Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH 2016

Nhiều trường ĐH đã xây dựng xong phương án tuyển sinh năm 2016 với nhiều thay đổi so với các năm trước.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học ở TP.HCM năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học ở TP.HCM năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển chung

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phương án tuyển sinh năm nay cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2015. Theo đó, ĐH này vẫn xét thí sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ tổ chức tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Ngoài ra, ĐH này vẫn duy trì việc sơ tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT với điểm tối thiểu xét vào ĐH là 6,5 và xét vào CĐ là 6.

Tuy nhiên, ĐH này dự kiến đổi mới quy trình xét tuyển theo nguyên tắc chung trong toàn hệ thống. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, cho biết ĐH này sẽ tiến hành nhận hồ sơ xét tuyển chung nên thí sinh sẽ không nộp hồ sơ vào từng trường cụ thể như năm trước. Cụ thể, trong một đợt xét tuyển, thí sinh có thể nộp hồ sơ cùng lúc vào các ngành của một trường hoặc một ngành ở nhiều trường hay các ngành khác nhau ở các trường thành viên. Thí sinh sẽ được xét trúng tuyển lần lượt theo thứ tự nguyện vọng, nếu trúng tuyển nguyện vọng trước không được tham gia xét ở nguyện vọng sau. Trong cùng một nguyện vọng, thí sinh được xét bình đẳng như nhau.

Tiến sĩ Chính cho biết quy trình này sẽ giúp thí sinh chọn đúng ngành nghề yêu thích, định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, ĐH này vẫn chờ quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ nhằm quyết định các bước kỹ thuật để các trường cùng tham gia xét tuyển trong cơ sở dữ liệu chung.

Riêng Trường ĐH Bách khoa, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết trường có bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển toán, hóa, sinh cho 2 nhóm ngành gồm: hóa - thực phẩm - công nghệ sinh học và nhóm ngành môi trường. Riêng ngành kiến trúc có nhân hệ số 2 môn toán, các ngành còn lại xét điểm tổng 3 môn. Trường hợp thí sinh xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, điểm xét tuyển được tính theo tổng điểm 3 môn của tổ hợp có điểm lớn nhất.

Không xét điểm học bạ, thêm tổ hợp môn

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết điểm mới quan trọng trong phương án tuyển sinh năm nay là trường bỏ hình thức xét tuyển học bạ THPT với ngành công nghệ kỹ thuật ô tô (năm 2015 ngành này xác định điểm trúng tuyển theo tỷ lệ 80% điểm kỳ thi THPT quốc gia và 20% điểm học bạ THPT). Tuy nhiên, năm nay ngành này chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, cụm thi do trường ĐH chủ trì. 

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hình thức xét tuyển này phức tạp mà không hiệu quả. Ngoài ra, trường cũng lo ngại tình trạng học sinh được nâng điểm học bạ để đối phó với chính sách tuyển sinh của các trường ĐH dẫn đến kết quả không thực chất.

Trường này cũng chính thức có 2 ngành mới được Bộ cho phép tuyển sinh trong năm nay gồm: kỹ thuật y sinh và ngôn ngữ Anh. Trong đó, trường tiếp tục dành 20% chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh để xét tuyển thẳng thí sinh đạt điểm IELTS quốc tế từ 6,5 trở lên hoặc tương đương. Năm nay, trường cũng chính thức bỏ tuyển sinh tất cả các ngành bậc CĐ và chuyển chỉ tiêu này lên bậc ĐH.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ tiếp tục xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng nhà trường, dự kiến năm nay trường sẽ bỏ nhân hệ số môn toán, vẫn giữ nguyên tổ hợp xét như năm 2015. Trường chỉ còn đào tạo 2 ngành bậc CĐ gồm khoa học hàng hải chuyên ngành điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy. Như vậy, từ 5 ngành với 250 chỉ tiêu bậc CĐ năm ngoái, năm nay trường chỉ còn 80. Bậc ĐH vẫn giữ mức 2.400 chỉ tiêu, phần cắt giảm bậc CĐ chuyển cho hệ đào tạo liên thông.

Còn GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết khả năng trường vẫn giữ nguyên phương án xét tuyển như năm ngoái. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, trường sẽ có phương án tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực sau khi thí sinh đã biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Theo Thanhnien.vn