quyết định mẫu mã này có phù hợp với độ tuổi và yếu tố mà khách hàng mong muốn không, hoặc doanh nghiệp quyết định xử lý một vấn đề nào đó trong nội bộ dựa trên những gì người tiêu dùng trao đổi rên Facebook hay trên Zalo v.v... Doanh nghiệp phải có thông tin đó để biết cách xử lý quy trình nội bộ của mình để đáp ứng đáp ứng nhu cầu kinh doanh, hoặc đặc biệt là đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng trên thị trường.
PV: Trí tuệ nhân tạo (AI) có ảnh hưởng thế nào đến dữ liệu và doanh nghiệp nên kiểm soát AI như thế nào?
Ông Trần Tịnh Minh Triết: Tôi không phải là chuyên gia về AI, do đó không thể trả lời chính xác muốn kiểm soát AI thì như thế nào. Nhưng các doanh nghiệp khi họ sử dụng phần mềm AI thì họ phải biết là phần mềm đó giải quyết những vấn đề gì. Ví dụ như trong một doanh nghiệp có nhiều phần mềm về AI để forecast (dự báo-PV) hàng tồn kho, AI tự động matching invoice (so khớp hóa đơn-PV), AI tự động phỏng vấn một nhân sự mới... Những cái phần mềm AI đó thường thường được phát triển dựa trên nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Đó là cách doanh nghiệp quản lý sự phát triển AI của họ.
PV: Với những doanh nghiệp đang bắt đầu quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, ông có lời khuyên nào gửi đến họ?
Ông Trần Tịnh Minh Triết: Muốn xây dựng dữ liệu thì doanh nghiệp cần thực hiện theo ba bước. Bước thứ nhất là doanh nghiệp phải biết họ cần dữ liệu gì và dữ liệu đó phải lấy từ đâu. Thứ hai là doanh nghiệp phải quản lý dữ liệu, phải biết ai là người giữ dữ liệu đó, dữ liệu đó sẽ quản lý bằng quy trình nào, ai là người duyệt. Cái thứ ba là tận dụng dữ liệu, từ dữ liệu đó doanh nghiệp phải đưa ra những phân tích, báo cáo chuyên sâu để nắm bắt những cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp có những vấn đề gì phải xử lý trong cái trong quy trình hiện tại.
Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý đến loại dữ liệu, quản lý dữ liệu và tận dụng dữ liệu đó.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu