Ông Biden có 50 năm kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, chủ yếu trong thời gian làm cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (từ 2007-2009 trong tư cách Chủ tịch) và khi làm Phó Thổng thống của ông Barack Obama (2009-2017).
Ông ấy luôn tự hào về những kinh nghiệm mà giờ đây đang trở lại ám ảnh ông ấy khi hàm ý của các quyết định mà ông đưa ra đang được giám sát kỹ lưỡng.
Ông Biden bị cả đồng nghiệp và những người phản đối cáo buộc đã thổi phồng vai trò lãnh đạo của ông trong việc hoạch định chính sách, thậm chí bịa đặt về những việc đã làm.
Đồng thời, ứng cử viên tổng thống thất sủng Bernie Sanders và những người ủng hộ ông ấy đã khiến ông Biden ngày càng tả khuynh. Ông Biden tin rằng ông phải từ bỏ các quan điểm trung dung trước đây của mình để theo đuổi các quan điểm lấy cảm hứng từ chủ nghĩa xã hội.
Mọi việc còn trở nên phức tạp hơn khi ông Biden, nói theo đúng nghĩa đen là đã lẩn trốn trong tầng hầm của mình để tự cách ly vì lo sợ Covid-19. Ông chỉ tổ chức một vài cuộc họp báo và đưa ra một vài quan điểm về chính sách đối ngoại.
Dựa trên những thông tin vô cùng ít ỏi mà chúng ta biết được, dưới đây là tổng quan về chương trình chính sách của ông Biden trong trường hợp thắng cử.
Cận cảnh Di sản Chính sách Đối ngoại của ông Trump
Khi ông Trump tranh cử tổng thống năm 2015-2016, cương lĩnh chính sách đối ngoại của ông có thể được tóm tắt trong một cụm từ: “làm ngược lại bất cứ điều gì ông Obama đã làm hoặc cố gắng làm”. Năm 2017 sau khi thắng cử, ông Trump đã thực hiện đúng như vậy: Ông đã phá hủy toàn bộ di sản của ông Obama.
Ông Biden thấy rõ sự khôn ngoan trong chiến lược này của ông Trump: Chiến dịch tranh cử của ông Biden có thể được tóm tắt trong một khẩu hiệu: “Tôi không phải là ông Trump”. Và một hệ quả tất yếu: “nhiều chính sách của ông Obama là chính sách tốt và chúng đều là ý tưởng của tôi”.
Một số chỉ dấu ban đầu hé lộ những chính sách tới đây của ông Biden…
• Tái gia nhập với châu Âu, Nga, Trung Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong Thỏa thuận Hạt nhân Iran, vốn đã bị ông Trump bãi bỏ năm 2018. Đồng thời, xóa bỏ hàng tỷ USD trong các lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự mà chính quyền TT Trump áp đặt lên Tehran mặc dù những khoản tiền này là nguồn tài trợ chính cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu do nhà nước Iran hậu thuẫn. Iran hiện đang trên đường đạt được vũ khí hạt nhân sau khi vi phạm thỏa thuận và tiếp tục hỗ trợ khủng bố.
• Tái gia nhập Thỏa thuận Biến đổi Khí hậu Paris và áp đặt lại các quy định về biến đổi khí hậu gây tốn kém rất nhiều cho nền kinh tế Mỹ, mặc dù hầu hết các quốc gia đã không đạt được các mục tiêu về khí hậu/năng lượng của họ. Trong khi đó, Mỹ đã đạt được hầu hết các mục tiêu dù TT Trump rút khỏi thỏa thuận.
• Cải thiện quan hệ với một số nước NATO, đặc biệt là Đức, với hy vọng thiết lập một mặt trận thống nhất hơn để chống lại mối đe dọa từ Nga. Và đề nghị, nhưng không bắt buộc các nước thành viên phải đóng góp ít nhất 2% GDP cho phí thành viên NATO. Đức chỉ đóng 1,2%.
• Tương tự như vậy, cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu, đặc biệt là liên quan đến thương mại, an ninh, năng lượng, biến đổi khí hậu, Trung Quốc và Nga. EU thường hành xử theo cách riêng của mình mà không màng đến mong muốn từ phía Mỹ.
• Tái cam kết với các cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Ủy ban Nhân quyền và Tòa án Hình sự Quốc tế - đây là những tổ chức mà ông Trump đã hoặc có thể ngừng ủng hộ bởi họ thường xuyên phản đối Mỹ và các chính sách của Mỹ.
• Thiết lập lại quan hệ ngoại giao và kinh tế bình thường với Cuba và có lẽ cả với Venezuela bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tẩy chay, đồng thời mở rộng thương mại và du lịch không trên nguyên tắc tương hỗ.
• Đảo ngược các chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump, thực hiện “biên giới mở” cho những người nhập cư bất hợp pháp và người tị nạn: xóa bỏ toàn bộ sắc lệnh về trục xuất, cấm đi lại, giam giữ và các rào cản đối với việc xin quyền công dân; đồng thời cung cấp dịch vụ y tế, nhà ở và giáo dục miễn phí cho người nhập cư bất hợp pháp.
Bảo vệ các chính sách đối ngoại thời ông Obama
Ông Biden luôn tự hào về các chính sách Trung Đông của mình, mặc dù hầu hết các chuyên gia đều coi những chính sách đó là thảm họa.
Chính quyền Obama-Biden ngay từ đầu đã quyết định rằng các cuộc chiến tranh, nội chiến và xung đột ở Trung Đông là hậu quả của sự can thiệp và lợi dụng của Mỹ nói chung cùng các chính sách của Mỹ ủng hộ các quốc gia có phần lớn dân số là dòng Sunni, đứng đầu là Arab Saudi và thông qua việc bảo vệ Israel, cũng như không ưa các quốc gia do người Shia thống trị — nhiều trong số đó thuộc nhóm thiểu số - dẫn đầu là Iran. Người Sunni chiếm 90% dân số Trung Đông, người Shia chỉ chiếm 10%.
Thay vì thúc đẩy hòa bình và ổn định, chính quyền Obama-Biden đã khiến mọi thứ tồi tệ hơn nhiều.
Cuộc biểu tình của người dân Ai Cập lật đổ Tổng thống Mubarak, đỉnh cao của Mùa xuân Arab năm 2010-2011, khởi đầu cho một thập kỷ bất ổn, bạo loạn và nội chiến triền miên ở Trung Đông. (Ảnh: Getty)
|
Ai Cập: Năm 2011, hầu hết các nước Trung Đông phải đối mặt với các cuộc nổi dậy của người dân trong sự kiện “Mùa xuân Ả Rập”. Tại Ai Cập, ông Obama đã đứng về phía những người nổi dậy chống lại Tổng thống Hosni Mubarak, đồng minh chính của Mỹ tại khu vực này trong suốt 30 năm.
Ông Obama ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi của tổ chức thánh chiến “Huynh đệ Hồi giáo”, người đã tiến hành phá hoại chính phủ dân chủ non trẻ. Người Ai Cập nổi loạn chống lại tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” và quân đội đã thực hiện một cuộc đảo chính vào năm 2013.
Năm 2017, Tướng Abdel El Sisi lên nắm quyền và khôi phục lại trật tự, nói cách khác là khôi phục nền dân chủ cho quốc gia này. Ai Cập hiện đang vướng vào cuộc chiến giữa Ả Rập Xê Út và Iran.
Syria: Ông Obama đã chọn không can thiệp vào cuộc nổi dậy của người dân chống lại Tổng thống Syria, Bashar al-Assad vào năm 2011. Quân đội Iran, lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon và lính đánh thuê của Nga đã trám vào chỗ trống của quân đội Mỹ.
Cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ đã nổ ra khiến 400.000-600.000 người thiệt mạng, 8 triệu người trong nước phải tứ tán khắp nơi và 6 triệu người phải tìm đường tị nạn sang châu Âu.
Libya: Ông Obama chấp nhận yêu cầu của châu Âu ném bom Libya để loại bỏ nhà lãnh đạo độc tài Muammar Gaddafi năm 2011. Sau khi ông Gaddafi bị các lực lượng nổi dậy tiêu diệt, Libya bế tắc trong một cuộc nội chiến chết chóc hiện vẫn đang tiếp diễn giữa các phe phái. Có đến 25.000 người đã thiệt mạng.
Yemen: Năm 2014, ông Obama coi Yemen như một hình mẫu để quản lý chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông. Không bao lâu sau tuyên bố đó, Yemen nổ ra cuộc nội chiến “ủy nhiệm” giữa Ả Rập Xê Út (người Sunni) chống lại Iran (người Shia).
Khoảng 250.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài, nhiều người chết đói hoặc chết vì dịch tả trong một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất.
