Những phụ kiện nào không nên gắn lên ô tô?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc trang bị thêm phụ kiện kèm theo xe ô tô là vô cùng cần thiết. Nhưng không phải trang bị nào cũng tốt, mà cần lựa chọn một cách kỹ lưỡng.

Một số phụ kiện cần thiết

Dán phim cách nhiệt, thảm trải sàn da

Đây là bộ đôi phụ kiện có thể xem là cần thiết nhất đối với người dùng sử dụng xe. Việc trang bị thêm phim cách nhiệt lên kính xe sẽ giúp tránh ánh nắng mạnh cũng như giảm bớt sức nóng khi di chuyển vào những thời điểm nắng nóng, từ đó đem lại sự thoải mái và riêng tư cho người trong xe.

Hiện nay có rất nhiều loại phim dán kính cách nhiệt trên thị trường, giá cả sẽ dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tuỳ theo chất lượng và nhu cầu của người sử dụng.

Bên cạnh phim cách nhiệt, thảm trải sàn cũng là phụ kiện cần thiết sau khi nhận xe từ đại lý. Thảm lót sàn ô tô thường được nhiều người sử dụng để tránh bụi bẩn, nước hay đồ ăn rơi xuống sàn xe và tạo ra mùi hôi, ẩm mốc gây hại đến sức khỏe.

Thảm trải sàn có nhiều loại như thảm nỉ, thảm cao su, thảm da, thảm da 3D, 6D...

sàn.jpeg
Thải sàn ô tô, phụ kiện tối cần thiết cho mọi chiếc xe.

Để tránh trường hợp phải thay đổi thảm thường xuyên gây lãng phí, người dùng nên lựa chọn những loại thảm lót sàn dễ sử dụng, được làm từ chất liệu an toàn cho sức khỏe, môi trường.

Cảm biến áp suất lốp

Cảm biến áp suất lốp là một phụ kiện không thể thiếu trong quá trình sử dụng xe. Áp suất của lốp ôtô có tác động rất quan trọng đến quá trình vận hành của ôtô. Dụng cụ hỗ trợ tài xế để giám sát áp suất lốp được gọi là cảm biến áp suất lốp.

Nhiều mẫu xe sang hoặc có giá trị lớn sẽ được tích hợp tính năng này. Tuy nhiên, với những xe không được nhà sản xuất trang bị, người dùng nên sở hữu để gia tăng độ an toàn cũng như chủ động hơn khi lái xe.

Nhiều loại cảm biến áp suất lốp được tích hợp nhiều tính năng an toàn. Ngoài hiển thị thông tin và thông báo tình trạng lốp xe, chúng còn có thể đưa ra thông tin giao thông hữu ích dành cho người lái xe như: camera giao thông, tốc độ di chuyển, tốc độ giới hạn hay thông tin trạng thái xe...

Camera hành trình và camera cảm biến lùi

Tình hình giao thông ngày càng trở nên phức tạp hơn tại các đô thị. Việc chiếc xe được trang bị camera hành trình tích hợp cảm biến lùi được sử dụng phổ biến nhờ những công dụng như: giúp người dùng quan sát tốt hơn, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và tránh tình trạng xe bị va chạm vào xe khác...Mặt khác, loại phụ kiện này còn giúp lưu lại toàn bộ hành trình xe di chuyển để sử dụng và đối chiếu khi cần thiết.

Camera hành trình không những giúp người dùng quan sát tốt hơn mà còn lưu lại toàn bộ hành trình xe di chuyển để sử dụng và đối chiếu khi cần thiết.

Bơm lốp ô tô, gương cầu góc rộng

Bơm lốp ô tô được xem là phụ kiện không thể thiếu trong suốt hành trình di chuyển của các tài xế, đặc biệt là trong các chuyến hành trình dài. Phụ kiện này sẽ giúp các lái xe giải quyết được nhanh chóng trình trạng xe không may bị hết hơi.

gương lồi.jpeg
Gương cầu lồi nhỏ lắp trên gương chiếu hậu ngoài xe giúp quan sát điểm mù tốt hơn.

