Sau những lần chia thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt, giờ đây những cổ đông đầu tiên và “chung thủy” của VCB đã thấy khoản đầu tư của họ gần ngang ngửa với mức đấu giá thành công IPO cách đây bảy năm là 102.000 đồng, tức là đã hòa vốn.
Tổ chức trên cho biết họ sẽ bán dần cổ phiếu VCB để thu hồi vốn. Khi được hỏi biết đâu giá cổ phiếu còn tăng, sao không giữ lâu hơn để có lời, ông không ngần ngại trả lời giờ khoản đầu tư không còn phải trích dự phòng rủi ro, cũng không ai phải chịu trách nhiệm lời lỗ nữa, sao không thanh lý nó?
Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI - một tổ chức có tỷ trọng lớn các cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đầu tư, đang có một năm kinh doanh thuận lợi - nhận xét cổ phiếu VCB đã vượt qua vùng “giá trị đầu tư” (fair value), phản ánh trong nó tất cả kỳ vọng sự phục hồi của ngành ngân hàng. “Chứng khoán thường đi trước nền kinh tế từ 6-12 tháng, nhưng thị giá cổ phiếu VCB có thể đã đi trước cả hai năm”, ông Phúc nói. SGI đã so sánh VCB với các cổ phiếu ngân hàng quy mô, vị thế tương tự trong khu vực và thế giới và thấy rằng mọi sự chiết khấu đã được san bằng, các chỉ số của cổ phiếu VCB không hề thấp hơn các đồng nghiệp quốc tế.
Vậy thì điều gì đã thu hút dòng tiền chảy vào VCB và một số cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây? Trước hết là giá trị vốn hóa của VCB đang cao nhất thị trường, đạt 145.242 tỉ đồng, tương đương 6,65 tỉ đô la Mỹ. Giá trị vốn hóa của VCB đã vượt GAS từ lâu (hiện giá trị vốn hóa của GAS là 120.332 tỉ đồng) và tầm ảnh hưởng của VCB đến VN-Index đang thể hiện rõ. Muốn VN-Index tăng/giảm, các tổ chức chỉ mua/bán VCB, khiến giá biến động là VN-Index thay đổi theo. Các quỹ mở, các quỹ ETF chuyên đầu tư theo chỉ số chỉ cần “thả” vào phiên giao dịch trước giờ đóng cửa một vài lệnh bán/mua VCB, là hoàn toàn có thể điều khiển được VN-Index. Vietcombank-Index đã chính thức thay thế GAS-Index!
Chính điều này đã tạo nên khoảng cách trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, cách biệt giữa cổ phiếu ngân hàng và những nhóm khác. Trong khi VCB, BID, CTG, ACB đã tăng giá ấn tượng thì STB, MBB, EIB, SHB, NAB... vẫn chưa tạo được một con sóng hấp dẫn nhà đầu tư. Ở tốp trên ACB về thực lực chưa thể bằng vai phải lứa với các “ông lớn” nửa quốc doanh, nhưng ACB có vai trò trong việc “đưa đẩy” chỉ số Hnx. Và nếu muốn chỉ số sàn Hà Nội biến động, người ta chỉ cần giao dịch mạnh hoặc yếu cổ phiếu ACB là xong!
Trong khi tốp trên cổ phiếu ngân hàng có thể đang vượt quá giá trị thực của chúng, thì hàng loạt cổ phiếu các ngành nghề khác chưa hề biết thế nào là tăng trưởng từ đầu năm đến nay. Một số nhóm tự “an ủi” bằng độ tăng trưởng 5-10%, bằng một phần năm, một phần mười mức tăng cổ phiếu các tổ chức tín dụng. Một số tăng trưởng âm như bất động sản, xuất khẩu chế biến thủy sản, dược phẩm, vận tải biển, in ấn sách... Nguyên nhân chủ yếu chưa có dòng tiền mới chảy vào chứng khoán. Tiền đang vận động trong thị trường vẫn là tiền cũ, eo hẹp và để có thể tập trung vào ngành nghề này, nó phải thoái ra khỏi những ngành nghề còn lại. Sự phân bổ của một nguồn lực mỏng không thể dàn trải cho mọi nhóm cổ phiếu.
Ngay sau khi Nghị định 60 về mở room được ban hành, khối ngoại đã mua ròng tầm 1.000 tỉ đồng tại sàn Hose trong năm phiên liền, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Hiện dòng tiền ngoại đang dẫn dắt thị trường vì vốn nước ngoài không ký quỹ (margin), không chịu áp lực giải chấp và nó có khả năng ở trong thị trường dài hơi hơn vốn từ khối nhà đầu tư nội. Cho đến khi room được thực tế hóa từ 1-9-2015, tiền ngoại sẽ đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao và “mai phục” ở những cổ phiếu hiện đã đầy room. Khoảng các giữa các nhóm cổ phiếu, vì thế, sẽ ngày càng giãn rộng.
Sự giãn rộng sẽ dẫn tới một số bất hợp lý trong định giá giá trị của cổ phiếu. Những cổ phiếu vốn hóa tầm trung, thanh khoản chưa nhiều đang trở nên rẻ và rất rẻ so với mặt bằng chung. VCB đang được giao dịch với P/E khoảng 32 lần dựa trên mức lợi nhuận sau thuế năm ngoái, thuộc hàng PE cao nhất thị trường. Chỉ số PE của VCB và cả nhóm ngân hàng khó có khả năng cải thiện trong năm nay khi trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu tiếp tục trong chiều hướng đi lên.
Ngay cả những cổ phiếu có mức tăng trưởng EPS ổn định và tốt hơn VCB nhiều như Vinamilk, Dược Hậu Giang cũng đang “chào thua” VCB về chỉ số PE. Còn những cổ phiếu đang có mức tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm nay từ 20% trở lên so với cùng kỳ như FPT, DPM, MWG, CII, HSG... thì khoảng cách giữa thị giá và PE càng cách biệt so với “anh cả” VCB.
Sự bất hợp lý sẽ không tồn tại mãi bởi dòng tiền thông minh trước sau cũng khỏa lấp nó để đưa thị trường về mức cân bằng trước khi bắt đầu khởi động một chu kỳ mới. Những cổ phiếu bị định giá rẻ, có tốc độ tăng trưởng sẽ được dòng tiền tìm đến. Cho dù vốn nước ngoài đang chiếm 25% tổng lượng tiền đầu tư cổ phiếu niêm yết trên cả ba sàn, tiền nội mới quyết định thời điểm nào VN-Index vượt 650 điểm trong năm nay.
Theo TBKTSG