Israel: Trước thời của ông Obama, Mỹ đã trợ cấp rất nhiều cho nền kinh tế và quân sự của Israel để đảm bảo nước này không bị các nước láng giềng Ả Rập loại bỏ. Israel đã chiến đấu hết mình trong các năm 1947-9, 1956, 1967, 1968-70, 1973, 1982 và 1991 để tồn tại.
Ông Obama tin rằng liên minh giữa Ả Rập Xê-út với Israel cản trở tham vọng chính sách của ông nhằm trao quyền cho Iran, kẻ thù truyền kiếp của Israel, vì vậy ông Obama bắt đầu đứng về phía những người Palestine.
Ông đã bỏ phiếu chống lại Israel tại LHQ, công khai chỉ trích nước này và hậu thuẫn cho Palestine.
Thỏa thuận hòa bình Israel-UAE: Ngày 14 tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ông Biden ngay lập tức nhận đó là công của mình.
Dường như ông Biden đã quên mất rằng chính ông và ông Obama đã chọn đứng về phía Iran và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo trong suốt 8 năm với nỗ lực làm suy yếu người Sunni. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là người Sunni!
Cải tiến cách tiếp cận “Quyền lực mềm” của ông Obama
Các phương pháp tiếp cận trong chính sách đối ngoại của ông Trump và ông Obama hoàn toàn trái ngược nhau trừ một ngoại lệ: cả hai đều từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn. Chỉ chưa đầy 70 ngày nữa, thế giới sẽ biết ai là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới (Ảnh: AP)
|
Ông Biden sẽ thực hiện phương pháp tiếp cận “quyền lực mềm” của ông Obama theo khuôn mẫu của Joseph Nye, cha đẻ của khái niệm “quyền lực mềm” được đưa ra vào cuối những năm 1980.
Ông Biden sẽ “lãnh đạo từ phía sau” – điều này có nghĩa là nhiều quyết sách sẽ được đưa ra với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như LHQ, NATO, Ngân hàng Thế giới, WHO và những tổ chức tương tự.
Nhiều khả năng ông ấy sẽ từ bỏ chủ quyền của Mỹ để lấy lòng các nước. Mỹ sẽ không “một mình một ngựa” như cách của ông Trump. Ông Biden là một người theo chủ nghĩa toàn cầu.
Để thực hiện “quyền lực mềm”, ông Biden dự định tham gia vào đối thoại, giải quyết xung đột, xây dựng sự đồng thuận, làm gương và sử dụng các kỹ thuật “mềm” khác như xuất khẩu văn hóa và giá trị Mỹ.
Kế hoạch của ông Biden là đàm phán và chỉ sử dụng lực lượng quân sự như một biện pháp cuối cùng, và rất hiếm khi dùng đến kể cả trong tình huống thực sự cần thiết.
Ông Biden có kế hoạch cắt ngân sách dành cho quân đội – thứ nhất là để đưa ra thông điệp rằng Mỹ là một đối tác toàn cầu hòa bình và thứ hai là để dùng khoản ngân sách đó tài trợ cho chương trình chính sách đối nội đầy tham vọng của ông ấy.
Năm 2009, chỉ sau 9 tháng tại vị, ông Barack Obama đã giành giải Nobel Hòa bình cho cách tiếp cận quyền lực mềm được mô tả là “những nỗ lực phi thường nhằm tăng cường ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”.
Sau đó, ông Obama và ông Biden tiếp tục tiến hành các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, giao chiến với ISIS ở Syria, can thiệp vào Yemen, tấn công Somalia và Libya, tài trợ cho phong trào Hamas của Palestine.
Ông Biden đã mời chính các cố vấn chính sách của chính quyền TT Obama để tư vấn cho ông. Chúng ta có thể mong đợi gì hơn ngoài những chính sách tương tự.
Gánh nặng chính trị trên vai
Lịch sử của những quyết định tồi: Trong 8 năm tại vị, ông Obama đã có bốn đời Bộ trưởng Quốc phòng. Hai người trong số đó, ông Robert Gates và ông Leon Panetta, đã ra sách chỉ trích cách quản lý các vấn đề an ninh quốc gia của ông Obama và ông Biden.
Ông Robert Gates (2006-2011) từng là Bộ trưởng dưới thời TT George W. Bush và TT Barack Obama. Ông Gates có một câu nói nổi tiếng trong cuốn sách của mình mang tên "Bổn phận: Hồi ức của một Bộ trưởng chiến tranh":
"Tôi cho rằng ông Biden đã sai trong hầu hết các chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh quốc gia chủ chốt trong bốn thập kỷ qua." Ông Gates cũng lưu ý rằng ông Biden “đã bỏ phiếu chống lại mọi chương trình vũ khí” khi còn ở Quốc hội.
