Sáng kiến mà Bắc Kinh đưa ra về việc tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, diễn ra trong hôm thứ Tư vừa qua, đã làm biến đổi đáng kể tình hình địa chính trị của việc NATO không ngừng mở rộng về phía Đông và việc khối đồng minh này triển khai binh lực tới sát biên giới Nga.
Tuyên bố về cuộc họp trực tuyến xuất hiện sau khi diễn ra cuộc họp các Ngoại trưởng của nhóm G7 tại Liverpool, Anh hôm Chủ nhật tuần trước. Điểm nổi trội trong cuộc họp này chính cáo buộc của Washington cho rằng Nga đang điều động quân lực sát biên giới Ukraine đồng thời đe dọa Moscow về “những hậu quả to lớn và nghiêm trọng”.
Cuộc họp của G7 cũng được coi là một màn diễn để thể hiện sự đồng lòng của phương Tây trong việc đối phó với Nga và Trung Quốc. Lần đầu tiên, các nước ASEAN tham gia vào hội nghị cấp bộ trưởng của G7, như một phần trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden để bắt đầu một “khung làm việc kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương” mới để đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm đầu tuần này nói rằng, cuộc họp trực tuyến giữa ông Tập và ông Putin được kỳ vọng sẽ “tổng kết lại kết quả của sự hợp tác và mối quan hệ song phương trong năm nay, định hình mối quan hệ trong năm tới, và trao đổi quan điểm về các vấn đề lớn trên quốc tế và trong khu vực mà hai bên cùng quan tâm.”
Ông Uông Văn Bân nói rằng cuộc họp trực tuyến Putin-Tập”sẽ tiếp tục tăng cường lòng tin giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy sự hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga và sự phát triển của hợp tác thực tiễn toàn diện”. Ông kết luận: “Điều này sẽ tạo ra sự ổn định và năng lượng tích cực cho bối cảnh quốc tế vốn đang phức tạp.”
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, sau đó công bố rằng ông Putin và ông Tập sẽ thảo luận về luận điệu hiếu chiến của NATO và tình hình căng thẳng ở châu Âu. Theo lời của ông Peskov, hai nhà lãnh đạo “sẽ trao đổi quan điểm của họ về các vấn đề quốc tế. Những diễn biến gần đây trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở châu Âu, hiện đang rất căng thẳng và điều này rõ ràng là cần có sự thảo luận giữa các đồng minh, giữa Moscow và Bắc Kinh.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại trụ sở của NATO (Ảnh: AFP) |
Ông Peskov thêm rằng Nga đang đối diện với “luận điệu cực kỳ hung hăng của cả Mỹ và NATO”, và đây cũng là vấn đề cần thảo luận. Nhìn chung, ông nhấn mạnh về tình hình căng thẳng ở châu Âu, điều khiến Nga phải tổ chức một cuộc tham vấn với đồng minh thân cận của họ, Trung Quốc.
Cuộc họp trực tuyến này là một sự kiện cho thấy Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau đến mức nào. Các nhà quan sát sẽ theo dõi sát sao xem liệu Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì, nếu có, trong các viễn cảnh được đặt ra, giữa lúc mà sóng gió đang bủa vây cả khu vực Đông Âu lẫn Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Quan trọng hơn, cuộc thảo luận vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo có nằm trong phạm vi của kế hoạch hợp tác quân sự Nga-Trung trong giai đoạn 2021-2025 mà hai nước đã ký kết vào ngày 23/11 vừa qua hay không?
Trong lúc ký kết thỏa thuận này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói: “Trung Quốc và Nga đã là đối tác chiến lược của nhau suốt nhiều năm. Ngày hôm nay, trong những điều kiện bất ổn địa chính trị tăng dần và nguy cơ xung đột đang tăng ở nhiều phần của thế giới, sự phát triển trong quan hệ của chúng ta là đặc biệt thích hợp.”
Đáng chú ý, ông Shoigu đã thu hút được sự chú ý của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khi nói về số lượng chuyến bay ngày càng nhiều của các máy bay ném bom chiến lược Mỹ gần biên giới Nga. Ông nói: “Trong tháng này, 10 máy bay chiến lược của Mỹ đã huấn luyện cho viễn cảnh sử dụng vũ khí nguyên tử nhằm vào Nga, từ cả phía Tây và phía Đông” và xuất hiện ở vị trí cách biên giới Nga chỉ 20 km.
