Theo Đông Phương ngày 15/1 dẫn tin của truyền thông Mỹ, theo hiệp định giai đoạn đầu, Trung Quốc cam kết sẽ mua số hàng hóa của Mỹ trị giá 200 tỷ thuộc bốn lĩnh vực chính là công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp và dịch vụ trong hai năm tới. Trước thềm lễ ký kết, ông Peter Navarro, Chủ nhiệm Ủy ban Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng, đã chỉ rõ: thỏa thuận này có cơ chế phục hồi; cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận, Mỹ sẽ áp dụng lại thuế quan trả đũa và Trung Quốc không được chống trả.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Phải) đã tới Mỹ để chuẩn bị kí hiệp định thương mại giai đoạn đầu (Ảnh: AFP)
|
Truyền thông Mỹ dẫn lời một số quan chức trong cuộc nói rằng trong số các loại sản phẩm Trung Quốc cam kết mua của Mỹ, sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất, với kim ngạch mua khoảng 75 tỷ USD, tiếp theo là năng lượng với khoảng 50 tỷ USD; các sản phẩm nông nghiệp chiếm khoảng 40 tỷ và các sản phẩm dịch vụ có giá trị từ 35 tỷ đến 40 tỷ USD. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc dịch văn bản hiệp định sắp hoàn thành và dự kiến nó sẽ được công bố rộng rãi trước khi thỏa thuận được ký bởi đại diện hai bên Trung Quốc và Mỹ.
Giới thị trường gần đây phán đoán Trung Quốc sẽ mua số lượng lớn các mặt hàng của Mỹ thuộc các lĩnh vực trên. Có nhà phân tích đã chỉ ra rằng trong thông báo về hiệp định thương mại giai đoạn đầu tiên do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ công bố hôm 13/12/2019, đã đặc biệt đề cập cụ thể đến các sản phẩm năng lượng trong phần “mở rộng thương mại”; chắc hẳn trong văn bản sẽ có cam kết mua hàng trong phạm trù này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định: Mỹ sẽ không cắt giảm hay bãi bỏ thuế quan hiện hành đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
|
Theo thông báo của Trung Quốc đưa ra vào tháng trước, văn bản của thỏa thuận bao gồm các phần: Lời mở đầu, Quyền sở hữu trí tuệ, Chuyển giao công nghệ, Thực phẩm và nông sản, Dịch vụ tài chính, Tỷ giá hối đoái và minh bạch, Mở rộng thương mại, Hai bên đánh giá và giải quyết tranh chấp và Điều khoản cuối cùng. Sau khi tuyên bố đạt được thỏa thuận, Trung Quốc và Mỹ đã lần lượt giảm hoặc hủy bỏ một số thuế quan trả đũa đã thực hiện trước đó.
Trong khi đó, ngay trước thềm ký kết hiệp định thương mại giai đoạn đầu Trung – Mỹ, truyền thông Mỹ hôm thứ Ba (14/1) đã trích dẫn tin tức nói rằng, mức thuế hiện hành của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể vẫn sẽ được duy trì tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020. Việc có miễn giảm thuế hay không phụ thuộc vào việc thực hiện thỏa thuận của phía Trung Quốc.
Theo Đông Phương, hãng Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận rằng, ít nhất 10 tháng sau khi ký kết hiệp định thương mại giai đoạn đầu (ngày 15/1), Mỹ sẽ đánh giá lại tiến trình thực thi thỏa thuận và xem xét liệu có nên nới lỏng hay cắt giảm mức thuế đối với 360 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ hiện đang áp dụng hay không. Thời gian để chính phủ của ông Trump xác minh việc thực thi thỏa thuận của Trung Quốc dự kiến sẽ không được đưa vào trong trong văn bản của hiệp định.
Các quan chức Mỹ trước đó đã tuyên bố rằng văn bản thỏa thuận dài 86 trang sẽ được công khai tại thời điểm ký kết. Trong đó không có kế hoạch nào cho việc Mỹ giảm thuế đối với Trung Quốc. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã trả lời câu hỏi của phóng viên Bloomberg qua email, nói: phần không công khai duy nhất của thỏa thuận là một phụ lục bí mật liệt kê chi tiết về số lượng hàng hóa mà Trung Quốc mua của Mỹ. Ngoài ra, giữa hai bên không có thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản khác liên quan đến những vấn đề này, cũng không có thỏa thuận nào về cắt giảm thuế quan trong tương lai.
Việc ông Donald Trump sẵn sàng ký hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu mà không cần ông Tập Cận Bình có mặt đã gây bất ngờ cho Trung Quốc (Ảnh: AP)
|
Theo Đa Chiều ngày 15/1, ngày 14/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã khẳng định với Reuters: Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép bằng cách đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc cho đến khi đạt được hiệp định thương mại giai đoạn hai. Nếu Tổng thống Donald Trump nhanh chóng bước vào giai đoạn hai thì ông ấy có thể xem xét việc hủy bỏ thuế quan như là một phần của hiệp định giai đoạn hai.
Cũng theo Đa Chiều, việc ông Donald Trump đích thân ký văn bản hiệp định với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã phần nào phản ánh mong muốn “lập công” của ông Trump, nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận và kiểm soát dư luận.
Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức xác nhận lần đầu tiên vào ngày 9/1 rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Washington từ ngày 13 đến 15/1 để ký hiệp định thương mại giai đoạn đầu tiên với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức tuyên bố ký thỏa thuận kể từ khi Washington và Bắc Kinh công bố thỏa thuận giai đoạn đầu tiên vào ngày 13/12/2019. Trong khi đó, ông Trump đã đăng trên Twitter vào ngày 31/12/2019 rằng ông sẽ ký hiệp định thương mại giai đoạn đầu tiên với một đại diện cấp cao của Trung Quốc tại Nhà Trắng vào ngày 15/1/2020 và ông sẽ đến thăm Trung Quốc sau đó.
Ông Trump trước đây đã tuyên bố rằng ông sẽ ký giai hiệp định thương mại đoạn đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng bây giờ ông sẵn sàng ký với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, điều này thực sự gây ngạc nhiên. Phía Mỹ trước đó cũng đã nói rằng thỏa thuận sẽ được ký bởi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và ông Lưu Hạc, người chịu trách nhiệm cho các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ. Tờ South China Morning Post đưa tin vào ngày 5/1/2020 rằng phía Trung Quốc không ngờ nhà lãnh đạo Mỹ đơn phương công bố ngày ký thỏa thuận và họ cũng không ngờ ông Trummp lại sẽ sẵn sàng ký thỏa thuận mà không cần có mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.