Có lẽ ví dụ điển hình nhất là việc ông Biden khăng khăng muốn Mỹ rút quân sớm khỏi Iraq.
Ông Leon Panetta (2011-2013), Bộ trưởng Quốc phòng thứ hai của chính quyền Obama, trong cuốn sách “Những trận chiến xứng đáng: Ký ức Lãnh đạo trong Chiến tranh”, đã cảnh báo ông Biden, lúc đó là người phụ trách việc rút quân Mỹ khỏi Iraq, rằng ông không nên rút quân.
Tướng chỉ huy trong thời điểm đó, ông James Mattis, cũng cảnh báo ông Biden. Ông Biden đã cự tuyệt những lời khuyên này và nhanh chóng tiến hành rút quân. Thảm họa xảy ra sau đó.
Lực lượng thánh chiến Jihad, còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS), đã thành lập một đội quân khá lớn (80.000 đến 100.000 quân) vào năm 2014 gồm các chiến binh nước ngoài, và tiến hành chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria. Thất bại của cuộc nội chiến Syria chính là một kết quả thảm khốc.
Vụ bê bối Ukraine-Burisma. Ông Obama đã chỉ đạo ông Biden quản lý cuộc khủng hoảng Ukraine (2015+): đó là cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên tổng thống thân Nga và thân phương Tây, là việc Nga sáp nhập Crimea và là một cuộc nội chiến đang tiếp diễn.
Ông Biden đã đe dọa Ukraine rằng nếu Tổng thống nước này không sa thải Công tố viên đang điều tra Công ty Burisma, một công ty năng lượng có nhiều vấn đề mờ ám, thì ông Biden sẽ giữ lại khoản viện trợ nước ngoài trị giá 1 tỷ đô la của Mỹ dành cho Ukraine.
Thực tế là con trai của ông Biden, Hunter Biden, đã từng là thành viên Ban giám đốc Công ty Burisma và nhận thù lao lên đến hàng triệu USD mà không cần làm bất cứ công việc gì. Đảng Cộng hòa và Ukraine hiện đang điều tra ông Biden về tội tham nhũng.
Cuộc nội chiến Syria vẫn chưa kết thúc với những hậu quả thảm khốc. (Ảnh: New York Times)
|
Chính quyền Obama-Biden theo dõi ông Trump. Ông Obama và ông Biden hiện đang bị Bộ Tư pháp của chính quyền TT Trump điều tra về vai trò của họ trong việc khởi xướng cuộc điều tra bí mật do FBI, Bộ Tư pháp, và cơ quan tình báo thực hiện để xác định Tổng thống Trump có phải là đặc vụ của chính phủ Nga hay là tay sai của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mục đích của cuộc điều tra này là nhằm đánh bật ông Trump khỏi Nhà Trắng hoặc bằng mọi cách cản trở hoạt động điều hành của ông. Nhiều cuộc điều tra sau đó cho kết quả ông Trump không phải là gián điệp.
Điều đáng nói là các hành động của ông Obama và ông Biden, liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực liên bang để theo dõi một tổng thống sắp nhận nhiệm sở, không chỉ là chưa từng có tiền lệ mà còn là bất hợp pháp và phi đạo đức.
Một số báo cáo của công tố viên John Durham đang chờ được công bố. Những thông tin này có thể làm hỏng chiến dịch của ông Biden.
Viễn cảnh
Các cố vấn chính sách đối ngoại của ông Biden đã thừa nhận rằng ông ấy phải thay đổi cách tiếp cận dưới thời ông Obama trên cơ sở nhận thức rõ những hạn chế của phương pháp đó. Ở một phương diện khác, ông Biden và ông Obama, trong 8 năm tại vị, đã bằng mọi cách tô hồng cách tiếp cận của họ nhằm cứu vãn di sản Obama-Biden.
Sự mâu thuẫn này khiến cho việc dự đoán chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden trở nên khó khăn: liệu ông ấy sẽ lặp lại quá khứ hay sẽ đưa ra một cái gì đó mới mẻ? Có lẽ đây là lý do tại sao ông Biden vẫn chưa đưa ra cương lĩnh cụ thể nào.
Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ dự đoán về các chính sách của ông Biden dành cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương./.
(Chuyển ngữ: Đào Thúy)