Gương chiếu hậu góc rộng hay còn được gọi là gương cầu xóa điểm mù thường được gắn phụ trên gương chiếu hậu có khả năng cho góc chiếu rộng hơn, từ đó giúp tăng tối đa tầm quan sát cho người lái, hỗ trợ lái xe an toàn hơn.

Những phụ kiện không nên trang bị cho xe

Bọc vô lăng

Bọc vô lăng bằng da đang được rất nhiều lái xe sử dụng, không chỉ vì thẩm mỹ mà còn nhằm “giữ zin” cho lớp vật liệu vô lăng nguyên bản. Bên cạnh đó, việc tăng kích thước các vị trí cầm, nắm cũng giúp một số người cảm thấy thoải mái hơn khi lái xe.

Tuy nhiên, đây là phụ kiện bị nhiều chuyên gia ô tô khuyến nghị không nên sử dụng bởi trong tình huống khẩn cấp có thể khiến việc kiểm soát vô lăng không còn chính xác. Đặc biệt, nếu không thường xuyên vệ sinh thì phía dưới bọc vô lăng rất dễ tích tụ nước, chất bẩn...khiến đây thực sự trở thành một ổ vi khuẩn, ảnh hưởng lớn đến những người ngồi trên xe.

Vè che mưa

Vè che mưa có mục đích giúp tránh nước bắn vào bên trong khi hạ kính xuống tạo khe hở trong điều kiện trời mưa hoặc đỗ xe trời nắng để lưu thông không khí tốt hơn. Đây là phụ kiện được không ít người lắp thêm và còn được nhiều showroom tặng kèm cho khách. Tuy vậy, phụ kiện này cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, thậm chí gây nguy hiểm cho lái xe.

Theo nhiều chủ xe, vè che mưa có thể che khuất một phần tầm nhìn, đặc biệt là ở khu vực cột A. Phụ kiện này còn khiến chiếc xe bị tăng độ cản gió, gây ra tiếng "ù ù" vọng vào trong xe. Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng thì vè che mưa sẽ bị lão hóa, lớp keo dán không còn dính chắc khiến phụ kiện này trở nên ọp ẹp, khi bóc ra sẽ nham nhở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Đồ trang trí đặt trên táp lô

Không ít chủ xe có sở thích bày đủ thứ trên mặt táp lô, từ các bức tượng bằng gỗ, đá cho tới mô hình đồ chơi, ốp trang trí, nước hoa, quả cầu pha lê…Những đồ vật trang trí này đôi khi có kích thước khá “khủng”, không chỉ rối mắt, cản trở tầm nhìn và khiến lái xe mất tập trung mà còn có nguy cơ trở thành mối họa lớn trong những tình huống khẩn cấp.

Khi xe tăng tốc nhanh hoặc gặp va chạm, lực quán tính có thể khiến chúng làm vỡ kính lái hoặc gây thương tích cho hành khách. Tai hại hơn, nếu các phụ kiện này được đặt lên phần bề mặt che túi khí bên ghế phụ, túi khí nổ với lực rất mạnh có thể làm người ngồi trong khoang lái bị thương.

Chốt dây an toàn giả

Nhiều người sử dụng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô. Những chủ xe lười sử dụng dây an toàn thường sử dụng phụ kiện này để tránh phải nghe tiếng cảnh báo phát ra liên tục.

084057-2.jpg
Người dùng không nên sử dụng chốt an toàn chỉ để chống đối.

Tuy nhiên, khi va chạm xảy ra, việc không đeo dây an toàn khiến tỷ lệ thương vong cao hơn rất nhiều. Túi khí nổ cũng có thể khiến người ngồi trên xe bị gãy cổ nếu không đeo dây an toàn đúng cách. Do đó, hãy bỏ ngay phụ kiện này và tập thói quen đeo dây an toàn đúng cách mỗi khi ngồi lên xe, kể cả ngồi ở hàng ghế sau.

Chưa kể, nếu người dùng lái xe mà không thắt dây an toàn, theo quy định sẽ bị xử phạt. Quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi không thắt dây an toàn khi đang di chuyển sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng (tại vị trí có trang bị dây an toàn).