Đây là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc – và đối với một số người thì đây là dịp duy nhất họ có đủ thời gian nghỉ để trở về quê và đoàn tụ cùng gia đình mình. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, rất nhiều người dân Trung Quốc không thể thực hiện những truyền thống cổ xưa như những năm trước đó.
Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều truyền thống và tín ngưỡng mà người dân Trung Quốc vẫn tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo có một năm may mắn và thịnh vượng. Ví dụ, nhiều người đã biết rằng màu đỏ tượng trưng cho may mắn và sự thịnh vượng, bởi vậy đó cũng là sắc màu chủ đạo trong cách bài trí và trang phục mỗi dịp Tết ở Trung Quốc.
Sau đây là một số điều mà người Trung Quốc thường làm và kiêng kỵ trong dịp Tết, theo truyền thống cổ xưa.
1. Những điều thường làm
Đốt pháo
Theo phong tục dịp Tết cổ truyền ở Trung Quốc, đốt càng nhiều pháo thì càng tốt. Không chỉ để thắp sáng bầu trời đêm Giao thừa, mà tiếng pháo nổ còn được cho là giúp xua đuổi tà ma.
Ở nhiều vùng của Trung Quốc, người ta dễ dàng nghe thấy tiếng pháo nổ trong suốt khoảng thời gian 15 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, còn được gọi là Lễ hội mùa Xuân – mặc dù nó diễn ra vào khoảng giữa mùa Đông. Một số người thậm chí thích đốt pháo cả vào buổi sáng.
Ăn sủi cảo
Ăn sủi cao vào những ngày lễ là phong tục truyền thống ở miền Bắc Trung Quốc, và có nhiều lý do để làm vậy.
Thứ nhất, rất đơn giản: Sủi cảo rất ngon và là món ăn được nhiều người ưa chuộng.
Thứ hai, sủi cảo trong tiếng Trung đọc là “jiao zi”, gần giống với một từ cổ có nghĩa là cái mới thay thế cái cũ.
Cuối cùng, hình dáng của sủi cảo Trung Quốc trông giống như thỏi vàng thường được sử dụng như tiền trong thời cổ đại ở nước này. Một đĩa đầy sủi cảo trông giống như rất nhiều thỏi vàng xếp cùng nhau, tượng trưng cho một năm mới sung túc.
Lau dọn nhà cửa
Quét nhà, lau nhà, lau kính cửa sổ, dọn mạng nhện…người Trung Quốc làm mọi thứ có thể để ngôi nhà của họ trở nên sạch sẽ hơn, và quan trọng là phải dọn xong trước đêm Giao thừa.
Mục đích của việc này là để xua đuổi hết mọi thứ xui xẻo trong năm cũ khỏi ngôi nhà của họ, để đón năm mới may mắn hơn. Người Trung Quốc cũng muốn trả hết nợ nần trước dịp năm mới, thậm chí cả nợ trong thẻ tín dụng, bởi họ tin rằng khởi đầu một năm như thế nào thì kết thúc năm cũng như vậy.
2. Những điều kiêng kỵ
Cắt tóc hoặc gội đầu
Người Trung Quốc kiêng đụng vào đầu tóc trong ngày đầu tiên của năm mới. Điều này là do chữ “tóc” trong tiếng Trung cũng là chữ đầu tiên trong chữ chỉ sự thịnh vượng. Bởi vậy mà gội đầu hoặc cắt tóc bị cho là sẽ cuốn sạch tài sản đi và giảm sự thịnh vượng của một người trong năm mới.
Ở một số vùng, người dân thậm chí còn hạn chế tắm rửa trong ngày đầu tiên vì cùng lý do như trên.
Quét nhà đầu năm mới
Ở Trung Quốc, cần đảm bảo rằng nhà cửa phải được lau chùi sạch sẽ, rác phải đổ hết trước đêm Giao thừa. Nếu không, bạn sẽ phải chờ đến ngày mùng 2 của năm mới mới được làm những điều trên.
Quét dọn, dù là ở hình thức nào, trong ngày đầu tiên của năm mới, đều bị cấm ngặt ở Trung Quốc. Thậm chí, việc rửa chén bát cũng là điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới.
Người Trung Quốc tin rằng, bạn đã lau dọn nhà cửa trước Tết để xua đuổi hết điều xấu xa – và trong ngày mùng 1 không được quét dọn, lau chui nữa để tránh xua đi vận may mà họ đã đón nhận được trong dịp Giao thừa.
Mua sách
Những người yêu sách ở Trung Quốc chắc chắn sẽ phải tích lũy vài cuốn trước dịp Tết đến, bởi sẽ là vận xui nếu như họ mua nó trong khoảng thời gian 15 ngày Lễ hội mùa Xuân.
Trong tiếng Trung, chữ “sách” (shū) phát âm gần như giống hệt với từ "thua" – bởi vậy mua một cuốn sách trong dịp Tết bị cho là thu vào vận rủi. Và đương nhiên, người Trung Quốc cũng tránh tặng sách cho người khác, bởi làm vậy không khác gì mang vận rủi cho họ.