Cuối tuần qua, FPT đã phối hợp cùng Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội tổ chức chương trình “FPT CEO Talk” với chủ đề “Phía sau những thành công” và bà Chu Thị Thanh Hà là một trong 3 khách mời tham dự chương trình này.
Đây là sự kiện thứ 10 của chuỗi chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc.
Bán máy tính, nhận lương 200.000 đồng/tháng
Chia sẻ tại FPT CEO Talk, bà Hà cho biết, thời gian là sinh viên trong trường Đại học Kinh tế Quốc dân bà Hà đã tham gia làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài, mặc dù công việc part-time nhưng đã hưởng mức lương 100 USD/tháng.
Do đó, việc đưa ra quyết định làm việc tại công ty nước ngoài và hưởng lương hàng trăm USD hay làm tại FPT với mức lương khởi điểm là 200.000 đồng/tháng, hỗ trợ thêm tiền ăn 80.000 đồng/tháng là quyết định rất khó khăn.
"Tôi đã mất 2 ngày để suy nghĩ về việc có nên tiếp nhận công việc ở FPT hay không. Ba mẹ muốn tôi làm tại công ty nước ngoài, lương cao, ổn định", bà Hà nói.
Khó khăn khi quyết định làm việc tại FPT hay không không chỉ ở mức lương mà còn ở đặc thù công việc, thời điểm đó bà Hà vào FPT với công việc đầu tiên là đi bán máy tính.
Tuy nhiên, bà Thanh Hà đã quyết định làm việc tại FPT. "Khi đến với FPT có những nét khác biệt. Ngay từ lúc bước chân vào thấy công ty không giống với những nơi khác và có điều "cuốn hút" từ FPT là rất nhiều người giỏi, sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ. Thứ 2 là tôi được làm những điều tôi cho là đúng và phát huy được sự sáng tạo của mình", bà Hà lý giải.
Bà Hà cho biết, tại FPT bà đã mất 1 năm bán máy tính, sau đó bán phần mềm kế toán khi phần mềm này còn sơ khai và cơ hội thực sự đến khi năm 1996 bà được sang Singapore dự Hội nghị công nghệ thông tin viễn thông.
"Lúc đó đã thấy Internet ở Singapore, thấy chữ chạy nhảy trên màn hình, thông điệp được gửi từ máy tính này sang máy tính khác và tôi ao ước khách hàng, người sử dụng ở Việt Nam được nhìn thấy và được sử dụng", bà Hà chia sẻ cảm xúc của mình thời điểm đó.
Nữ lãnh đạo kể, đến tháng 12/12/1997 Việt Nam gia nhập Internet và may mắn với FPT, khi ông Trương Đình Anh lập mạng Trí tuệ Việt Nam, Nhà nước và Bộ Thông tin truyền thông đã thấy mạng sẵn có nên đã trao giấy phép Nhà cung cấp dịch vụ Internet. Ông Trương Gia Bình thành lập Trung tâm Dịch vụ trực tuyến với 4 người và đưa dịch vụ Internet vào tiêu dùng.
Từng bị nghi là lừa đảo
Phía sau những thành công còn được bà Chu Thị Thanh Hà chia sẻ, trong vị trí là nhân viên bán máy tính, bà đã từng "dũng cảm" gõ cửa nhà từng khách hàng để bán máy tính, từng bị khách hàng cho là lừa đảo.
Khi bán hàng cho khách hàng với 10 cái máy tính, 5 chiếc điều hòa và 1 chiếc máy photo, mặc dù đã thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng nhưng máy photo khi khách hàng thử xảy ra lỗi trong quá trình foto, vị khách hàng nói rằng, tưởng FPT thế nào, ra cũng chỉ là lừa đảo.
"Tôi đã sốc và cảm thấy bị xúc phạm nhưng sau đó trấn tĩnh lại, gọi điện về công ty và yêu cầu cử một kỹ thuật viên xuất sắc nhất đến sửa và lỗi chỉ nằm ở chiếc ốc vít chưa được vít chặt", bà Hà nói.
Một câu chuyện khác vào năm 2002-2003, FPT có chiến dịch mở rộng thị trường ra nước ngoài, FPT mời khách hàng sang Việt Nam và nhân viên của chị đã sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của khách hàng đến từ Nhật Bản. Nhưng sau 3 ngày khách hàng vẫn chưa có câu trả lời chính thức về việc hợp tác hay không hợp tác, sau đó nhân viên của bà đã đến gặp trực tiếp khách hàng và lời chào khách hàng trước khi họ về nước là bài hát của FPT. Được thuyết phục bằng chính bài hát này, khách hàng đã ký hợp đồng với FPT và hiện vẫn là khách hàng lớn của FPT tại Nhật Bản.
"Thành công và thất bại bao giờ cũng đi song hành. Sự thành công đến sau nỗ lực và sự cố gắng, và chỉ đến với những người sẵn sàng nắm bắt cơ hội, sẵn sàng cống hiến tận tâm", vị lãnh đạo FPT Telecom nhấn mạnh.
Theo Bizlive