Trong dịp đại dịch Covid-19, nếu lấy Điều lệ V.League ra “soi” sẽ thấy VPF và Ban tổ chức giải đã “bỏ qua” rất nhiều quy định khiến cho chất lượng giải bóng đá cao nhất của Việt Nam sau 20 năm vẫn có nhiều sạn.
Nợ và nợ
Quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), HLV trưởng của các CLB tham dự V-League phải có bằng Pro trong chu trình cấp phép năm 2019 để tham dự giải năm 2020. Nhưng tính ra cho đến nay, ngoài các HLV ngoại, thì chỉ có một số nhà cầm quân Việt như Huỳnh Đức (SHB.Đà Nẵng), Thanh Hùng (Than Quảng Ninh), Đức Thắng (B.Bình Định) là có bằng Pro. Nên hai năm nay điều lệ giải chỉ cần có bằng đại học TDTT chuyên ngành bóng đá, hoặc bằng A HLV do AFC cấp.
HAGL đã nâng cấp ánh sáng. Ảnh HAFC
|
Thậm chí chỉ cần “tham gia khóa học”…rồi “tham gia khóa học nhưng không đạt” vẫn có thể đủ điều kiện cầm quân dự V.League, miễn là “từng HLV trưởng các đội bóng dự giải chuyên nghiệp hoặc HLV trưởng đội tuyển quốc gia trong vòng 5 năm gần đây”. Bản điều lệ để “cứu” các HLV tay ngang nhưng vô hình đã hạ thấp giá trị của HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Tháng 1-2019 VFF đã gửi văn bản cho AFC cho phép VFF áp dụng chính sách ngoại lệ với tiêu chí HLV trưởng CLB V-League phải có bằng Pro. Đó là điều khá “xấu hổ” nhưng chả biết đến lúc nào VPF mới chấm dứt tình trạng này… không hiểu V.League 2019 có HLV 33 tuổi, từ huấn luyện U17 nhảy thẳng lên đội 1 là kỷ lục buồn hay vui?
Năm ngoái, có đến 6 sân “nợ ánh sáng”, trong đó sân Vinh của tối nhất khi hệ thống đèn chiếu sáng trung bình chỉ đạt 382lux/900lux. Tiếp sau đó là đến lượt sân Pleiku của CLB HAGL khi chỉ đạt 538lux/900lux; SVĐ Lạch Tray của CLB Hải Phòng chỉ đạt 592lux/900lux; SVĐ 19/8 Nha Trang của CLB Sanna Khánh Hòa BVN chỉ đạt 721lux/900lux; SVĐ Thanh Hóa chỉ đạt 782lux/900lux; SVĐ Quảng Nam chỉ đạt 861lux/900lux nhưng vẫn được cấp phép. Đến nay, ngoài trừ HAGL, Lạch Tray đã tiến hành cải tạo lại hệ thống chiếu sáng, các sân khác chưa thấy động tĩnh.
Việc kiểm tra máy phát dự phòng của VPF cũng khá hời hợt, theo kiểu “cỡi ngựa xem báo cáo” nên mới có chuyện khán giả khắp cả nước ngơ ngác không hiểu chuyện gì xẩy ra trên sân Thiên Trường khi ánh sáng vụt tắt (trận gặp Quảng Nam). Trận đấu được truyền hình trực tiếp nên đã để lại hình ảnh xấu cho công tác tổ chức sân Thiên Trường và bóng đá Việt Nam.
Bạn bè sẽ nghĩ gì khi trên sóng truyền hình thấy những hình ảnh này? Ảnh NĐFC
|
Ngoài ra còn có một số SVĐ thiếu ánh sáng, nhiều phòng chức năng và các hạng mục trong SVĐ xuống cấp, mất vệ sinh, mặt cỏ cứng không đảm bảo yêu cầu chuyên môn, dễ dẫn đến chấn thương cho cầu thủ thi đấu trên sân… VFF cho biết có CLB V-League thậm chí không mua bảo hiểm y tế cho cầu thủ thi đấu trong đội hình 1.
