Kỳ trước: Ông Joe Biden sẽ là “phiên bản 2.0” của ông Obama trong Chính sách đối ngoại Mỹ?
Ông Biden cũng đã có một bề dày thành tích trong tám năm với tư cách là phó tổng thống của ông Barack Obama. Gần đây, Ủy ban Quốc gia Dân chủ, nơi đề ra các định hướng chính sách chung cũng đã đưa ra một số tuyên bố.
Đáng ngạc nhiên là ông Biden hầu như không đả động gì đến chính sách đối ngoại đối với châu Á kể từ khi ông trở thành ứng cử viên Đảng Dân chủ để đối mặt với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ai cũng muốn biết ông Biden có dự định gì trước những hành động gây hấn ngày càng tăng trong thời gian gần đây của Trung Quốc với tham vọng bá chủ không chỉ ở khu vực châu Á mà cả trên toàn cầu. Chính sách Trung Quốc của ông Biden sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia khác trong khu vực.
Ông Biden bắt đầu có những tuyên bố “cứng rắn”
Ông Biden đã bắt đầu “tuyên bố cứng rắn” với Trung Quốc về nhân quyền, về việc tăng cường quân sự và nỗ lực kiểm soát thương mại của nước này thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Một số chuyên gia cho rằng cuối cùng thì ông Biden cũng đã bắt đầu cạnh tranh với ông Trump, người đang công khai tấn công Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt, áp đặt quân sự, tẩy chay và phản công bằng các chiến dịch quan hệ công chúng toàn cầu.
Ông Trump là người theo chủ nghĩa “quyền lực cứng”. Công bằng mà nói, ông Trump đã có phần dịu giọng trong mối quan hệ với Trung Quốc thời gian trước khi nổ ra đại dịch Covid-19 mà theo ông đó chính là do lỗi của Trung Quốc.
Ông Biden cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, giống như ông Trump, nhưng ông ủng hộ cách tiếp cận "quyền lực mềm" mà chính bản thân ông và ông Obama đã tiên phong thực hiện trước đây (2009-2017).
Chẳng hạn, ông Biden dự định rút khỏi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn là cây gậy chiến lược chủ chốt của ông Trump để đánh bại nước này. Ông Biden lại cho rằng đòn thuế quan không mang lại tác dụng.
Tuy nhiên, ông Biden không hề đả động đến việc ông Trump đã buộc tội các công ty của chính phủ Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ, vi phạm an ninh mạng, trợ cấp cho các công ty nhà nước Trung Quốc, hạn chế đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, mở cửa thị trường Trung Quốc cho các đối thủ thương mại nước ngoài, và ở mức độ nào đó rõ ràng đòn thuế quan đã phát huy tác dụng.
Ông Biden không đưa ra được giải pháp cụ thể nào cho các vấn đề này.
Liệu ông Biden có tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về thuế quan như cách ông Trump đang làm? (Ảnh: WSJ)
|
Ông Biden cũng thừa nhận một trong những chiến lược của ông Trump: tái cơ cấu chuỗi cung ứng kết nối Trung Quốc với Mỹ và các nước khác để giúp Mỹ tách khỏi Trung Quốc.
Dường như, ông Biden nhận ra rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có vai trò quan trọng đối với sự hiện diện của Mỹ ở châu Á và việc ông Trump rút khỏi hiệp định này là một sai lầm lớn.
Tuy nhiên, chính đảng Dân chủ đã đặt dấu chấm hết cho TPP trong giai đoạn 2016-17, nhượng lại toàn bộ thương mại khu vực cho Trung Quốc. Có nhiều khả năng, ông Biden sẽ không nhận được sự ủng hộ từ phe Dân chủ hoặc Quốc hội để tham gia vào Hiệp định TPP phiên bản mới.
Ông Biden – người theo chủ nghĩa toàn cầu tối thượng
Kế hoạch của ông Biden là sẽ hợp tác với các đồng minh, bạn bè và đối tác trong khu vực cũng như trong các tổ chức đa phương và quốc tế như ASEAN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khác để lôi kéo Trung Quốc “tham gia mang tính xây dựng” vào đối thoại khu vực nhằm thuyết phục Bắc Kinh thay đổi hướng đi.
Trong mắt ông ấy, Mỹ cần huy động sự ủng hộ toàn cầu để chống lại Trung Quốc.
Ông Biden cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Mỹ nên tập trung vào việc thực thi các quy tắc quốc tế dựa trên pháp quyền và luật tục. Ông ấy đã không nhận ra một điều là chính ông và ông Obama đã không làm tròn vai trò lãnh đạo như vậy khi xử lý các cuộc chiến ở Trung Đông; đối đầu với Nga trong vấn đề Ukraine; giải quyết chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở châu Mỹ Latinh và tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran và Triều Tiên. Cộng đồng quốc tế thường vắng mặt vào những lúc cần kíp nhất.
Ông Biden quay trở lại với chính những cách tiếp cận thất bại đã được ông Obama và các chính quyền trước đó áp dụng đối với các thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Triều Tiên kể từ năm 1954 sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Ông dự định tổ chức các cuộc đối thoại khu vực với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản để thuyết phục ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Dưới thời chính quyền Obama-Biden, Mỹ đã không làm gì để ngăn Triều Tiên hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân.
Các ưu tiên hợp tác của ông Biden
Đảng Dân chủ, trong tài liệu tóm tắt chính sách đối ngoại của mình, thống nhất cải tiến quan hệ đối tác với Ấn Độ, nhưng lại bỏ qua Nepal, Bhutan và Bangladesh. Chính sách của đảng này bao gồm hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, nhưng cách thức hợp tác thể hiện rằng những nước này cần được quan tâm nhiều hơn.
Điều này quả là kỳ lạ ở chỗ Mỹ đã nối lại quan hệ đối tác an ninh với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một tuyên bố khác lại đề xuất hợp tác với Thái Lan và Philippines trong các lĩnh vực “chia sẻ giá trị chung” với Mỹ, lại một cách diễn đạt kỳ lạ về mối quan hệ đối tác.
Đảng Dân chủ không nhắc gì đến Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar, chưa kể đến Indonesia và Malaysia cũng vắng mặt một cách khó hiểu trong cương lĩnh chính sách đối ngoại này. Hàng chục quần đảo ở khu vực Thái Bình Dương cũng không được đề cập.
Ông Biden sẽ cắt giảm quân đội Mỹ
Ông Biden không cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự, vì vậy có nhiều khả năng ông ấy sẽ không đối đầu quân sự với Bắc Kinh mà thay vào đó sẽ dựa vào ngoại giao. Ông Trump đã dành 4 năm tái thiết quân đội Mỹ để chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.
Ông Biden lại muốn cắt giảm quân đội, có thể đến mức quyết liệt như đã làm dưới thời Obama-Biden. Ông ấy nhấn mạnh rằng sẽ không “quân sự hóa” chính sách đối ngoại của Mỹ một cách quá mức như đã từng làm trước đây (dưới thời ông Barack Obama).
Chính quyền Trump đã liên tiếp thể hiện nhiều động thái cứng rắn với Trung Quốc, điều tàu chiến tới Biển Đông (Ảnh: US Navy)
|
Ông Biden không có ý định hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cho dù Trung Quốc đang mở rộng năng lực hạt nhân của mình ở quy mô lớn. Ông ấy đề xuất gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) với Nga, mặc dù Trung Quốc đã từ chối ký tiếp.
Ông Obama đã bố trí ông Biden, ở cương vị Phó Tổng thống, phụ trách chính sách Trung Quốc. Một điều ông Biden đã làm được là thuyết phục ông Obama rằng Mỹ không nên đối đầu với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ít khả năng là ông Biden sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của hải quân Mỹ trong khu vực trừ khi việc này được thực hiện với sự hợp tác của các quốc gia khác.
Sẽ có thêm nhiều Sáng kiến Quyền lực mềm
Cũng giống như ông Obama, ông Biden tin rằng hợp tác với Trung Quốc trong biến đổi khí hậu, y tế và năng lượng là cách để Mỹ đạt được “hòa bình” với Bắc Kinh: hợp tác thay vì đối đầu. Một lần nữa, vẫn là cách tiếp cận quyền lực mềm.
Chính sách đối ngoại của ông Biden phù hợp với quan điểm của nhiều chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc ở Mỹ. Những người này tin rằng Trung Quốc có thể trở thành “một công dân toàn cầu tốt” thông qua “sự cam kết mang tính xây dựng” để đạt tới dân chủ hóa, mậu dịch tự do và hợp tác hòa bình. Kinh nghiệm của ông Biden với Trung Quốc sẽ cho thấy điều ngược lại.
Điều thú vị là, ông Biden đề xuất rằng chính sách đối ngoại của ông phụ thuộc vào nỗ lực phục hồi nền dân chủ Mỹ đang bị “phá hỏng” dưới thời của ông Trump. Trớ trêu thay khi ông Biden muốn chủ đề tranh cử của mình là đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu.
Nếu điều này nghe có vẻ quen thuộc thì lý do là: chính ông Trump đã thắng cử tổng thống trong cuộc chiến với lời kêu gọi “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trên hết” trong các vấn đề quốc tế.
Chiến lược của ông Biden sẽ cần rất nhiều thời gian để thực hiện. Ông ấy muốn xây dựng lại các mối quan hệ ngoại giao và đồng minh đã bị ông Trump xóa bỏ. Trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, giả định nếu đắc cử, ông ấy sẽ tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ” để thảo luận cách nước Mỹ hợp tác với các quốc gia khác hướng tới hòa bình và thịnh vượng.
Nỗ lực tái thiết của ông Biden là nhằm thay đổi toàn diện nước Mỹ theo hướng cực tả - đây là mô hình mà trong đó công bằng xã hội, phân biệt chủng tộc, lực lượng lao động được dẫn dắt bởi công đoàn, biến đổi khí hậu, y tế toàn dân và nhà nước kiểm soát kinh tế chiếm vị trí tối cao.
Chính quyền Obama-Biden và Xoay trục sang châu Á thất bại
Nhiều nước châu Á vẫn còn nhớ Tổng thống Obama đã tuyên bố vào tháng 10 năm 2011 rằng ông sẽ rút khỏi các cuộc chiến tranh bất tận ở Trung Đông và xoay trục sang châu Á để Mỹ có thể tham gia vào “Kỷ nguyên châu Á”. Ông Obama, sinh ra ở Hawaii, cho rằng ông là Tổng thống gốc Thái Bình Dương đầu tiên.
Đá Chữ Thập nơi Trung Quốc đang không ngừng cải tạo và bồi đắp thành các căn cứ quân sự, biểu trưng cho tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông (Ảnh: CSIS)
|
Ông ấy đã thất bại trong chính sách xoay trục. Hơn nữa, ngay khi bắt đầu theo đuổi trục xoay của mình, ông Obama đã khiến Trung Quốc giật mình khi nghĩ rằng Mỹ có ý định "kiềm chế" tham vọng bành trướng của nước này. Hơn một năm sau, ông Tập Cận Bình được bầu làm chủ tịch nước và ngay sau đó đã đẩy mạnh công cuộc chinh phục toàn cầu của Trung Quốc.
Khi Trung Quốc bắt đầu bành trướng, ban đầu cả ông Obama và ông Biden đều cổ vũ cho nước này và ông Biden đã nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh không phải là mối đe dọa của nước Mỹ.
Nếu ông Biden thắng cử, phản ứng của Mỹ trước Trung Quốc sẽ rất mờ nhạt
Hiện giờ, ông Biden có vẻ đang “cứng rắn” với Trung Quốc, tuy nhiên sự thực là ông ấy không hề có kế hoạch nào để đối đầu với Bắc Kinh ngoại trừ đàm phán. Những bài học thất bại về quyền lực mềm từ thời tổng thống Obama sẽ được lặp lại. Về cơ bản, sẽ vẫn là chiến lược mà ông Biden đã sử dụng trước đây khi là Phó Tổng thống.
Có lẽ đảng Dân chủ không thực sự quan tâm đến chính sách đối ngoại. Cương lĩnh của họ có rất ít thông tin chi tiết về chiến lược đối với Trung Quốc. Đại hội Đảng Dân chủ đề cử ông Biden làm ứng viên chính thức đấu với ông Trump vào tháng 11 tới đã dành 7 tiếng đồng hồ cho các bài phát biểu trong hai ngày đầu tiên và từ “Trung Quốc” chỉ được nhắc đến đúng 1 lần.
Ông Biden cũng không đả động gì về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử sắp tới qua không gian mạng, sự quản lý đại dịch yếu kém của Trung Quốc và cáo buộc che giấu đại dịch cũng như sự thông đồng của nước này với Tổ chức Y tế Thế giới cùng nhiều động thái khác của Bắc Kinh.
Có thể đảng Dân chủ quan tâm đến việc thay đổi toàn diện nước Mỹ hơn là đối đầu với Trung Quốc.
(Chuyển ngữ: Đào Thúy)