Quyết định về việc này đã được công bố tại Hội nghị triển khai thí điểm tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính tại TPHCM.
Theo đó, Tòa án Nhân dân tối cao đã chọn TP.HCM là một trong những địa phương mở rộng thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính.
Việc thí điểm này sẽ thực hiện trong thời gian 6 tháng, kể từ 1/11/2018. Thời gian thí điểm có thể kéo dài đến khi Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, tùy theo tình hình thực tế.
Triển khai việc thí điểm, Thành ủy TPHCM đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc cho ban chỉ đạo này. Trong đó, ông Tất Thành Cang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy TPHCM được giao nhiệm vụ làm trưởng ban, Chánh án TAND TPHCM - bà Ung Thị Xuân Hương - làm phó ban.
Tại hội nghị, Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng công bố hoạt động của 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại. Các trung tâm này đặt tại tòa án thành phố và các quận, huyện Bình Chánh, Củ Chi, 1, 2, 9, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh.
Các trung tâm hoạt động theo phương thức tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý ưu tiên chọn hòa giải viên, đối thoại viên là những người từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư…
Các trung tâm này có nhiệm vụ hòa giải những tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân gia đình, lao động. Đồng thời là tổ chức đối thoại đối với những khiếu kiện hành chính.
Hiện, các cấp tòa của TP.HCM đã chuyển cho các trung tâm này 655 hồ sơ khởi kiện các loại. Dự kiến phiên hòa giải “mẫu” đầu tiên sẽ tổ chức 12/11/2018.
Như đã biết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hiện đang bị đề xuất kỷ luật vì những liên quan trong sai phạm về trình tự, thủ tục khi triển khai bán 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai./.