Một nghiên cứu mới được công bố trong tuần này cho thấy 1% dân số giàu nhất Ấn Độ kiếm được 22% tổng thu nhập của đất nước này và nắm giữ tới 40% tổng tài sản trong năm tài chính vừa qua. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng đây là mức chênh lệch “cao lịch sử” đối với Ấn Độ và thậm chí cao hơn mức của các nền kinh tế phát triển như Mỹ.
Bài nghiên cứu có đồng tác giả là các nhà kinh tế học Kumar Bharti, Lucas Chancel, Thomas Piketty và Anmol Somanchi. Nó chỉ ra rằng sự giàu có ở Ấn Độ, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu, chủ yếu tập trung vào 1% dân số giàu nhất, những người mà họ gọi là giai cấp tư sản hiện đại của nước này. Họ cho rằng sự phân bổ của cải ở đất nước Nam Á hiện nay bất bình đẳng hơn nhiều so với thời kỳ còn là thuộc địa của Anh.
“Trong năm 2022-23, 22,6% tổng thu nhập của cả nước chỉ thuộc về 1% dân số giàu nhất, đây là mức cao nhất được ghi nhận trong dữ liệu của chúng tôi kể từ năm 1922, cao hơn cả trong thời kỳ thuộc địa. Tài sản của 1% người giàu nhất đứng ở mức 40,1% tổng tài sản của cả nước vào năm 2022-2023, cũng ở mức cao nhất kể từ năm 1961”, nghiên cứu cho hay.
Trích dữ liệu từ bảng xếp hạng tỉ phú của Forbes, nghiên cứu cho biết số người Ấn Độ có tài sản ròng vượt quá 1 tỉ USD đã tăng từ 1 người (1991) lên 162 người (2022). Trong giai đoạn này, tổng tài sản ròng của những cá nhân này từ mức chỉ chiếm dưới 1% tổng thu nhập ròng của cả Ấn Độ vào năm 1991, lên 25% trong năm 2022.
Hiện tại, người giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, cũng là người giàu nhất châu Á, có tài sản ròng 114 tỉ USD. Gần đây, ông được báo giới đưa tin rầm rộ về việc tổ chức một đám cưới xa hoa cho con trai mình với sự tham dự của hàng chục người nổi tiếng, bao gồm Bill Gates, Mark Zuckerberg, đồng sáng lập Blackrock Larry Fink, Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai, Ivanka Trump và nhiều người khác.
Bất chấp sự chênh lệch về thu nhập được báo cáo, nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ và sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới trong vòng 3 năm tới. GDP của nước này đã tăng 8,4% trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2023, tốc độ tăng nhanh nhất trong 6 quý.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ, trong bản tin mới nhất, lưu ý rằng quốc gia này có thể duy trì mức tăng trưởng GDP 8% nhờ môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người được coi là “nghèo”. Vào tháng 1 năm nay, 30 thành phố đã được xác định là sẽ “không có người ăn xin” vào năm 2026 như một phần của chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp và Sinh kế dành cho Người bị thiệt thòi.
Chính quyền New Delhi cũng đang thành lập một ủy ban có quyền lực cao để xem xét những thách thức nảy sinh từ “sự gia tăng dân số nhanh chóng và những thay đổi về nhân khẩu học”.
Năm 2023, một báo cáo về tình trạng nghèo đói của cơ quan cố vấn chính phủ NITI Aayog cho biết nước này đã giúp 135 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 5 năm trước đó. Theo báo cáo mà UNDP công bố năm ngoái, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm từ 25 xuống 15% trong giai đoạn giữa 2015-2016 và 2019-2021.
Tỉ phú Gautam Adani - từ giai tầng thấp của Ấn Độ trở thành người giàu nhất châu Á
Lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Ấn Độ hứng đòn chí mạng do Byju's và Paytm
Hầu hết xuất khẩu dầu của Nga chuyển dịch sang Trung Quốc và Ấn Độ
Theo RT