Ngoại trừ Hà Nội và 1 số CLB được địa phương giao sân vận động, khá nhiều CLB V.League chỉ được giao sử dụng sân. Chính sự du di của VPF đã khiến nhiều CLB dường như bỏ qua khâu bảo dưỡng mặt sân, chấp nhận “tốn tiền viện, không tốn tiền sân”, dù chỉ tốn 300-400 triệu đồng/năm. Việc cải tạo, nâng cấp ngồi chờ địa phương đã đành, việc duy tu, bảo dưỡng mà cũng “ngửa tay xin” chả khác gì được cho mượn nhà ở dài hạn nhưng tiền vôi ve vẫn chờ chủ nhà.
Nỗi buồn xứ Nghệ
V.League 2020 sắp được thi đấu trở lại theo thể thức sân khách - sân nhà. Điều đó đồng nghĩa với việc SLNA sẽ phải mượn sân Thanh Hóa làm sân nhà. Trận derby xứ Nghệ sau 28 năm chờ đợi giữa đội bóng xứ Nghệ và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ đi vào lịch sử, khi tổ chức trên sân trung lập.
Ngay từ năm 1992, thời điểm Sông Lam Nghệ Tĩnh được bàn giao về cho Nghệ An, người dân bên bờ Nam sông Lam đã mong chờ ngày có trận derby xứ Nghệ. Nhưng phải mất 28 năm, điều đó mới trở thành hiện thực, SLNA sẽ đón tiếp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại vòng 9 V.League 2020. Có đến 99%, sân Vinh sẽ “bị treo” và điều này khiến cho trận derby vốn được xem là “trận đấu của năm” sẽ nhạt đi rất nhiều.
Mặc dù kinh phí bảo dưỡng sân không lớn nhưng do VPF du di, nên ngoài sân Vinh vẫn còn khá nhiều sân V.League đã "bỏ qua" khâu chăm sóc mặt cỏ. Ảnh VPF
|
Việc cán bộ của VPF tự xé rào, vi phạm điều 4 Điều lệ giải vô địch V.League 2020 nhắm mắt cấp phép tổ chức thi đấu cho sân Vinh đã bị cổ động viên và báo chí lên tiếng. Đây không phải là lần đầu tiên sân Vinh bị đánh giá sân xấu, ánh sáng không đủ để thi đấu và câu chuyện cũng không phải chỉ riêng của SLNA. Có điều liên tiếp mấy mùa cầu thủ SLNA chấn thương nhiều quá, xót cầu thủ và xót tiền điều trị bệnh viện nên người ta không thể tiếp tục làm ngơ.
Thực ra, sân Vinh không đến nỗi tệ tế nếu VPF không “ngoảnh mặt làm ngơ”, bởi cách đây 7 năm người ta còn thấy sân bóng này có xe cắt cỏ, hệ thống phun nước tự động. Không phải dùng "máy chấm cơm" thủ công trong bão đưỡng như hiện nay.
Thoạt nhìn, mặt sân chỉ là cỏ lá gừng nhưng xanh mướt, mặt sân êm và đẹp chả thua gì Câm Phả, Gò Đậu hiện nay. Nhưng rồi “phú quý sinh giật lùi”, đến nay công tác bảo dưỡng sân Vinh còn thua sân tập của khá nhiều đội bóng V.League có sự lỏng tay của VPF.
Chỉ cần có tờ công văn A4, không đầy 48 giờ sau nhà tài trợ giấu mặt của đội bóng xứ Nghệ đã thông báo cấp 300 triệu để tạm thời cải tạo mặt sân. Nhưng phải mất vài năm, cùng hàng chục ca chấn thương và không biết bao nhiêu chi phí bệnh viện VPF và SLNA mới làm được cái điều đơn giản thế.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, VPF không thể phủi trách nhiệm khi tự mình đề ra các điều lệ V.League rồi lại đi xé rào khá nhiều quy định như thế!