Ông Shoigu cũng nhấn mạnh về số chuyến bay tăng mạnh của các máy bay ném bom Mỹ trên biển Okhotsk, nơi mà chúng luyện tập phóng tên lửa hành trình. Ông nói rằng đây là một mối đe dọa đối với cả Nga và Trung Quốc. “Trong một môi trường như vậy, quan hệ hợp tác Nga-Trung trở thành một nhân tố bình ổn trong các vấn đề toàn cầu”, ông Shoigu nói.
Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thời điểm đó nói rằng hai bên sẽ “tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược giữa quân đội hai nước, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong tập trận chiến lược, tuần tra chung và nhiều lĩnh vực khác, và tiếp tục đóng góp cho việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Nga và Trung Quốc, duy trì an ninh và sự ổn định trong khu vực và quốc tế.”
Đưa tin về thỏa thuận này, tờ SCMP bình luận rằng Nga và Trung Quốc “đang tiến đến gần hơn với cái được coi là khối đồng minh quân sự để chống lại sức ép đang tăng từ Mỹ”. Việc ký kết một lộ trình hợp tác quân sự cho thấy rằng cả Nga và Trung Quốc sẵn sàng phản kháng lại sức ép từ Mỹ nhờ vào các nỗ lực quân sự chung nếu cần.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng thống Putin trong năm 2020 (Ảnh: AFP) |
Mỹ không thể cùng lúc đối phó với cả Nga và Mỹ về mặt quân sự, và nếu như Nga bung ra sức mạnh quân sự của họ, điều đó có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Á-Âu và khiến Mỹ bất lợi. Mỹ hiện vẫn sở hữu quân đội mạnh nhất thế giới và không nghi ngờ gì khi nói rằng quân đội của Mỹ mạnh hơn của Trung Quốc và của Nga, nếu so sánh riêng biệt từng nước. Nhưng sự hợp lực của Nga và Trung Quốc lại có thể vắt kiệt sức của Mỹ xét về mặt chiến lược.
Lyle Goldstein – chuyên gia về Trung Quốc và Nga từng là giáo sư tại Học viện Chiến tranh Hải quân – nói với tạp chí Newsweek hôm đầu tuần này rằng: “Tôi nghĩ rằng Moscow và Bắc Kinh tính toán rằng họ có thể kéo chúng ta (Mỹ) vào một dạng hỗn loạn tối đa, bởi hai mặt trận ở cách nhau khá xa, và các lực lượng có liên quan cũng rất khác. Tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy được lợi ích của việc kéo chúng ta theo hai hướng khác nhau ở cùng một thời điểm.”
Theo đánh giá của ông Goldstein: “Tôi không nghĩ Mỹ đã sẵn sàng lao vào một cuộc chiến ở Ukraine. Tôi không cho rằng Mỹ sẵn sàng lao vào cuộc chiến ở Đài Loan. Và để làm cả hai cùng lúc, chắc chắn là không rồi.”
Vị chuyên gia giải thích rằng, viễn cảnh Ukraine và Đài Loan “đều rất căng thẳng bởi chúng liên quan tới các cuộc chiến căng thẳng diễn ra trên những mặt trận rất khó khăn. Nếu chúng ta lao vào, có khả năng khá cao là chúng ta sẽ thua cuộc.”
Lãnh đạo Trung Quốc, Nga dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc thảo luận trong năm 2022 (Ảnh: AFP) |
Cuộc họp trực tuyến trong hôm thứ Tư vừa qua cũng được xem như bước chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh, theo lời mời riêng của Chủ tịch Tập, tham dự Thế vận hội mùa Đông 2022.
Việc hai nhà lãnh đạo gặp gỡ trực diện ở Bắc Kinh vào đầu tháng 2/2022 chắc chắn sẽ là một sự kiện đáng chú ý, và mang ý nghĩa tăng cường sâu hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nhìn chung, cuộc họp trực tuyến trong tuần này diễn ra trong lúc mà quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trở nên căng thẳng, và sự kiện này là cũng cho thấy Bắc Kinh đã nhận ra rằng “chỉ bằng việc chung tay với nhau, Nga và Trung Quốc mới có thể chống lại đòn tấn công từ bè nhóm mà Mỹ dẫn đầu và tránh bị rơi vào chỗ thụ động”, như bình luận của Cui Heng, một học giả có tiếng của Trung Quốc, đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu